Chiếu xạ Sơn Sơn và những ‘cứ điểm’ còn lại của gia tộc Trầm Bê

Thời gian vừa qua xuất hiện nhiều thông tin về một doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy chiếu xạ 10 triệu USD, tưởng chừng có thể bắt đầu “chen chân” vào thị trường ngách này nhưng cuối cùng bị chặn lại do một doanh nghiệp của gia đình đại gia Trầm Bê.

Phối cảnh nhà máy chiếu xạ Toàn Phát 10 triệu USD không thể hoạt động do Công ty Sơn Sơn của gia tộc Trầm Bê không hợp tác

Suốt gần 2 thập niên, vị doanh nhân người Hoa, dù không có xuất phát điểm về học vấn song sự nhanh nhạy trong tư duy kinh doanh là “của hiếm” ngay trong giới đại gia miền Nam.

Sự nhanh nhạy này thể hiện rõ nhất qua việc ông Bê thành lập CTCP Chế biến – Thuỷ hải sản Sơn Sơn từ năm 2001, là đơn vị sớm nhất tham gia vào thị trường chiếu xạ, qua đó chiếm lĩnh 100% thị trường chiếu xạ thanh long ở Việt Nam và giữ thế độc quyền suốt nhiều năm sau đó.

Giai đoạn 2006-2007, Việt Nam bắt đầu tham gia vào chương trình chiếu xạ đưa trái cây vào Mỹ. Lúc đó, kinh phí của Nhà nước không có, muốn tham gia thì doanh nghiệp phải trả các chi phí liên quan đến công tác kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm dịch từng lô hàng trước khi xuất khẩu.

Công ty Sơn Sơn đã đứng ra đảm nhận trách nhiệm này, tức đại diện cho chuỗi cung ứng của Việt Nam để làm việc dù chương trình chiếu xạ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ ký.

Do Sơn Sơn đứng ra chịu trách nhiệm cam kết tài chính với Mỹ nên đơn vị này được công nhận là “Cooperator”, tức là được công nhận chính thức đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà đóng gói, và các cơ sở chiếu xạ tại Việt Nam để ký kết kế hoạch tài chính với Cục kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS).

Do đó, khi một đơn vị bất kỳ muốn tham gia vào chương trình chiếu xạ trái cây vào Mỹ, thì phải có công văn gửi đến Sơn Sơn và cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong chương trình này.

Thế mới có việc, Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát dù đã xây dựng nhà máy 10 triệu USD nhưng vẫn “tắc” khi 3 lần đàm phán với Sơn Sơn bất thành. Mà phải biết rằng, chủ sở hữu Chiếu xạ Toàn Phát là gia đình ông Vương Đình Khoát – doanh nhân “máu mặt” trong lĩnh vực này với 5 năm ngồi ghế Tổng giám đốc Chiếu xạ An Phú – một trong những đối thủ cạnh tranh của Sơn Sơn.

Có vậy mới thấy, dù ông Trầm Bê đang thụ án và đã suy yếu đáng kể, song gia tộc họ Trầm vẫn giữ cho mình những “cứ điểm” khác, sẵn sàng tạo đà để doanh nhân người Hoa “làm lại” sau khi mãn hạn tù.

Bệnh viện Triều An tại phường An Lạc, Quận Bình Tân

Bệnh viện Triều An

Còn sớm hơn cả lĩnh vực chiếu xạ, ông Trầm Bê năm 1999 đã thành lập Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An, gần như là người đi đầu trong lĩnh vực còn rất mới mẻ lúc đó tại Việt Nam.

Bệnh viện chính thức đi vào hoạt động từ năm 2001, trên tổng diện tích xây dựng 21.600 m2, là bệnh viện tư nhân đa chuyên khoa sâu đầu tiên và lớn nhất Việt Nam với quy mô 400 giường và 8 phòng mổ tiêu chuẩn quốc tế.

Báo cáo tài chính thể hiện dù bị khởi tố và tuyên án tù, song ông Trầm Bê tới cuối năm 2018 vẫn là Thành viên kiêm cố vấn HĐQT Bệnh viện Triều An, con gái Trầm Thuyết Kiều và chị vợ Viên Tú Anh đảm trách Thành viên HĐQT. Ban kiểm soát 3 người do ông Trầm Xê – em trai ông Trầm Bê làm Trưởng ban.

Tới cuối năm 2018, tổng tài sản của Bệnh viện Triều An đạt 810 tỷ đồng, chủ yếu gồm các khoản phải thu (341 tỷ đồng), tài sản cố định (226 tỷ đồng). Bên kia bảng cân đối kế toán, vốn góp cổ phần đạt 490 tỷ đồng, thấp hơn 100 tỷ đồng so với mức 590 tỷ đồng trong giấy đăng ký doanh nghiệp.

Tình hình kinh doanh của Bệnh viện Triều An tăng trưởng khá tích cực giai đoạn vừa qua. Doanh thu tăng từ 400 tỷ đồng năm 2016 lên gần 490 tỷ đồng năm 2018, với khoản lãi sau thuế 59 tỷ đồng.

So với trước khi xảy ra biến cố ông Trầm Bê bị bắt, cơ cấu sở hữu Bệnh Viện Triều An không có nhiều thay đổi. Tới cuối năm 2018, cổ đông lớn nhất là bà Dương Thị Đẹt với 38,27%, bản thân ông Trầm Bê có 4,85%, con gái Trầm Thuyết Kiều sở hữu 21,42%, chị vợ Viên Tú Anh duy trì 3,44%. Riêng gia đình ông Trầm bê nắm 29,71% vốn Bệnh viện Triều An, nếu tính cả của bà Dương Thị Đẹt – một “mắt xích” quan trọng trong hệ sinh thái Trầm Bê, thì tỷ lệ này lên tới 68%.

Dự án Tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông do Saigonnic làm chủ đầu tư

SaigonNIC

Kín tiếng hơn hai cái tên vừa đề cập, là CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (SaigonNIC) – chủ đầu tư hai dự án “khủng” ở Sài Gòn với tổng vốn cả chục nghìn tỷ đồng.

Cũng từ giai đoạn 2001, TP.HCM chấp thuận chủ trương giao 47,3ha tại Tiểu khu 3, Khu dân cư Bình Trị Đông, Quận Bình Tân cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh niên Xung phong (Cinco – nay đã được sáp nhập vào Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP (Besco)).

Suốt nhiều năm sau, dự án không triển khai. Tới năm 2007, Cinco thành lập SaigonNIC để triển khai dự án, tuy nhiên doanh nghiệp ngành công ích lúc này chỉ góp 40 tỷ đồng, tương đương 20% vốn, các cổ đông còn lại là Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Hợp Thành Hưng (20%); ông Nguyễn Hữu Thịnh (20%); ông Lê Hữu Tài (30%) và ông Trần Phú Lữ (10%).

Không lâu sau đó, hình bóng ông Trầm Bê bắt đầu hiện diện rõ hơn ở SaigonNIC, khi ông Lê Hữu Tài và ông Trần Phú Lữ cuối năm 2008 đồng loạt chuyển nhượng hết cổ phần cho ông Dương Văn Út và bà Dương Thị Đẹt (cổ đông lớn nhất của Bệnh viện Triều An). Đồng thời, SaigonNIC thực hiện tăng vốn gấp 3 lần từ 200 tỷ đồng lên 620 tỷ đồng, với sự tham gia của nhà đầu tư mới và doanh nghiệp này chính thức đổi chủ.

Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật mới của SaigonNIC lúc này là ông Trần Văn Lân – một trợ lý thân cận của ông Trầm Bê. Hiện nay, vị trí này được chuyển giao cho bà Viên Tú Anh, chị vợ của đại gia gốc Hoa.

Sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm SaigonNIC cùng dự án 47,3ha ở Bình Tân, ông Trầm Bê năm 2011 tiếp tục thông qua SaigonNIC mua lại toàn bộ 70% cổ phần của CTCP Xây dựng Bình Chánh sở hữu tại CTCP Khu công nghiệp Phong Phú (thành lập năm 2001) – chủ đầu tư dự án cùng tên quy mô 134ha tại huyện Bình Chánh.

Cả hai dự án trên suốt nhiều năm qua vẫn nằm trên “giấy”, với điểm nhấn tối màu là đều được thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam (sau này sáp nhập vào Sacombank) để rút tiền từ “sân sau” của ông Trầm Bê lúc bấy giờ.

Như Nhadautu.vn đã đề cập trong một bài viết cách đây chưa lâu, từ đầu năm 2012 tới cuối năm 2016, khu đất 134ha KCN Phong Phú đã bị “xé” nhỏ làm hàng chục mảnh, mang đi thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam và sau này là Sacombank để vay vốn hoặc bảo đảm nghĩa vụ cho một bên thứ ba, mà một tỷ lệ không nhỏ có liên hệ trực tiếp đến ông Trầm Bê. Trong khi dự án 47,3ha tại quận Bình Tân cũng được Sacombank nhận thế chấp với giá trị tài sản bảo đảm được định giá lên tới 5.927 tỷ đồng.

Trong nỗ lực xử lý nợ xấu dưới “triều đại” mới Dương Công Minh, Sacombank năm ngoái đã mang bộ đôi dự án của Saigonnic ra đấu giá, với giá khởi điểm cho dự án 47,3ha là 6.029 tỷ đồng, còn với dự án KCN Phong Phú là 6.651 tỷ đồng. Tuy nhiên UBND TP.HCM cuối tháng 2/2019 đã chỉ đạo tạm ngưng đấu giá và yêu cầu thanh tra chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện dự án KCN Phong Phú.

Ngoài hai dự án nghìn tỷ kể trên, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến khối tài sản thứ ba của SaigonNIC, đó là 40,87 triệu cổ phần, tương đương 13,62% vốn Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank). SaigonNIC hiện là cổ đông lớn duy nhất của VietCapital Bank, dù cho nhà băng này được biết đến nhiều hơn với tên tuổi của bà Nguyễn Thanh Phượng.

Tương tự hai thương vụ nghìn tỷ trước đó, lần này doanh nghiệp có vốn điều lệ 620 tỷ đồng tiếp tục mang toàn bộ cổ phần VietCapital Bank đem thế chấp tại Sacombank chi nhánh Trần Hưng Đạo từ cuối năm 2012 và được định giá ở mức 515 tỷ đồng, hay 12.600 đồng/CP. 13,62% vốn VietCapital Bank được SaigonNIC “gửi” ở Sacombank cho tới cuối năm 2015, từ đó đến nay chưa rõ đã được tất toán hay chưa.

Liên quan đến vấn đề này, một báo cáo của VietCapital Bank cho thấy đến cuối năm 2018, trong số 300 triệu cổ phần đã phát hành, có 180,7 triệu cổ phần được phép chuyển nhượng tự do, 77,6 triệu cổ phần bị phong toả và 41,7 triệu đơn vị còn lại bị hạn chế chuyển nhượng.

Ông Trầm Bê bị bắt đầu tháng 8/2017 và bị tuyên án 4 năm tù, đến nay đã thụ án được non nửa thời hạn tù. Nếu không chịu thêm các mức án khác, doanh nhân sinh năm 1959 có thể mãn hạn tù ở tuổi 62 – độ tuổi mà nhiều người vẫn chọn gây dựng lại sự nghiệp sau những lầm lỡ trong quá khứ. Với ông Trầm Bê, những “cứ điểm” trong bài viết này có thể “rơi rụng” phần nào trước ngày trở về, nhưng phần còn lại hứa hẹn sẽ trở thành bàn đạp nếu “máu” kinh doanh vẫn chảy trong huyết quản của vị đại gia miền Tây.

Theo Xuân Tiên/Nhà Đầu tư

Bài cùng chuyên mục