“Tấm gương” Hoa Lâm – Shangrila

Lịch sử xưa nay hiếm ai dám đề nghị chính quyền vào thanh tra công ty mình. Thế nhưng, Hoa Lâm - Shangrila đã làm gương cho câu chuyện này.

Từ “phục vụ” thành “ưu tiên bán”

Ngày 30/9/2019, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangrila có văn bản gửi Thành ủy và UBND TP.HCM về việc đề nghị thanh tra và công bố kết luận về thông tin trái chiều liên quan đến dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao.

Theo Hoa Lâm – Shangrila, vừa qua, có nhiều thông tin trái chiều liên quan đến Khu Y tế Kỹ thuật cao, gây tâm lý hoang mang cho người lao động đang làm việc tại đây, trong bối cảnh nhà đầu tư đang khó khăn tìm kiếm nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ y bác sỹ để chữa bệnh cho bệnh nhân.

“Để làm sáng tỏ, chúng tôi kính đề nghị UBND TP và Thanh tra TP tiến hành thanh tra Khu Y tế Kỹ thuật cao, sớm công bố kết luận, để nhà đầu tư yên tâm thực hiện dự án”, văn bản nêu.

Trước đó, có nhiều thông tin trên báo chí nói về sự xuất hiện của dự án kinh doanh bất động sản trong Khu Y tế Kỹ thuật cao. Dự án gồm 2 khu căn hộ cao cấp tọa lạc ngay mặt tiền đường Tên Lửa, con đường đắt đỏ bậc nhất khu Tây Sài Gòn.

Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangrila tại khu Y tế Kỹ thuật cao

Được biết, Khu Y tế Kỹ thuật cao là dự án được hưởng nhiều ưu đãi về thuê đất. Năm 2008, trong văn bản số 925/TTg-KGVX, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP.HCM có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, hỗ trợ chủ đầu tư tổ chức thực hiện Dự án đúng mục tiêu, bảo đảm tiến độ và đúng các quy định của pháp luật. Ngoài ra, văn bản này cũng nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện Dự án, nếu phát sinh các nội dung cụ thể vượt thẩm quyền, Ủy ban Nhân dân Thành phố tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Chính vì vậy, khi Hoa Lâm – Shangrila muốn thay đổi mục tiêu dự án, ngày 8/9/2017, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Văn bản này có nêu, ngày 24/7/2017, Hoa Lâm – Shangrila có văn bản đề nghị điều chỉnh mục tiêu dự án và chức năng khu quy hoạch của 2 lô đất D2 và D3 từ “Khu nhà ở, căn hộ phục vụ cho nhu cầu của Dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao” thành “Xây dựng và kinh doanh khu nhà ở, căn hộ (ưu tiên bán cho bác sỹ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu Y tế Kỹ thuật cao)”.

Theo Hoa Lâm – Shangrila, việc quy định rõ cụm từ “phục vụ” thành “bán” là để hỗ trợ công ty giải quyết khó khăn như: Công ty lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 là 1.000 tỷ đồng; đội ngũ y bác sỹ, cán bộ công nhân viên rất băn khoăn khi có từ “phục vụ” và cũng đề nghị được điều chỉnh là Khu căn hộ để bán phục vụ cho nhu cầu nhà ở của y, bác sỹ, cán bộ công nhân viên làm việc tại Khu Y tế.

Cần thanh tra để ủng hộ doanh nghiệp

Tại sao chỉ cần sửa cụm từ “phục vụ” thành “bán” có thể giúp doanh nghiệp thoát khó khăn lỗ 1.000 tỷ đồng? Theo phân tích của chuyên gia và thông tin báo chí phản ánh, ngay từ đầu mục tiêu dự án là làm Khu Y tế Kỹ thuật cao, đúng như tên gọi và hoàn toàn không có kinh doanh bất động sản trong dự án này. Do đó, trong dự án mới có nhà ở “phục vụ” cho y bác sỹ, chứ không được “bán”. Đây cũng là yếu tố quan trọng để dự án được hưởng nhiều ưu đãi.

Theo phân tích, việc chuyển thành “bán”, dự án kinh doanh bất động sản sẽ sinh lời không nhỏ cho doanh nghiệp. Việc xin cho này làm thay đổi mục tiêu ban đầu của dự án và khi sinh lời cho doanh nghiệp, liệu có gây thất thoát cho nhà nước hay không? Số tiền thuế mà doanh nghiệp phải đóng là bao nhiêu, tính thuế theo phương pháp nào, số liệu thu thập có sát giá thực tế không? Đây là những vấn đề mà dư luận và báo chí cần được thông tin rõ.

Một vấn đề nữa cũng cần làm rõ là Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh mục tiêu dự án, theo đề nghị của UBND TP.HCM hay chưa? Theo một bài báo cùng chủ đề Khu Y tế Kỹ thuật cao, phản hồi đề nghị của UBND TP.HCM, ngày 21/9/2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 10028 nêu rõ: “Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND TP.HCM xử lý theo quy định”. Điều này, theo phân tích của các luật sư, không đồng nghĩa rằng Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng, khi phê duyệt dự án, rất nhiều Bộ phải tham gia góp ý kiến, trước khi Thủ tướng đặt bút ký. Nên việc “xử lý theo quy định” ở đây có thể hiểu là để thay đổi mục tiêu cũng cần theo quy trình lấy lại ý kiến các Bộ Ngành liên quan.

Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh lời lỗ là điều hết sức bình thường trong cơ chế thị trường. Nếu không có nhu cầu làm nhà ở “phục vụ” thì trả lại đất cho nhà nước đấu giá thu tối đa cho ngân sách chứ sao lại xin giữ để “bán” kiếm lời?

Dự án AIO City trong Khu Y tế Kỹ thuật cao được chào bán với mức giá khoảng 40 triệu đồng/m2

Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lại mong muốn được minh bạch như Hoa Lâm – Shangrila, thiết nghĩ là việc hết sức cần thiết. Do đó, theo các chuyên gia, không những Thanh tra TP.HCM cần vào cuộc mà nếu Thanh tra Chính phủ thanh tra lại thì càng đảm bảo sự trong sạch cho doanh nghiệp. Vì thực tế đã có nhiều vụ việc ở TP.HCM, chỉ khi có sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ hay Ủy ban Kiểm tra TW thì mới sáng tỏ vấn đề.

Theo Quốc Tuấn/ Reatimes.vn

Link gốc: //reatimes.vn/tam-guong-hoa-lam-shangrila-20191108133840534.html

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục