Con đường từ nhà buôn xe máy đến tập đoàn đa ngành của Hoa Lâm
Từ một công ty kinh doanh xe máy, sau hơn 20 năm phát triển, Hoa Lâm hiện là một tập đoàn đa ngành trải dài trên các lĩnh vực tài chính, y tế, bất động sản.
Ngày 30/7, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) sẽ chính thức giao dịch trên sàn UPCom. Với quy mô vốn hóa hơn 6.000 tỷ đồng, đây là cổ phiếu thứ 17 của ngành ngân hàng lên sàn chứng khoán.
VietBank có nguồn gốc là một ngân hàng nông thôn tại tỉnh Sóc Trăng và được chuyển đổi vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. Công ty Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm là cổ đông chiến lược của ngân hàng với tỷ lệ sở hữu 35% cổ phần.
Hiện tại, các cá nhân liên quan đến Hoa Lâm nắm giữ các vị trí chủ chốt của ngân hàng như Chủ tịch HĐQT Dương Ngọc Hòa hay con trai là Phó Chủ tịch HĐQT Dương Nhất Nguyên…Theo công bố của ngân hàng, gia đình ông Hoà hiện nắm giữ trực tiếp gần 15% cổ phần của VietBank.
Dù ít khi xuất hiện trên truyền thông, Tập đoàn Hoa Lâm vẫn là một tên tuổi rất nổi bật trên thương trường với lịch sử hơn 20 năm kinh doanh. Tạp chí Forbes Việt Nam mới đây đã bình chọn Hoa Lâm là một trong 20 gia đình kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam. Bà Trần Thị Lâm, Chủ tịch tập đoàn được xếp vào nhóm 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Thông tin từ website của Hoa Lâm thể hiện, đây là tập đoàn đa ngành với các lĩnh vực đầu tư trải dài từ y tế, tài chính, bất động sản. Tuy vậy, những năm tháng đầu tiên của doanh nghiệp này lại bắt nguồn từ buôn bán xe máy.
Bắt đầu kinh doanh với Công ty Nhất Nguyên được thành lập năm 1993 đến năm 1999, Công ty Hoa Lâm được thành lập và tập trung vào việc sản xuất xe gắn máy với thương hiệu chính là Halim. Tới năm 2004, hướng đến hoạt động đa dạng đa nghề, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm, đồng thời thành lập liên doanh Hoa Lâm – Kymco chuyên sản xuất lắp ráp và kinh doanh xe tay ga thương hiệu Kymco.
Bùng nổ nhờ mảng kinh doanh xe máy, nhưng khi làn sóng xe máy Trung Quốc, xe máy Hàn Quốc dần thất thế trước xe máy hãng của Honda, Yamaha, Hoa Lâm cũng nhanh chóng rút chân bằng cách thoái vốn khỏi liên doanh Hoa Lâm – Kymco và chuyển sang một lĩnh vực đầu tư mới là bất động sản y tế. Đây là lĩnh vực đầu tư quan trọng nhất của Hoa Lâm trong vòng 10 năm trở lại đây.
Năm 2008, Hoa Lâm được giao 37,56 ha đất tại Quận Bình Tân (TP. HCM) để xây dựng “Thành phố y tế” với 6 bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế và nhiều trung tâm dịch vụ đi kèm. Khu đất rộng lớn cách quận 1 trung tâm 11km được thiết kế dựa trên ý tưởng xây dựng các bệnh viện tư nhân kết hợp với các khu thương mại, khu nhà ở và các tiện ích khác.
Dự án Khu y tế kỹ thuật cao có tổng đầu tư 1 tỷ USD được phát triển bởi liên doanh Hoa Lâm – Shangri La. Liên doanh này do tập đoàn Aseana Properties sở hữu 72% cổ phần, phần còn lại thuộc về tập đoàn Hoa Lâm và các nhà đầu tư khác. Aseana Properties là tập đoàn chuyên đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam và Malaysia.
Đến nay 2 bệnh viện City International Hospital và Gia An 115 đã được xây dựng và đưa vào hoạt động. Liên doanh cũng đã hợp tác với tập đoàn bán lẻ AEON của Nhật Bản để xây dựng AEON mall Bình Tân trị giá 130 triệu USD vào năm 2013. Nằm cạnh trung tâm thương mại này, một dự án căn hộ Aio City cũng đang được xây dựng.
Bên cạnh việc phát triển các dự án thành phần, liên doanh Hoa Lâm – Shangri La đã tiến hành bán nhiều lô đất trong dự án. Năm 2017, công ty đã bán 2 lô đất thu về 13 triệu USD. Một giao dịch khác trị giá 6,6 triệu USD đang được hoàn tất. Còn hơn 10 lô đất khác trị giá khoảng 40 triệu USD đang được công ty lên kế hoạch chuyển nhượng.
Ngoài dự án này, Tập đoàn Hoa Lâm còn sở hữu nhiều bất động sản khác như tòa nhà cao văn phòng Lim Tower 1, Lim Tower 2, tòa nhà Vietbank tại TP.HCM. Bà Lâm, Chủ tịch của tập đoàn còn từng có tên trong nhiều dự án khác như tòa nhà Lim Tower 3 hay dự án căn hộ Kingdom 101.
Tập đoàn Hoa Lâm còn tham gia làm chủ đầu tư Khu dân cư 2,3,4 rộng 80 ha tại Quận 2, TP.HCM và Khu du lịch làng Chài rộng 30ha tại Bà Rịa Vũng Tàu.
Đáng chú ý, bà Lâm còn là Chủ tịch HĐQT của Berjaya Gia Thịnh, công ty được ủy quyền đầu tư và vận hành dự án xổ số điện toán Vietlott trên toàn quốc tại Việt Nam. Tại liên doanh này các cổ đông nước ngoài, trong đó có Tập đoàn Berjaya nắm giữ 60% cổ phần còn công ty trong nước nắm giữ 40% cổ phần.
Nguồn: Theleader.vn