Trường học “sóng gió” vì tiền “thưởng Tết”

Ở TP.HCM, tại một số trường xảy ra việc giáo viên "tố" hiệu trưởng khi tiền "thưởng Tết" cuối năm thấp. Phía sau vấn đề này là những điều đáng trăn trở, có thể nói là buồn nhiều hơn vui.

Tiền “thưởng Tết” thấp, giáo viên phản ứng 

Mới đây, nhiều giáo viên (GV) Trường THCS Chi Lăng, quận 4, TP.HCM bức xúc phản ánh khi hiệu trưởng thông báo tiền “thưởng Tết” năm 2020 khoảng 500.000 đồng/GV.

Nhiều giáo viên Trường THCS Chi Lăng, Q.4, TP.HCM “tố” hiệu trưởng vì tiền “thưởng Tết” 500.000 đồng

Một số GV bật khóc, không chấp nhận mức “thưởng Tết” này. Theo họ, cộng thêm với 1,5 triệu đồng hỗ trợ từ thành phố, tổng cộng 2 triệu đồng không thể trang trải được gì cho những ngày Tết. Nhất là khi, nhiều trường khác, ở mức ít cũng tầm 10 triệu đồng/người.

Đây không phải là lần đầu tiên GV ở TP.HCM “tố” hiệu trưởng vì “thưởng Tết” thấp. Năm vừa rồi, “sóng gió” nổi lên ở Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM cũng bắt đầu từ việc “thưởng Tết” cuối năm bị giảm.

“Sóng gió” tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM cũng bắt đầu từ việc “thưởng Tết” giảm

Có trường hợp, tiền thu nhập tăng thêm cuối năm trước đó khoảng 50 triệu đồng, năm nay bị cắt giảm đến 1/2, có trường hợp giảm 1/3. Trong khi, GV cho rằng, hiệu trưởng thiếu minh bạch, rõ ràng trong quản lý tài chính khi nhiều hoạt động của trường bị cắt giảm, chi ít hơn các năm trước.

Buồn nhiều hơn vui

Ngành Giáo dục không có thưởng Tết, cũng không có tháng lương thứ 13. Nhưng thực tế lại là một bức tranh GV vui vẻ hoặc đau khổ vì… tiền “thưởng Tết”. Nhiều nơi, người thầy phấn chấn khi tiền “thưởng Tết” cao nhưng ngược lại, nhiều nơi GV bật khóc, ấm ức, kiện tụng, tố cáo hiệu trưởng xuất phát từ việc tiền cuối năm thấp.

Cần nói rõ, đây là khoản thu nhập tăng thêm cho GV sau khi trường tiết kiệm từ ngân sách của một năm hay có thêm những nguồn thu như cho thuê căng tin, cho thuê bãi gửi xe… Khoản này được chi vào cuối năm nên thường được hiểu là “thưởng Tết”.

“Thưởng Tết” cuối năm là tâm tư của rất nhiều giáo viên dù ngành giáo dục không có tiền thưởng Tết (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Do tiền từ tiết kiệm chi tiêu, từ các nguồn thu nên mỗi trường một khác. Có nơi không có, hoặc vài trăm nghìn đồng, có trường GV có thể nhận hàng chục triệu đồng. Điều này đã dẫn đến tâm lý đo đo, vui buồn lẫn lộn.

Phía sau khoản “tiền Tết” có rất nhiều hệ lụy. Có trường vì để dành tiền cuối năm “thưởng lớn” nên họ từ chối hoặc làm sơ sài các hoạt động cho học sinh, tiết kiệm các khoản chi kể cả cần thiết… Có những trường, GV muốn tổ chức hoạt động giáo dục nào phải đi vận động phụ huynh thay vì nhận được sự ủng hộ từ nhà trường.

Xảy ra nghịch lý, trường đầu tư cho giáo dục, tổ chức nhiều hoạt động… học sinh được thụ hưởng thì phải chi rất nhiều tiền, cuối năm không dư bao nhiêu. Ngược lại, nhiều trường chỉ hoạt động cầm chừng, làm chỉ để báo cáo nhằm tiết kiệm chi tiêu để cuối năm có một khoản lớn.

Giáo viên không có “thưởng Tết” là bình thường 

Trường học không phải là đơn vị kinh doanh có thu chi. Thế nhưng, cách “cư xử” đối với khoản tiền cuối năm hiện nay trong trường học không khác nào… một doanh nghiệp. Có hiệu trưởng ra sức tằn tiện để tiền cuối năm cao, nhiều GV ủng hộ dù chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục.

Phía GV, nhiều người mong chờ vào khoản này. Để rồi, có người vui mừng khi tiền cuối năm cao hoặc bức xúc khi tiền cuối năm thấp, còn vấn đề đầu tư cho hoạt động giáo dục, cho học sinh là vấn đề quan trọng nhất lại ít người quan tâm.

Một GV ở TP.HCM nêu quan điểm, quy định GV không có thưởng Tết, nhà trường không phải doanh nghiệp có thu chi. Việc không có tiền tăng thêm cuối năm nếu không có khoản tiết kiệm là bình thường, nếu không muốn nói là hiển nhiên. Nhưng bây giờ xảy ra việc GV khổ sở, khóc lóc vì tiền thưởng Tết làm điều này trở nên bất bình thường.

“Quy định không có thưởng Tết mà đội ngũ bức xúc vì thưởng Tết tôi thấy có gì đó sai sai. Việc cần quan tâm là việc chi tiêu tài chính minh bạch, hiệu quả đến đâu. Nếu trường chi tiêu hiệu quả, hoạt động giáo dục sôi động, chất lượng và không dư tiền để chia là điều đáng mừng”, cô nói và cho biết, mình công tác ở trường, tiền cuối năm chỉ 500.000 – 1.000.000 đồng nhưng GV vui vẻ vì hoạt động ở trường hiệu quả, chất lượng giáo dục tốt.

Việc quản lý tài chính minh bạch, hiệu quả là một bài toán không đơn giản trong trường học vì hiệu trưởng không phải ai cũng có khả năng quản lý tài chính. Còn nhiều GV lại mong chờ vào khả năng “khéo co thì ấm” từ hiệu trưởng.

Theo Hoài Nam/ Dân trí

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/truong-hoc-song-gio-vi-tien-thuong-tet-20200108071206232.htm

 

Bài cùng chuyên mục