Món quà của mẹ

Món quà của mẹ 1
Chị thấy tội cho con gái. Mười lăm tuổi, lứa tuổi bạn bè mơ mộng này nọ, thì nó, ngoài giờ học phải khom người bên cái cối xay đậu nành giúp chị, rồi khi chị gánh đậu hũ đi bán thì cơm nước giặt giũ… Tội nghiệp, buổi tối nó xin chị đi học thêm tiếng Anh mà tám ngàn đồng mua quyển sách chị vẫn chưa cho con tiền mua. Tối nào nó cũng mượn sách của bạn về ngồi chép lại bài.

“Nếu mình có tiền…” Chị thở dài, nỗi ước mơ thường hiện trong tâm trí. Thôi thì lại an ủi con: “Nhà mình nghèo quá, tìm cách khéo khéo từ chối bạn bè nghe con”. Đã bao nhiêu lần nhận được thiệp mời sinh nhật của bạn bè, con chị phải lắc đầu kiếm cớ không đến…

Nhưng tấm thiệp màu hồng chiều nay thật khó xử – “Đây là lần cuối cùng tao còn gặp gỡ bạn bè. Vài ngày nữa tao theo ba má xuất ngoại. Nhớ đến với tao nghe Thuỳ”.

Nhìn con gái cứ đọc đi đọc lại tấm thiệp rồi cắn môi nhìn đâu đó trên trần nhà, chị lo lắng. “…Con gái lớn… Biết đâu… “

– Đọc cho mẹ nghe cái thiệp viết gì vậy Tèo?

Thằng Tèo, đang học lớp hai, phồng môi phồng má đánh vần những dòng chữ bay bướm nghiêng nghiêng. Chị nghe xong thở dài !

Nếu một ngày dài ra thêm một buổi thì chị sẽ gánh thêm hàng đi bán. Nếu mình trúng số… Nếu… Nếu… Nhưng chẳng có cái “nếu” nào xảy ra cả. Chị buồn rầu nhìn con lặng lẽ làm công việc thường ngày và vẫn ngoan ngoãn “dạ” mỗi khi chị gọi.

– Con có dịnh dự tiệc chia tay với bạn không ? – Chị bật hỏi.

– Gần thi rồi, con ở nhà học bài mẹ ạ!

Con chị trả lời thản nhiên nhưng chị thấy nỗi luyến tiếc đầy trong mắt nó.

Chị thấy thương con đến quặn lòng:

– Sang năm mẹ sẽ tổ chức sinh nhật cho con – Chị buột miệng. Vì muốn bù đắp cho con nên chị muốn nói điều gì đó thật đặc biệt mà chị không kịp suy nghĩ.

Thùy kinh ngạc mở to mắt nhìn mẹ.

Cuộc sống dường như có mục đích mới. Chị tằn tiện dè sẻn từng đồng. Chị nhất định cho con có một ngày vui. Mục đích này khiến chị phấn chấn hơn. Chừng như chị đã vượt qua được những lo toan cơm áo hàng ngày để vươn tới một mối quan tâm tốt lành hơn.

Buổi tối, khi các con ngủ say, chị ngồi nhẩm tính đã giành dụm được bao nhiêu. Rồi chị làm một việc rất ư lãng mạn là nhớ ngày sinh của các con. Ngày sinh thằng út là ngày buồn nhất vì anh chết trước đó máy tháng.

*****

Thằng Tèo sinh ra vào một ngày mùa hè, cây phượng ngoài sân bệnh viện sản đỏ rực hoa. Còn Thùy là một ngày giáp Tết, anh chị đã mua sắm cho đứa con đầu lòng bao nhiêu là quần áo thêu xinh xắn… Chị mỉm cười vui vui tưởng tượng đến một ngày sang năm, con của chị mặc một cái áo đầm màu hồng kết thật nhiều ren và những cái nơ xinh xinh cài trên tóc.

Trận sốt xuất huyết của cu út làm tiêu tan số tiền dành dụm của chị . Thùy dường như đã quên lời hứa đột ngột của mẹ, cô bé vẫn làm công việc như thường ngày và dạo này lại còn nghêu ngao hát. Chị lặng im vì biết vậy là thôi rồi. Biết là thôi mà lòng vẫn bứt rứt. Càng gần đến ngày sinh của Thuỳ, chị càng thấy nao nao.

Buổi chiều vào đúng ngày sinh của Thuỳ, chị đặt gánh đậu hũ dưới bóng mát của mái hiên một cửa hàng bán sách. Cô bán hàng gọi một chén đậu hũ.

Trong lúc ngồi chờ cô bán hàng ăn, chị nhìn dãy kệ cao chất bao nhiêu là sách bìa trắng, bìa đỏ, bìa vàng… Đập vào mắt chị là quyển sách quen thuộc mà đêm đêm Thùy mượn bạn bè về ngồi chép lại. Chị không biết chữ nhưng quyển sách quen đến nỗi chị nhận ra ngay – Bìa màu xanh dương, dày khoảng một đốt rưỡi ngón tay và hàng thẳng, chỗ dài, chỗ ngắn chị nhớ rất rõ.

– Quyển sách đó bao nhiêu vậy cô? – Chị rụt rè hỏi.

– Quyển nào hở chị?

– Dạ đó, quyển có chữ đầu cong cong…

– À! Streamline tập một. Tám ngàn.

Chị thò tay nắm cuộn giấy bạc được cột dây thun cẩn thận trong túi. Nó cần quyển sách này từ năm ngoái, thằng út mới đau dậy, tiền thuốc, tiền thầy… Đủ thứ tiền trên đời.

– Cô bán cho tôi quyển đó đi… Rồi cô viết giùm…

-…

– Cô viết giùm tôi… “Mẹ tặng con vào ngày mẹ sinh ra con”- Chị bối rối đến đỏ mặt…

– Viết như thế này hay hơn – Cô bán hàng vui vẻ cầm bút – “Con yêu quí của mẹ, mẹ tặng con nhân ngày sinh nhật. Mẹ yêu con lắm”.

– Dạ… cám ơn cô !

– Có cần gói giấy màu thắt nơ không chị ?

Chị ngần ngừ. Cô bán hàng nhìn vẻ phân vân của chị rồi cô nhìn ra gánh đậu hũ bên ngoài, giọng cô dịu dàng:

– Con của chị bao nhiêu tuổi?

– Da… mười sáu

– Tôi tặng chị giấy gói và cái nơ màu tím này.

Cô bán hàng gài cái nơ thật khéo lên gói giấy màu vàng hoa cúc và mỉm cười trao cho chi.

Sợ lũ nhỏ ganh tỵ, chị đợi cho tất cả đi ngủ rồi mới đưa gói quà cho Thuỳ.

– Sao mẹ biết con thích màu tím? – Cô bé thì thầm

– Ừ… màu tím – Chị nhìn cái nơ và thì thầm lập lại. Chị quên mất chính cô bán hàng đã chọn cái nơ màu tím tặng cho chị. Hình như chính chị đã chọn cho con gái. Đúng như vậy !

– A… Mẹ! Thùy kêu lên khi mở gói giấy ra.

– Con cần quyển sách này phải không ?
Thùy mân mê quyển sách và ngước nhìn chị. Hai mẹ con ôm nhau dưới ánh đèn khuya.
*********
Cô bán hàng nhìn cô bé mười sáu tuổi ngập ngừng bước đến:

– Hôm qua mẹ em đẫ mua quyển sách này ở đây phải không chị?

– Hôm qua… Mẹ em là ai? À… Có phải bà bán đậu hũ không ?

– Dạ phải.

– Có chuyện gì vậy?

– Em đã học xong quyển một rồi mà mẹ em không biết nên… Chị đổi giùm em tập 2 được không ?

– Nhưng… Mẹ em đã viết vào sách rồi, làm sao tôi bán cho người khác được?

– Viết? – Cô bé mở to mắt – Mẹ em viết?

– Tôi viết giùm. Em không mở sách ra sao?

Cô bé ấp úng:

– Em đã thuộc lòng quyển sách này, vả lại mở ra em sợ dơ, khó đổi. Xin lỗi chi… Em không biết mẹ em đã…

Cô bán hàng nhìn theo cô bé đang dợm chân quay ra. Cô suy nghĩ rất nhanh:

– Này cô bé, đưa đây tôi đổi cho.

Cô bé nhìn cô bán hàng rồi cúi lật trang đầu của quyển sách trên taỵ “Con yêu quí của me…”

– Thôi, chi… Em không đổi đâu – Cô bé nhẹ lắc đầu. ánh mắt cô bé đọng lại nơi bàn tay của cô bán hàng đặt trên quầy – Lời yêu thương của mẹ được viết bởi bàn tay này. Trái tim cô bé thổn thức đập.

Cảm thấy bàn tay mình nong nóng, cô bán hàng rụt tay lại. Khả năng giao tiếp linh hoạt thường ngày biến mất, cô lặng im nhìn cô bé ôm quyển sách màu xanh bước đi giữa trời trưa nắng.
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ,
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Nếu câu chuyện làm bạn cảm động, hãy nhấc điện thoại lên và bấm số của bố mẹ, chỉ để nói rằng: Con yêu bố mẹ!
T. G(Nguồn: Truyenngan.com)
Bài cùng chuyên mục