Thứ gì bán mà lừa được người mua là làm?

Không chỉ là những cú lừa nhỏ lẻ, mà nhiều năm qua, chúng ta liên tục rần rần rúng động với những màn ‘qua mắt’ khủng khiếp trên mọi lĩnh vực trong đời sống. Không chỉ thực phẩm bẩn, cứ thứ gì bán mà lừa được người mua là làm.

Thương hiệu Khải Silk vang bóng một thời, chỉ là cú siêu lừa

Cân đong, đo đếm thiếu; tráo hàng tốt bằng hàng xấu; mác ngoại, hàng nội, hàng giả, hàng nhái khắp nơi; phun thuốc bảo quản độc hại không nương tay… là những gì chúng ta phải đối mặt. Vì lợi nhuận và làm giàu mau chóng, người ta có thể sống trong những vỏ bọc hào nhoáng của “hàng Việt”, thậm chí là sáng chế thuốc chống ung thư…

Giàu nghèo đều “sập bẫy”… lừa

Có thể nói, điều đau lòng với vô số các chiêu lừa ngoạn mục mà các vụ việc được đưa ra chỉ là bề nổi. Đó là sự lừa lọc trên lòng tin và niềm tự hào về một thương hiệu suốt bao thế hệ. Đó là sự nhẫn tâm tới tận cùng khi thuốc ung thư giả hay xuất khẩu lao động là nhắm tới những con người tận cùng khổ đau với những le lói vế sự sống, hay sự đổi đời. Họ phải đánh đổi bằng cả cơ nghiệp của người dân nghèo, hay những đồng tiền chắt bóp vay mượn với hi vọng, còn sống là còn hi vọng…

Từ nhiều năm nay, vì thiếu thông tin, thiếu hiểu biết cùng sự nhẹ dạ cả tin, muốn được xuất khẩu lao động (XKLĐ) bằng mọi giá, mọi cách đã khiến cho không ít người dân ở nhiều vùng quê nghèo khốn khó “sập bẫy” mất trắng hàng trăm triệu VNĐ.

Chỉ cần quen biết được một người làm mối bất kể đó là ai, họ đều tin như điếu đổ và dốc hết tiền của, thậm chí cắm đất, cắm nhà vay ngân hàng, dốc sức đổ vào những “canh bạc” XKLĐ kiểu này. Còn giới “cò” XKLĐ thì đường mật, ngon ngọt đánh trúng vào tâm lý của người dân nghèo cần việc, cần XKLĐ để “giăng bẫy” lấy tiền. Và khi họ tỉnh ngộ ra rằng mình đã “sập bẫy” thì mọi chuyện đã trở nên quá muộn.

Chị Nguyễn Thị Ánh Dương (SN 1988, trú xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, vào tháng 4/2018, thông qua lời giới thiệu của một người bạn, chị xuống Hồng Lĩnh ( Hà Tĩnh) gặp Nguyễn Thị Kim Liên để đặt vấn đề nộp hồ sơ đi XKLĐ tại Nhật Bản.

Liên giới thiệu mình là “giảng viên đại học”, có chồng bộ đội nên có nhiều mối quan hệ, đặc biệt là có khả năng đưa người đi XKLĐ. Nhìn vào gia thế, chị Dương tin tưởng giao hồ sơ và số tiền 190 triệu đồng cho Liên. Ngày 2/11, trước sức ép, Liên viết giấy cam kết đến ngày 8/11 sẽ trả số tiền 190 triệu đồng; đồng thời trả thêm 20 triệu đồng chi phí đi lại của chị Dương, nhưng sau đó mất hút.

Một địa chỉ khác tại TP HCM, bà Nguyễn Thị Hường đứng tên Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên kết và thương mại Việt Nam (địa chỉ đăng ký tại lầu 46 tòa nhà Bitexco, số 2 Hải Triều, P.Bến Nghé, Q1, TP HCM).

Ngành nghề đăng ký kinh doanh gồm: Chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt; bán buôn gạo, thực phẩm, đồ uống… Tuyệt nhiên không có chức năng công ty lữ hành hay đưa người đi xuất khẩu lao động XKLĐ.

Thế nhưng từ đầu đến giữa năm 2018, bà này đã nhận hơn 100 bộ hồ sơ của chị Nguyễn Hoàng Nữ (SN 1981, ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) đăng ký đi XKLĐ sang Hàn Quốc theo diện visa E7 (lao động tay nghề cao) và hàng trăm hồ sơ của các đầu mối khác.

Bên cạnh việc cam kết bằng giấy tờ, có con dấu, chữ ký, Hường còn trấn an người lao động bằng cách tuyên bố: Chồng Hường là người Hàn Quốc, đã trực tiếp đọc kỹ các bản hợp đồng lao động được ký kết với các tập đoàn lớn, như: Samsung, LG, Hyundai, Cuckoo… Ngoài ra, Hường còn cam kết, khi cả đoàn sang đến Hàn Quốc, vợ chồng Hường sẽ ra sân bay đón đoàn, sắp xếp công việc để bàn giao cho các công ty.

Chỉ đến khi sự việc không còn bưng bít được nữa, bên Jiwoo Tour mới chịu đưa nạn nhân đến nhà My ở thị xã Tây Ninh. Tại đây, họ tá hỏa khi phát giác toàn bộ 300 bộ hồ sơ bị đường dây lừa đảo này bỏ trong bao tải, vứt chỏng chơ trong góc nhà.

Tuy vậy, sau khi sự việc bại lộ, vẫn có gần chục người đăng ký lại với công ty để được đi du lịch sang Hàn Quốc theo dạng visa thương mại hoặc đi du lịch, sau đó tìm cách ở lại bất hợp pháp. Hiện số người này vẫn chưa tỉnh mộng, mà tiếp tục tin tưởng vào lời hứa viển vông của Công ty Jiwoo Tour.

Họ đang chầu chực tại một nhà trọ trong khu dân cư gần sân bay Tân Sơn Nhất, đợi ngày xuất cảnh! Trong số đó, nhiều người rơi vào cảnh điêu đứng sau khi nộp đủ từ 13.000 – 15.000 USD cho các đối tượng, nhưng không lấy lại được và bị “xã hội đen” đe dọa tính mạng, buộc phải trả đủ lãi và gốc khoản tiền đã vay của chúng.

Trên đây chỉ là những trường hợp phổ biến. Thực tế, nhiều người đi theo diện du lịch rồi ở lại nhưng không có công ty tập đoàn lớn nào như hứa hẹn mà phải làm việc trong môi trường cực khổ, trốn tránh… Bị “đem con bỏ chợ”, không ít người sống trong sợ hãi, màn trời chiếu đất hoặc bị chủ bạo hành. Muốn về cũng không có tiền, không có giấy tờ tùy thân…Thậm chí bỏ mạng nơi xứ người…

Khi vụ scandal “động trời” xảy ra với hãng lụa Khai Silk danh tiếng của ông Hoàng Khải xảy ra, đã có nhiều người Việt thất vọng, chuyện nhập khăn Trung Quốc về gắn mác “Made in Vietnam” của công ty ông Khải đã khiến nhiều người mất hẳn niềm tin. Một chiếc khăn lụa xuất xứ từ Trung Quốc có giá 25-30.000 bán sỉ.

Về tới chuỗi cửa hàng KhaiSilk, qua bàn tay “ma thuật” đổi nhãn mác, giá được thổi lên cao gấp 20-30 lần, thấp từ 600.000 đồng, nhiều lên tới cả triệu đồng/chiếc. Và đại gia Hoàng Khải trở thành kẻ lừa đảo người tiêu dùng suốt 30 năm qua.

Thế nhưng đến tận cuối năm 2017, một khách hàng phát hiện khăn Khaisilk có hai nhãn mác, một Việt Nam, một Trung Quốc thì vụ việc mới vỡ lở. Tất cả các cửa hàng của thương hiệu này tại Hà Nội và TP HCM đều phải đóng cửa, hàng hóa bị niêm phong và thu giữ.

Thuốc ung thư giả được… vinh danh tốp 10 thương hiệu năm 2017.

Bên cạnh đó, doanh nhân Khải Silk là người luôn có những triết lý về đạo đức kinh doanh, được giới trẻ đặc biệt là các nhà startup xem như tấm gương sáng đáng để học tập. Nên sau khi sự thật được “phanh phui” thì nhiều người tiêu dùng không khỏi sốc, dẫn tới mất niềm tin và quay lưng lại với thương hiệu này…

“Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”

Về Khaisilk, theo thạc sĩ Vũ Xuân Trường, giảng viên thương hiệu của ĐH Thương mại Hà Nội, thực tế ở Việt Nam có rất nhiều DN đã bỏ rất nhiều tâm sức, tiền bạc, thời gian để xây dựng hình ảnh, uy tín thương hiệu của họ một cách bài bản, chuyên nghiệp. Những DN đó là điển hình cho những ông chủ thương hiệu có tư duy chiến lược và đặc biệt là có tâm thực sự trong kinh doanh.

Qua sự việc này, chúng ta có thể mạo muội nhận định rằng: Trong một môi trường kinh doanh thiếu thượng tôn pháp luật và “đục nước béo cò” ở Việt Nam hiện nay, sẽ có nhiều DN tự hủy hoại mình theo cách này.

Chỉ có điều, chuyện đó đến sớm hay muộn, nhanh hay chậm mà thôi. Vụ việc trên đây là lời cảnh tỉnh và đánh thức rõ ràng nhất dành cho những ông chủ thương hiệu là người Việt Nam thay đổi tư duy kinh doanh, thay đổi tư duy làm thương hiệu theo hướng minh bạch, rõ ràng, tuân thủ pháp luật.

Vụ việc bê bối của một thương hiệu có tiếng ở một đất nước như Việt Nam chắc chắn cũng ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh, đặc biệt là uy tín và hình ảnh quốc gia. Vì đây là sản phẩm trong một thời gian dài đã định vị khá tốt đối với du khách nước ngoài, Việt kiều, thậm chí còn là quà tặng dành cho các nguyên thủ quốc gia trên thế giới.

Bao nhiêu niềm tự hào về hàng Việt, bao nhiêu là tâm tình trao gửi vào món quà ý nghĩa gửi đến những người bạn nước ngoài, giới thiệu một món đồ lụa xinh xắn, tinh tế mang thương hiệu Việt Nam đã bị phản bội.

Thêm nữa, chiếc khăn lụa KhaiSilk từng một thời là biểu tượng của sự sành điệu, sang trọng, từng là niềm tự hào thương hiệu Việt bây giờ chỉ là một thứ hàng fake không đáng giá 1 xu bởi không có thành phần lụa. Nó cũng là biểu trưng cho sự lừa đảo, đánh cắp niềm tin của người Việt, xúc phạm niềm tự hào sản phẩm Việt mà nhiều người Việt đã dành cho thương hiệu này.

Trên trang cá nhân của mình, doanh nhân Mai Triều Nguyên, đơn vị chuyên phân phối điện thoại, phụ kiện công nghệ cao cấp đã có những ý kiến cá nhân về sự việc Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam. Với ông, “thần tượng” đã sụp đổ, mất đi tới 85% sự tôn trọng: “Một điều cần nói rõ, đây là thương hiệu tơ lụa Việt Nam.

Khaisilk xây dựng thượng hiệu Việt Nam sang trọng, đẳng cấp, mang quốc hồn quốc túy Việt Nam và nó như niềm tự nào của những người Việt, mình khi mua cái caravat, cái khăn tơ lụa Việt Nam tặng cho đối tác. “Mua danh ba vạn bán danh ba đồng”, ghi nhớ câu nói này thật sâu trong lòng, nếu muốn xây dựng cho mình một thương hiệu “đẳng cấp” trong lòng khách hàng.

Có thể thương hiệu của bạn chưa được lên được một cái tầm, cái đẳng nào đó, nhưng sự chân thật, trung thực, kiên trì, đam mê và khiêm tốn nó sẽ giúp bạn xây dựng được thương hiệu được yêu mến, uy tín và lâu dài”…

“Thượng đế” bị… coi rẻ

Việt Nam lọt vào top các nước có bệnh nhân ung thư nhiều nhất thế giới, vấn nạn thực phẩm bẩn độc hại nhiều chục năm nay chưa được giải quyết, hóa chất tràn lan khắp nơi và trở thành… bình thường trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt.

Bởi thế, chia sẻ về vấn đề niềm tin của người tiêu dùng trên thị trường thực phẩm sạch, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn,Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn từng nêu nghịch lý là nhiều người bán thực phẩm sạch nhưng không bán được vì người tiêu dùng không có niềm tin, vì giá chưa đủ hấp dẫn… Cuối cùng, đạo đức của người sản xuất, kinh doanh cũng không thể duy trì được, bởi “có thực mới vực được đạo”.

Còn nhớ ngày 16/4/2018, công an bắt quả tang cơ sở của gia đình bà Nguyễn Thị Loan, ngụ tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông trộn pin Con Ó vào cà phê để bán ra thị trường. Bà Loan khai nhận chỉ trong khoảng ba tháng sau Tết đã bán 3 tấn cà phê trộn pin ra thị trường, và việc trộn pin vào cà phê thải loại là để kiếm lời. Thực sự câu trả lời này sốc mà không sốc.

Điều khiến chúng ta choáng váng ở chỗ, tại sao người Việt lại thản nhiên “kiếm lời” bằng cách đầu độc đồng loại mà không chút ăn năn, suy nghĩ? Bao nhiêu vụ tẩm ướp thực phẩm bằng hóa chất đã bị phát hiện, lợn trước khi giết mổ còn tiêm thuốc an thần, rau trước khi mang ra chợ còn tưới đẫm thuốc trừ sâu, kích lá, thực phẩm thiu thối được ướp hóa chất phù phép, trái cây xanh được nhúng hóa chất, củ cải được “tắm trắng”… giờ thì đến cà phê trộn pin.

Những người mang dã tâm đầu độc đồng bào mình để kiếm lời đó nghĩ gì? Không ai biết. Chỉ biết cái ác đã đi quá mọi giới hạn của nó. Bởi người ta ngang nhiên làm điều ác mà không run tay, hại một người chưa đủ, họ còn đầu độc hàng ngàn, hàng triệu người.

Thậm chí, ở góc độ quản lý, còn xuất hiện bà Viện trưởng Viện Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu cấp phép cho một công ty điển hình làm hàng giả mới hay đồng tiền với sức mạnh khủng khiếp của nó, có thể “bắn phá” bất cứ lâu đài nào.

Và càng hiểu, có những người vì lợi ích mà bất chấp tất cả lương tâm, đạo lý… Cụ thể năm 2017, Công ty Vinaca (đơn vị làm thuốc chữa ung thư nói trên) đã được chính Viện Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu trao tặng danh hiệu TOP 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam do bà Viện trưởng Trần Mai Khanh ký.

Pin Con Ó được đập bể, lấy bột đen để làm “phụ gia” sản xuất cà phê bột tại cơ sở bà Loan.

Trong khi đó, khi Công an quận Kiến An, TP Hải Phòng phối hợp các ngành chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm do bà Đào Thị Chúc (trú phường Ngọc Sơn, quận Kiến An) đã phát hiện các công nhân tại đây đang đổ bột than tre tán mịn vào các ruột vỏ thuốc con nhộng, đóng gói bán cho bệnh nhân ung thư.

Có thể nói, trong tất cả các loại hàng giả thì dược phẩm giả là độc ác và táng tận nhất. Nó không chỉ gây tốn tiền bạc cho những người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân ung thư vốn đã chịu nhiều đau đớn và thậm chí kinh tế khánh kiệt mà còn đẩy nhanh quá trình tử vong cho người bệnh vốn đang vật vã, giành giật mạng sống từng ngày. Như vậy, chính Viện Chống hàng giả đã “đánh cắp” niềm tin của người dân đang khốn khổ vì tật bệnh.

Ở một diễn biến khác, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và buôn lậu xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma tại TAND TP HCM, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) thừa nhận quá trình mua thuốc, thừa nhận đã “không chuẩn” khi dùng giấy tờ giả để hoàn thiện hồ sơ nhập khẩu thuốc như cáo trạng truy tố.

Khai trước tòa, bị cáo này đã mạnh miệng nói: “Bị cáo mua sản phẩm này cũng giống mua sản phẩm khác. Khi thực hiện có những việc không chuẩn, nhưng bị cáo khẳng định đây là sản phẩm kinh doanh bình thường , không có gì đặc biệt mà làm giả hoặc buôn lậu…”.

Chính phát biểu coi thường sinh mạng đồng bào mình, vô cảm trước cái khổ của người bệnh đã khiến nhiều bạn đọc phẫn nộ và đề nghị xử thật nặng để làm gương. Truy tìm nguyên nhân dẫn đến việc làm ăn bất nhân này, một số bạn đọc cho rằng Bộ Y tế, mà cụ thể là Cục Quản lý Dược phải có phần trách nhiệm bởi đây là các loại biệt dược (thuốc ung thư) mà lại xét duyệt cho lưu hành quá dễ dàng, được nhập khẩu và lưu thông thoải mái.

Sống gấp, làm giàu bất chấp, coi thường tính mạng của “thượng đế” đã trở thành vấn đề trầm kha. Vì lợi nhuận, người ta có thể làm cà phê… pin, làm thuốc ung thư giả từ than hoạt tính… Người tiêu dùng vẫn được khuyến cáo rằng, phải làm người tiêu dùng thông thái, nhưng họ khó có thể “thông thái” khi thật giả lên ngôi.

Khi niềm tin luôn dễ dàng bị đánh cắp. Khi những giá trị ảo và lòng tham, vì lợi nhuận khiến họ mờ mắt. Nhiều người cho rằng, để thay đổi được, phải cần tới một thời gian khá dài, bởi nhiều năm qua, những lề thói xấu xí của không ít người Việt đã trở thành… bình thường.

Khi mà từ nhỏ, những đứa trẻ đã học văn mẫu, những dạng đề học thuộc trước giờ kiểm tra, những thành tích và sự hào nhoáng ảo. Khi mà “chạy điểm”, gian lận thi cử mỗi năm một “rốt ráo”. Khi mà người lớn sống không thật với bản thân mình…

Trong khi đó, những giá trị đích thực, điều sau cùng mỗi con người hướng tới, ấy là tạo niềm tin và cái tâm! Như các cụ ta thường nói: “Có đức mặc sức mà ăn”! Chứ không phải là những đánh đổi và sống gấp, bất chấp trên mọi nỗi đau, sự khốn cùng của những số phận mong manh…

Mức xử phạt còn quá nhẹ?

Về vụ pin trộn cà phê, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cho rằng, hành vi trộn pin vào cà phê phế thải bán ra thị trường có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định về mức phạt đối với hành vi này như sau: Mức phạt thấp nhất đối với tội phạm này là “phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”; Mức phạt cao nhất là “phạt tù từ 12 năm đến 20 năm”.

Ngoài ra, “người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Theo Luật An toàn thực phẩm 2010, hành vi “kinh doanh thực phẩm có chứa chất độc hại” là hành vi cấm được quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 5. Trong trường hợp vi phạm quy định trên thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 1 Điều 26 Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm về hành vi “bán buôn, bán lẻ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm lưu thông trên thị trường không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định an toàn thực phẩm”; tùy theo giá trị của lô hàng mức phạt sẽ khác nhau.

Mức thấp nhất là “cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng”, mức cao nhất là “phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị trên 200.000.000 đồng. Và ở vụ việc này, cơ quan chức năng đã khởi tố và bắt tạm giam 5 đối tượng vi phạm an toàn thực phẩm.

Còn vụ sản xuất thuốc ung thư giả từ than hoạt tính, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngay từ thông tin ban đầu cho thấy hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu của tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” quy định tại điều 194 BLHS năm 2015.

Các hành vi này sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc theo quy định của pháp luật: “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm và mức hình phạt có thể lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, tương ứng với hành vi và hậu quả mà tội phạm gây ra”.

Nhìn rộng hơn, ông Hùng cho rằng hiện nay chế tài về hình sự trong lĩnh vực này xử lý ít, chưa nghiêm khắc và có sự tiếp tay khi xử lý không minh bạch, không khách quan tạo cho người vi phạm “nhờn luật”.

“Hiện tại, chế tài xử phạt “vấn nạn” hàng giả được thực hiện theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền, lợi ích người tiêu dùng.

Theo đó, hành vi buôn bán hàng giả có mức xử phạt hành chình từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng, với mức xử phạt hành chính số tiền nêu trên là quá nhẹ so với lợi nhuận mà họ thu được nên gần như họ không sợ”. Vì vậy, theo ông Hùng, cần có chế tài xử phạt nặng hơn đối với những vụ việc vi phạm hàng giả, hàng nhái.

“Thậm chí, đối với vụ việc gây ảnh hướng đến sức khỏe người tiêu dùng thì cần được truy tố và xử lý hình sự”, ông Hùng nhấn mạnh. Ngày 20/4/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án về “Tội sản xuất, buôn hán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với vụ việc trên.

Nguyễn Mỹ/ Theo Pháp Luật VN

Bài cùng chuyên mục