Nên hiểu thế nào về việc ‘thoái vốn’ tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống?

Dự án nhà máy nước sạch sông Đuống đã và đang làm nóng công luận trong tuần này, sau khi được một đại biểu Quốc hội đề cập đến trong phiên chất vấn tại nghị trường, theo đó cần xem xét lại việc “thoái vốn” tại dự án này. Tuy nhiên, nên hiểu thế nào cho đúng về việc “thoái vốn” tại dự án này?

Dây chuyền sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: PV

Đã từng là dự án “kêu gọi đầu tư nước ngoài”

Ngày 7/11, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề: “Vừa qua, dư luận phản ánh việc tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống. Trước tình hình cung cấp nước sạch ở Hà Nội như vừa rồi, chúng ta phải xem xét lại chủ trương này. Tôi đề nghị Bộ trưởng Công Thương cũng như Thủ tướng cho biết thêm ý kiến của mình về việc này. Tôi rất khẩn thiết đề nghị xem xét lại không nên thoái vốn hoặc Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối tại các đơn vị này”.

Ngay lập tức, đã có những ý kiến không đồng tình với quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa coi đây là một hành vi “thoái vốn”.

Theo Quyết định số 631/QĐ-TTg ngày 29/4/2014, Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống là dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài. Bộ Xây dựng cũng đã có Quyết định số 72/QĐ-BXD phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và cho phép Liên doanh các Nhà đầu tư gồm Tổng Công ty đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen), Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội (Hawaco), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và đối tác Nhật Bản thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống cấp nước Nhà máy nước sông Đuống.

JICA sau đó đã tìm hiểu và đề xuất phương án tham gia với vai trò là nhà đầu tư, đồng thời là đơn vị thu xếp vốn vay từ quỹ PSIF của Nhật Bản. Qua quá trình thực hiện, phía Nhật Bản cũng đã hoàn thành báo cáo FS.

Tuy nhiên khi so sánh, đánh giá các đề xuất trong nghiên cứu của phía Nhật bản, Viwaseen, với vai trò đại điện chủ đầu tư do Chính phủ Việt nam chỉ định, nhận thấy còn tồn tại một số điểm khác biệt lớn so với Báo cáo FS của chính Viwaseen thực hiện trước đó.

Cụ thể, về giá bán nước đề xuất, để đáp ứng được các chỉ tiêu kinh tế tài chính của dự án thì giá bán nước đề xuất là 14.000 ÷ 18.000 đồng/m3, cao hơn nhiều giá bán đang áp dụng trên địa bàn thành phố.

Phía Nhật Bản cũng đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu EPC đối với các hạng mục cung cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị của dự án… đồng thời đòi hỏi được bao tiêu toàn bộ sản phẩm ngay sau khi nhà máy nước sạch vận hành.

Do có những khác biệt trên nên các bên đã không tìm được tiếng nói chung. Sau đó JICA giới thiệu thêm nhà đầu tư Mitsubishi tuy nhiên nhà đầu tư này cũng đưa ra các cơ chế đặc thù khác đề nghị áp dụng và không được Chính phủ đồng ý nên JICA không tiếp tục tham gia Dự án.

Bán cổ phần là hoạt động bình thường

Do dự án không thể “bén duyên” với nhóm nhà đầu tư trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND thành phố Hà Nội triển khai, kêu gọi nhà đầu tư khác thực hiện Dự án này. Ngày 03/6/2016, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định chấp thuận các nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Đuống, trong đó đã bao gồm Công ty VIAC (No.1) Limited Partnership (Singapore) là một nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy, theo các chuyên gia về đầu tư, việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án nước sạch là một chủ trương đã có từ rất lâu của Chính phủ thể hiện bằng các văn bản pháp lý, xuyên suốt qua nhiều thời kỳ.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và các đại biểu thực hiện nghi thức mở van nhận nước để chính thức khánh thành giai đoạn 1 dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh TL

Đến nay, khi dự án đã hoàn thành giai đoạn I, đi vào sản xuất các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần. Cụ thể, 34% cổ phần của một số cổ đông sáng lập đã được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài khác là WHAUP (SG) 2DR PTE.Limited (Singapore) – công ty con của WHAUP (Thái Lan).

Chủ đầu tư cho rằng Việc chuyển nhượng này được thực hiện căn cứ theo các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hiện hành và các quy định trong Điều lệ Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống. Các cổ đông cũng đã hoàn tất nghĩa vụ về thuế, tài chính và nghĩa vụ khác với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc mua bán chuyển nhượng cổ phần. Đồng thời Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội đã có Thông báo số 877324 ký ngày 11/10/2019 Về việc đáp ứng đủ điều kiện góp vốn, mua lại cổ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Từ những căn cứ nêu trên, các chuyên gia cho rằng việc Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống (được thành lập từ doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước tham gia 15%) thực hiện việc chuyển nhượng 34% cổ phần cho Nhà đầu tư nước ngoài khác là WHAUP (SG) 2DR PTE.Limited (Singapore) – công ty con của WHAUP (Thái Lan), là “hoàn toàn phù hợp với chủ trương, đường lối chính sách pháp luật cũng như các quy định của Chính phủ và các Bộ liên quan”.

Trên thực tế, hiện nay hoạt động M&A đã và đang diễn ra rộng khắp. Thị trường Việt Nam đã chứng kiến thương vụ lịch sử khi một nhà đầu tư Thái Lan đã bỏ ra hơn 5 tỷ USD để sở hữu cổ phần chi phối tại Sabeco. Thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho hay trong 10 tháng đầu năm 2019, đã có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 10,8 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong một thị trường vốn đang ngày càng rộng mở, việc các doanh nghiệp Việt Nam bán cổ phần để thu về nguồn tài chính mới nhằm tiếp tục triển khai các dự án đầu tư khác là điều bình thường, thậm chí cần được xem là tín hiệu lành cho môi trường đầu tư.

Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy Nước mặt sông Đuống với quy mô đầu tư xấp xỉ 5000 tỷ đồng. Nhà máy cung cấp nước sạch sinh hoạt quy mô cấp Vùng với tổng diện tích 64,2 ha, mức đầu tư giai đoạn I khoảng gần 5000 tỷ đồng theo 2 phân kỳ: Phân kỳ 1 khánh thành tháng 10/2018 với công suất 150.000m3/ngày đêm; Phân kỳ 2 nâng công suất lên 300.000m3/ngày đêm, đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu người – chiếm 1/3 dân số Hà Nội và 1 số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.

Theo giới thiệu, nhà máy được xây dựng và vận hành với dây chuyền công nghệ có xuất xứ châu Âu. Tư vấn giám sát là các công ty tư vấn chuyên nghiệp Artelia, Bureau Veritas từ Pháp- là một trong những tư vấn giám sát hàng đầu thế giới. Nhà máy vận hành với chuyên gia nước ngoài chỉ đạo toàn bộ quá trình sản xuất và toàn bộ dây chuyền công nghệ được giám sát 24/7 theo sát thời gian thực.

Theo Hùng Anh/ VietnamFinance

Nguồn: //vietnamfinance.vn/nen-hieu-the-nao-ve-viec-thoai-von-tai-nha-may-nuoc-mat-song-duong-20180504224231401.htm?fbclid=IwAR2af2G9wIzcKoqe7rteJGv21r8AtvBTv7jg9jzPI6spXC_JoRbppxiYgKs
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục