Tân Sơn Nhất dịp Tết, lo máy bay tắc đường trên trời lẫn dưới đất
Cao điểm dịp Tết, sân bay Tân Sơn Nhất có thời điểm 15-16 máy bay chờ cất/hạ cánh. Đây là áp lực không nhỏ với kiểm soát viên không lưu điều hành hoạt động bay.
Phó trưởng phụ trách Trung tâm Kiểm soát không lưu tiếp cận tại sân bay Tân Sơn Nhất (công ty Quản lý bay miền Nam) Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ: Tết năm nay, do nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao nên những ngày cao điểm có tới 970 chuyến bay đi/đến.
Nhu cầu bay của các hãng hàng không lớn, trong khi hạ tầng Tân Sơn Nhất quá tải nên Cục Hàng không VN đã có kế hoạch cho các hãng tăng cường bay đêm dịp Tết để tăng tần suất hoạt động bay.
Theo đó, mỗi giờ tại sân bay Tân Sơn Nhất có từ 44-46 chuyến bay cất hạ cánh, thậm chí lúc cao điểm lên 48 chuyến. Điều này là áp lực không nhỏ với kiểm soát viên không lưu.
“Bình thường cứ 2 phút tại Tân Sơn Nhất có một chuyến bay cất hạ cánh, nhưng không loại trừ dịp Tết lúc cao có tới 15-16 chuyến xin được cất/hạ cánh.
Trong tình huống này để các chuyến bay đảm bảo an toàn, một mặt kiểm soát viên không lưu phải huấn lệnh cho máy bay ra vào cất/hạ cánh theo đúng chỉ dẫn, mặt khác phải phối hợp với trung tâm quản lý bay đường dài để điều tiết cho các chuyến bay địa phương cất cánh về Tân Sơn Nhất chậm hơn 4-5 phút so với kế hoạch, giảm áp lực cho sân bay”, ông Tuấn chia sẻ.
Phó cục trưởng Hàng không Võ Huy Cường lưu ý, Tân Sơn Nhất quá tải là áp lực không nhỏ với quản lý bay. Để có thể tăng lên 47-48 chuyến/giờ, quản lý bay phải nhận được sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng nếu không nguy cơ mất an toàn sẽ rất cao.
Khó giải quyết ùn tắc dưới đất
Ông Tuấn cho hay, năm 2019 Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) áp dụng tính năng dẫn đường mới (tính năng dẫn đường RNAV dạng hợp nhất điểm – Point Merge System) tại sân bay Tân Sơn Nhất, nâng cao năng lực điều hành bay lên 54 chuyến/giờ.
Với phương thức bay mới, trong trường hợp cần thiết kiểm soát viên không lưu có thể kiểm soát cả trong vùng trời tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất và cả trong khu vực đường dài lân cận. Yếu tố này giúp việc điều tiết, phân cách các máy bay một cách hiệu quả từ xa…
Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN Lê Quốc Khánh đánh giá, dù phương thức bay mới giúp năng lực thông qua của sân bay Tân Sơn Nhất lên 54 chuyến/giờ, nhưng mới là vấn đề trên trời, còn ở khu bay Tân Sơn Nhất, với đường lăn hiện nay, một tàu lăn vào là tất cả tàu khác phải chờ thì năng lực bay chỉ có thể đạt được 46-47 chuyến/giờ.
Thực tế, các sân bay đều phải có đường lăn thoát nhanh, đường lăn ra, lăn vào không ảnh hưởng nhau cũng như bãi đỗ phải đầy đủ. Tuy nhiên, Tân Sơn Nhất đều là độc đạo nên năng lực điều hành bay bị hạn chế.
Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Nguyễn Nam Tiến cho hay, dự kiến tháng cao điểm Tết, sân bay Tân Sơn Nhất đón khoảng 4 triệu khách đi và đến.
Cục Hàng không đã có kế hoạch cho bay đêm nhưng Tân Sơn Nhất về đêm có máy bay về nằm lại sửa chữa kỹ thuật và có thời điểm phải dừng hoạt động để bảo dưỡng đường băng, năng lực thông qua cũng chỉ dừng lại mức từ 30-32 chuyến/giờ.
Theo Vũ Điệp/ VietNamNet
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/tan-son-nhat-dip-tet-lo-may-bay-tac-duong-ca-tren-troi-lan-duoi-dat-609076.html