Ác cảm ‘nhà quê’ của teens phố

Với không ít teens, tính từ “nhà quê” không chỉ là cách các bạn chê bai nhau kém sành điệu, mà còn là thể hiện sự ác cảm, xen lẫn miệt thị với những người không sinh ra ở thành phố.

Tính từ “nhà quê”

Với thế hệ 8X, 9X bây giờ, “nhà quê” đã trở thành tính từ. “Nhà quê” được lấy làm thước đo cho sự không “thành phố” của nhiều xì tin, với một list liệt kê những biểu hiện xấu xí…và vơ đũa cả nắm lại, thì đó được liệt vào hạng “nhà quê”!

Nhìn trên đường có xì tin nào đấy “trót” ăn mặc không hợp mốt, nói bị ngọng nghịu một chút… là có người đã có thể thì thầm vào tai nhau: “Thằng/Con bé này là nhà quê, mày ạ!”.

Một số xì tin thành phố, thường không có nhiều thiện cảm với người ngoại tỉnh. Có hàng ngàn lí do cho chuyện “dị ứng nhà quê”, điển hình nhất là “đi với mấy đứa quê cục xấu mặt lắm!”

Dở khóc dở cười về xì tin “nhà quê” và “thành phố”

Nhiều bạn rảnh rỗi, còn bàn tán về những sự khác nhau “kì quặc” giữa xì tin nhà quê và xì tin ngoại tỉnh. H.K (17 tuổi) nói: “Người Hà Nội giả ăn mặc không hợp mốt, hay không có những đồ 2tek thời thượng, bạn cũng có thể bị biến thành “nhà quê! Giọng ngoại tỉnh “iem iem” còn dễ; chứ để người nhà quê mà tập nói được giọng chuẩn Hà Nội thì hơi khó!”

Có cậu bạn đi casting làm diễn viên. Ban tổ chức casting cần chọng người có giọng nói chuẩn Hà Nội. Khổ nỗi dù có khuôn mặt điển trai, sáng sủa, năng khiếu cũng tạm ổn, nhưng cậu không thể sửa nổi tật “Ngọng nờ lờ”. Lẽ đương nhiên, cậu bị loại ngay từ vòng gửi xe!

Vậy mà lúc ra khỏi phòng thi, cậu vẫn cố gân cổ lên thắc mắc: “Sao các thầy không choa iem thử? Các thầy nàm như thế nà uổng phí cả một tài lăng!”

Một giảng viên Đại học, khi dạy thêm học sinh ở ngoài đôi lần vẫn nói “Ngày đầu tiên, tôi thấy trong khuôn viên trường, nào những cậu mặc quần ống loe tới cả gang tay, những cô gái mặc quần trắng, áo tím hoa cà và đội mũ hồng, giọng nói thì nghe tai nọ sọ tai kia luôn…Nói chung là quần áo, giọng nói của họ khác người thành phố lắm. Nhưng chỉ một năm thôi, khi đã lên làm sinh viên năm 2, thì họ dường như lột xác hẳn. Tôi còn chẳng nhận ra đâu là sinh viên thành phố – ngoại tỉnh nữa rồi”.

Có nhiều học sinh, sinh viên ngoại tỉnh tâm sự: “Bọn tớ phải tập thích nghi với hoàn cảnh, tập nói giọng Hà Nội, mặc quần áo thời trang hơn, cư xử ra vẻ “sành điệu” hơn… vì rõ ràng vẫn còn nhiều người thành phố kì thị, phân biệt dân quê”.

Với việc sử dụng “nhà quê” như một tính từ, truyền đời từ người lớn, xì tin cho đến trẻ con, dường như câu chuyện phân biệt “nhà quê – thành phố” không chỉ nằm trong giới hạn khoảng cách, tập tục.

“Nhà quê” quen thuộc đến độ một cô bé 5 tuổi khi đi học mẫu giáo đã khóc nhè đòi mẹ: “Con không mặc cái áo đỏ này đâu, đến lớp các bạn chê là quê”. Cho đến việc những xì tin đi đường, nhìn những thứ xấu, lỗi mốt rồi cũng gộp lại thành “quê mùa”; rồi khi lớn lên, khi đi học đại học đã chơi nhóm và phân biệt về nguồn gốc, quê quán của nhau.

Có những con người thành phố, họ cứ dần dần lớn lên với tiềm thức “đồ nhà quê, người nhà quê”, những thứ “quê mùa”, “hai Lúa”…

Nhà quê, thành phố thì vẫn là người Việt Nam

“Người nhà quê” từ lâu đã ăn sâu vào trí óc “người thành phố”. Và cái tính từ “nhà quê” cũng sinh ra từ đó; chỉ cái xấu, cái “quê”! Nhưng teen thành phố không thể phủ nhận một điều là số lượng sinh viên đỗ Đại học lên Hà Nội học rất cao.

Trong khi xì tin thành phố có quá nhiều chỗ để vui chơi, điều kiện tốt để phát triển…thì teen ở nông thôn ngoài công việc đồng áng, chăn nuôi giúp bố mẹ…cách duy nhất để thoát nghèo, thoát khổ là học tập thật tốt.

Và bây giờ, trên những thành phố lớn, dù vẫn đầy rẫy những bạn phải đánh giày, ve chai ngoài đường…vì hoàn cảnh khó khăn nên phải lên thành phố mưu sinh; nhưng cũng không ít những quản lí, giám đốc mà trước kia ta gọi là “nhà quê” điều hành những công ty, nhà máy lớn.

Bạn không thể phủ nhận việc dù là người ở nơi nào, thì cái quan trọng là bộ óc, là năng lực tài giỏi, là cách ứng xử văn minh lịch sự…chứ không phải là giọng nói quê mùa, thẩm mỹ tồi, hay thói quen tập quán vùng miền…. “Nhà quê, thành phố” thì vẫn là người Việt Nam.

Người nhà quê, họ có thể sửa được vẻ bề ngoài cho đẹp hơn, tập nói giọng chuẩn hơn, rèn luyện mình chăm chỉ, theo đuổi tham vọng để “đổi đời”, thì tại sao, một số người thành phố, lại chỉ giữ lấy khư khư cái quan điểm không thèm chơi với “người nhà quê”?

Theo Kênh14

Bài cùng chuyên mục