Thiếu “bầu sữa” Sacombank, TTC xuống dốc, ông Đặng Văn Thành sẽ trở lại?

Để Thành Thành Công trở thành một thế lực lớn như ngày hôm nay, Sacombank đóng vai trò rất quan trọng nhờ vào “bầu sữa” tín dụng của mình. Tuy nhiên, khi ông Đặng Văn Thành buộc phải rời Sacombank, Thành Thành Công đã xuống dốc. Và cuối năm 2019, dư luân xôn xao với thông tin ông Thành có thể trở lại Sacombank.

Ông Đặng Văn Thành được coi là một trong những “huyền thoại” của ngành ngân hàng Việt Nam. Nhưng trước khi bước vào thị trường tài chính, ông Thành đã có những bước đi vững chắc cùng Thành Thành Công. Tuy nhiên, phải đến khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) lên sàn và nhận được sự quan tâm từ thị trường chứng khoán, Thành Thành Công (TTC) mới vụt lớn nhờ “bầu sữa tín dụng” của Sacombank.

Tuy nhiên, khi biến cố xảy ra trong năm 2013, ông Đặng Văn Thành phải rời Sacombank. “Bầu sữa” tín dụng từ Sacombank đã ngừng rót cho hệ sinh thái Thành Thành Công khiến Tập đoàn này xuống dốc.

Thành Thành Công hưng thịnh cùng Sacombank

Ông Đặng Văn Thành khởi nghiệp từ rất sớm, từ năm 1979. Tiền thân của Tập đoàn Thành Thành Công là cơ sở sản xuất cồn được thành lập bởi hai nhà sáng lập ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Tại thời điểm đó, với vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 cán bộ nhân viên.

Ông Đặng Văn Thành.

Năm 2006, công ty tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng. Chỉ 1 năm sau, vốn điều lệ vọt lên 500 tỷ đồng. Trong năm 2010 và 2011, vốn điều lệ Thành Thành Công lại tăng lên 1.000 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói, từ năm 2006, thời điểm Thành Thành Công bắt đầu cho quá trình “phình to”, Sacombank bước vào thời kỳ hưng thịnh nhất. Cổ phiếu STB chào sàn và tăng như vũ bão cùng thị trường chứng khoán Việt Nam. Có thời điểm, STB vượt mức 230.000 đồng/CP.

Nhờ vào bầu sữa tín dụng của Sacombank, Thành Thành công không ngừng tăng về quy mô. Số vốn tăng mạnh được Thành Thành Công dùng để thâu tóm các đối thủ khác.

Ví dụ, trong lĩnh vực mía đường, Thành Thành Công đã mua lại Công ty cổ phần Mía Đường Bourbon Tây Ninh (SBT), một doanh nghiệp hàng đầu ngành mía đường tại Việt Nam của tập đoàn Bourbon đến từ nước Pháp. Hiện tại, công ty này đã đổi tên thành Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT).

Xuống dốc khi thiếu “bầu sữa”

Thời điểm đầu những năm 2010, Thành Thành Công được xem là một thế lực lớn. Thế nhưng 2013 đã trở thành năm bước ngoặt với Thành Thành Công nói chung và Đặng gia nói riêng. Trong một “cuộc chiến” thâu tóm kinh điển, Đặng gia yếu thế, ông Đặng Văn Thành phải rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank. Ông trắng tay rời ngân hàng do mình gây dựng lên.

Không chỉ ông Thành trắng tay, ông Đặng Hồng Anh, con trai ông Thành cũng gặp nhiều sóng gió. Hai cha con ông Thành phải “hy sinh” 80 triệu cổ phần, tương đương 7,4% vốn của Sacombank để cấn trừ nợ. Hiện tại, ông Thành “trắng tay” tại Sacombank. Còn ông Hồng Anh vẫn là cổ đông khi sở hữu lượng cổ phiếu STB trị giá khoảng 100 tỷ đồng.

Lượng cổ phiếu STB này dùng để cấn trừ nợ mà nhóm công ty thuộc Thành Thành Công đang thiếu tại Sacombank. Theo Vneconomy, có khoảng gần 172 tỷ đồng từ công ty Tín Việt; trên 678 tỷ đồng tại Sacomreal; hơn 329 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Sacomreal; 18 tỷ đồng cho vay Thành Thành Công; khoảng 192 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Thành Thành Công; hơn 148 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu công ty Đặng Huỳnh; gần 59 tỷ đồng cho vay công ty Thành Ngọc.

Các số liệu này cho thấy Thành Thành Công đã phụ thuộc tài chính vào Sacombank nhiều đến như thế nào.

Từ năm 2013, cánh cửa tín dụng của Sacombank gần như đóng lại với Thành Thành Công. Trong đó, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – SCR (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Địa ốc Thành Thành Công) gánh chịu hậu quả rõ ràng nhất.

Trong ĐHĐCĐ 2014, ông Hồng Anh đã xin lỗi cổ đông. Theo ông Hồng Anh, những biến cố gia đình đã khiến SCR không thể tiếp cận được với các định chế tài chính. Đây là một trong những nguyên nhân khiến SCR xuống dốc. Tại thời điểm đó, nhân sự công ty đã giảm từ 428 người xuống còn 270 người.

Cho đến nay, SCR vẫn chưa thể gượng dậy được. Cổ phiếu SCR có chuỗi năm dài đằng đẵng giao dịch dưới mệnh giá. Đóng cửa phiên giao dịch 14/1, SCR dừng ở mức 5.300 đồng/CP, thấp hơn 47% so với mệnh giá.

Ngành mía đường cũng không khả quan hơn. Đã có thời điểm, bà Huỳnh Bích Ngọc, vợ ông Thành phải rời vị trí quen thuộc của mình. Một thời gian dài sau sự cố Đặng gia, bà Ngọc với con gái Đặng Huỳnh Ức My mới tái xuất khi mua vào hàng loạt cổ phiếu mía đường.

SCR bị các định chế tài chính quay lưng sau khi Đặng gia gặp biến cố.

Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công cũng có kết quả kinh doanh lẹt đẹt, thậm chí còn thua lỗ. Trong năm Kỷ Hợi 2019, đa số cổ phiếu của các công ty thuộc nhóm Thành Thành đều sụt giảm.

Ông Đặng Văn Thành trở lại Sacombank?

Cuối năm 2019, dư luận xôn xao với thông tin ông Đặng Văn Thành sẽ trở lại Sacombank. Thông tin này càng đáng tin cậy hơn khi tại Hội nghị tổng kết của Sacombank, Chủ tịch Hội đồng Dương Công Minh đã ngỏ ý mời ông Đặng Văn Thành tiếp tục đóng góp cho ngân hàng.

Nếu ông Thành quay trở lại Sacombank, thì đó là vì ông Thành sẽ đóng góp cho Sacombank hay vì sự lớn mạnh của Thành Thành Công?

Về phía Sacombank, tình hình đang tốt lên rất nhiều. Sacombank ước tính lợi nhuận 2019 dự kiến đạt 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết với đại hội đồng cổ đông, và cao hơn gần 1.000 tỷ so với năm 2018. Quan trọng hơn, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này đã giảm xuống dưới 2%.

Nghĩa là ở thời điểm này, tái cơ cấu Sacombank không còn là vấn đề cấp bách.

Còn về phía ông Đặng Văn Thành, sau khi ông Thành rời Sacombank, ông có nhiều thời gian dành cho Thành Thành Công. Vì thế, Thành Thành Công không ngừng mở rộng quy mô.

Tới năm 2019, Thành Thành Công tiếp tục hoàn thiện mô hình Tổng Công ty với hơn 10.000 nhân sự và vốn điều lệ vọt lên 18.104 tỷ đồng. Công ty mẹ không công bố báo cáo tài chính nhưng một số công ty con niêm yết trên sàn như SCR, VNG, SBT,… đều cho thấy kết quả kinh doanh không lạc quan. Thực tế cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của Thành Thành Công chỉ đạt 1.440 tỷ đồng.

Với quy mô lớn, trải dài trong nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, nông nghiệp, năng lượng tới du lịch, chắc hẳn Thành Thành Công phải cần nguồn vốn rất lớn. Và liệu nếu ông Thành quay trở lại Sacombank, ngân hàng này có trở thành một “bầu sữa” một lần nữa cho Thành Thành Công?

Theo Ngân Hà/ Báo Người tiêu dùng

Nguồn: http://www.nguoitieudung.com.vn/thieu-bau-sua-sacombank-ttc-xuong-doc-ong-dang-van-thanh-se-tro-lai-d80143.html

 

Bài cùng chuyên mục