Văn hóa ‘ăn hàng’ của giới trẻ Sài Gòn có biết bao nhiêu điều để kể

“Ăn hàng” trong từ điển Tiếng Việt có nghĩa là ăn uống ngoài hàng quán, hay ngoài chợ. Văn hoá "ăn hàng" của giới trẻ Sài Gòn có biết bao nhiêu điều để kể.

Sài Gòn – nơi hội tụ của những gánh hàng rong độc đáo nhất

Gánh hàng rong san sát ở vỉa hè, chỉ có vài ba chiếc ghế nhựa nhưng lại có sự cuốn hút mạnh mẽ. Nếu là một tín đồ la cà hàng quán thì chưa chắc bạn đã đếm xuể những món ăn và gánh hàng rong ở Sài Gòn.

Vỉa hè là địa chỉ của vô vàn những món ăn thơm ngon độc đáo. Lang thang vỉa hè, ta có thể bắt gặp xe bánh mì, xe bò pía, gỏi cuốn, gỏi khô bò, bột chiên cho đến các món xôi, bánh bèo, nậm lọc được phục vụ nhanh gọn. Kế tiếp là những món ngon được truyền miệng mà du khách phải tìm tới tận nơi như các loại bún, cháo, phở, miến, cơm tấm…

Tớ mê ăn hàng vặt kinh khủng, tôi cứ luôn bị thòm thèm khi phải đối diện những gánh hàng rong hấp dẫn sau những buổi tan trường. Bánh tráng là món khoái khẩu nhất của tớ. Tớ có thể ăn bánh tráng trừ cơm. Còn một vài món tớ mê nữa là há cảo, hoành thánh và các món chè của người Hoa. Những món ăn vặt này đều có nguồn gốc rất lâu đời và cách chế biến thì tuyệt vời.

Há cảo là món ăn có nguồn gốc từ Triều Châu, Trung Quốc và được dùng phổ biến trong các bữa ăn sáng trong món điểm tâm (dim sum – người Việt đọc trại thành điểm tâm).

Thực đơn của dim sum khá phong phú: từ các món hấp quen thuộc như há cảo, xíu mại, bánh hẹ… cho đến bánh cuốn nhân tôm, xá xíu, các loại bánh bao, cũng như các món chiên.

Để hoàn thành một menu đồ sộ hơn trăm món dim sum là cả một nghệ thuật. Và nghệ thuật ấy cứ bước vào đời sống người Sài Gòn tự nhiên như hơi thở.

Để ăn được dim sum đúng chất hàng quán phải ghé qua khu vực quận 5. Hoặc ghé các gánh hàng rong trên đường Trần Hưng Đạo, gần ngã tư đường Nguyễn Tri Phương, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức dim sum đúng chất nhà hàng ngay lề đường, với giá “bọt bèo” nhưng ngon miễn bàn!

Nếu đã nhắc đến những gánh hàng bán hơn nửa thế kỷ thì không thể không nhắc đến gánh xôi nằm ở ngã tư đường Lê Thánh Tôn – Pasteur, đã có mặt ở Sài Gòn hơn 60 năm trước hay gánh xôi gà trứng non góc đường Sương Nguyệt Ánh – Cách Mạng Tháng Tám.

Những gánh xôi không tên không tuổi này đã tồn tại ở Sài Gòn hơn 25 năm. Gánh xôi chỉ bán từ khoảng 2 giờ trưa đến khi nào hết hàng thì thôi. Hay món bánh đúc vỉa hè nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đăng Lưu, đoạn gần ngã tư với đường Thích Quảng Đức.

Quán được rất nhiều người biết đến bởi chất lượng ngon. Tuy nhiên vì quán nổi tiếng nên khá đông, phải thật kiên nhẫn thì mới được thưởng thức tô bánh đúc nóng thơm ngon.

Hẻm – phần hồn không thể thiếu của văn hoá ăn hàng

Ở Sài Gòn, nếu muốn ăn ngon thì bạn phải chịu khó “lội hẻm”. Sài Gòn có rất nhiều con hẻm đã hàng trăm năm tuổi như khu vực Vườn Chuối, Bàn Cờ (quận 3), chợ Cầu Muối (quận 1), Bến Vân Đồn (quận 4), Chợ Quán (quận 5, con hẻm người Bắc ở khu giáo xứ Phú Bình (quận Tân Phú), hẻm người Quảng Ngãi (quận Tân Bình), người Chăm (quận 8).

Có hẻm lại là nơi tập trung những người cùng làm chung một nghề: Làm lồng đèn ở quận Tân Phú; làm bánh mứt ở quận 3; làm vàng mã, đầu lân ở các quận 5, 6, 11… Và tất nhiên không thể thiếu những con hẻm chỉ dành để “ăn hàng”.

Nằm lọt thỏm giữa các tòa cao ốc ở trung tâm quận 1, hẻm 76 đường Hai Bà Trưng khá nổi tiếng vì nguyên một hẻm chỉ bán đồ “ăn chơi” mà no thiệt, ngon thiệt và giá cả bình dân thiệt luôn. Tầm 4 giờ là hẻm đông nghẹt, nhiều người phải xếp hàng đợi đến lượt mua đồ ăn. Vậy nên đến khoảng 7 giờ tối là hàng nào cũng bán hết sạch.

Thực đơn thì ôi thôi nó nhiều, từ bò bía, chân gà sả tắc, chè, súp cua… đến những món no cành hông như bùn bò, hủ tiếu…. Giá dao động từ 10 ngàn đến 35 ngàn đồng. Cầm 100 ngàn mà tràn vô hẻm là coi như “đại tiệc buffet” luôn.

Người mê ăn hàng Sài Gòn, đặc biệt những người ở quận 4 có lẽ không ai không biết đến con hẻm “Đường 20 thước” có đến vài chục quán ăn vặt nằm san sát nhau này. Đặc biệt hơn nữa khi những quán này chỉ tập trung trong một đoạn ngắn khoảng 20 mét mà thôi.

Hay hẻm 200 Xóm Chiếu, 51 Cao Thắng, 284 Lê Văn Sỹ (quận 3), 123 – 125 Châu Văn Liêm… luôn nườm nượp, chủ quán phải bán liền tay mới kịp. Đặc điểm của các hẻm ẩm thực thường rất ngắn nhưng quán xá thì san sát, ngồi quán này mà kêu được cả món của quán khác, thân tình như bắc cái ghế ra ăn hàng đầu xóm nhà mình.

Đôi khi chỉ cần đi dọc trên đường, bạn cũng có thể tấp xe vào lề để mua hộp cóc chín thơm lừng, trái ổi xá lị ngọt lịm… ở gánh hàng rong là những chiếc xe đạp, xe ba gác con con. Gánh hàng rong, ẩm thực hẻm đã trở thành một trong những vẻ đẹp đặc trưng của Sài Gòn.

Người đi đường rất dễ dàng để tấp vào một gánh hàng nhỏ, chỉ đôi phút kịp mua dăm ba túi đồ rồi chạy xe đi. Những người đi xa Sài Gòn bao giờ cũng nhớ quay quắt mấy món quà bánh, trái cây đủ màu, đủ vị… của những gánh hàng ấy.

TOTTOCHAN/ Hoa học trò

Bài cùng chuyên mục