Ngừng bán khẩu trang giữa tâm dịch corona: Hành vi vi phạm pháp luật

"Trong trường hợp các cơ sở kinh doanh găm hàng, đầu cơ, không bán hàng, không chấp hành quyết định nhà nước trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm thì đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật", luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Tại chợ thuốc Hapulico nhiều cửa hàng thuốc treo bảng thông báo “không bán khẩu trang, nước rửa tay”

Giữa lúc dịch cúm do virus Corona đang diễn biến phức tạp, nhu cầu mua khẩu trang của người dân tăng cao thì mới đây nhiều quầy thuốc tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc – Hapulico lại treo biển ‘không bán khẩu trang, nước rửa tay, đừng hỏi, “quầy không bán khẩu trang” khiến nhiều người bất ngờ.

Trước đó, trên nhóm “Chợ thuốc Hapulico Hà Nội”, tài khoản facebook Nguyễn Kim Dung đã đăng dòng trạng thái kêu gọi tất cả các nhà thuốc cùng nhau đoàn kết không nhập khẩu trang và cũng không bán khẩu trang.

Tài khoản facebook Nguyễn Kim Dung đã đăng dòng trạng thái kêu gọi tất cả các nhà thuốc cùng nhau đoàn kết không nhập khẩu trang và cũng không bán khẩu trang khiến dư luận vô cùng bức xúc

Những sự việc trên nhanh chóng được lan truyền trên mạng và khiến dư luận vô cùng bất bình về y đức làm nghề, nhất là trong thời điểm dịch virus Corona bùng phát và có diễn biến phức tạp.

Trao đổi với Nhadautu.vn, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, việc lợi dụng tình trạng dịch bệnh nCoV đang bùng phát tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhiều cơ sở kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế đã ngừng cung cấp mặt hàng này để đáp trả việc nhà nước không cho tăng giá bán sản phẩm là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp.

“Khi dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát thì trách nhiệm phòng bệnh phải đặt lên hàng đầu, trách nhiệm này không chỉ thuộc về nhà nước, của ngành y tế mà là của chung toàn xã hội. Chúng ta cần chung tay bảo vệ mình và cộng đồng để đẩy lùi dịch bệnh chứ không phải bỏ mặc người dân như các cơ sở này” luật sư Cường nói.

Vị luật sư này cũng nói thêm: ​Trong khi rất nhiều đơn vị phát khẩu trang miễn phí cho người dân để phòng bệnh, tránh nguy cơ lây lan cho công đồng thì một bộ phận cơ sở kinh doanh lại kêu gọi găm hàng, không nhập hàng, không bán hàng thì đây là hành vi phi đạo đức, thể hiện sự ích kỷ, trục lợi trên nỗi sợ hãi của người khác.

“Họ quên mất rằng ngoài mục đích lợi ích cá nhân thì chúng ta cần quan tâm đến y đức, đạo đức nghề nghiệp, đến lợi ích chung của cả cộng đồng. Không thể chỉ vì việc nhà nước cấm tăng giá sản phẩm mà các cơ sở này lại đối đầu, đáp trả bằng hành vi không bán, không cung cấp sản phẩm”, luật sư Cường nói.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Trong khi cả cộng đồng đang lo lắng, hoang mang vì dịch bệnh thì họ lại dửng dưng, thờ ơ, vô trách nhiệm, đánh mất y đức của người thầy thuốc. ​Họ có chắc là bản thân và gia đình mình sẽ không nhiễm nCoV?! Khi dịch bệnh bùng phát thì người có nghề, người trong nghề phải là người tiên phong khoanh vùng, dập dịch, đây là cơ hội để chứng minh đạo đức và nhân cách làm người, vậy mà nhiều người lại quên điều đó, kiên quyết từ bỏ danh xưng “thầy” thuốc để nhận mình là “con buôn” cầu lợi trên nỗi sợ hãi của cộng đồng”.

“Phải chăng việc găm hàng, không cung cấp sản phẩm cho người dân phòng bệnh, bỏ mặc người dân nhiễm bệnh để tăng cơ hội bán thuốc? ​Do đó, tôi cho rằng hành vi đáp trả của nhóm cơ sơ kinh doanh này là hành vi không thể chấp nhận được và cần được lên án mạnh mẽ”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Người dân vô cùng bất ngờ và bức xúc trước những bảng thông báo “Không bán khẩu trang” của các cơ sở kinh doanh dược

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường cho biết, Điều 31 Luật dược đã quy định rõ nghĩa vụ của người hành nghề dược là tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược; Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa. Do đó, trong trường hợp các cơ sở kinh doanh găm hàng, đầu cơ, không bán hàng, không chấp hành quyết định nhà nước trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm thì đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật.

“Trong trường hợp này, Bộ y tế, Sở y tế tại các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý thị trường thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý thật nghiêm để tránh tình trạng trục lợi, gây hỗn loạn, gây hoang mang cho người dân”, luật sư Cường cho hay.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội

Theo luật sư Cường, ​trong trường hợp phát hiện nhóm cơ sở này có hành vi đầu cơ, găm hàng hoặc buôn bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không niêm yết giá thì phải xử lý thật nghiêm theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với hành vi không chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm thì phải xử phạt ngay theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 36 Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Ngoài ra, đối với các trường hợp vi phạm trên thì có thể áp dụng chế tài thu hồi chứng chỉ hành nghề dược của người vi phạm theo quy định tại Điều 26 Luật dược.

Nếu có căn cứ xác định nhóm người, nhóm cơ sở kinh doanh này có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500.000.000 đồng trở lên thì cần chuyển ngay cho cơ quan công an có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể lên đến 15 năm tù.

Liên quan đến việc chợ thuốc Hapulico – Hà Nội đồng loạt treo biển “không bán khẩu trang, nước rửa tay”, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra các nhà thuốc tại đây.

Ông Kiên cho biết thêm, hiện đơn vị cũng đang phối hợp với các đơn vị công an kinh tế để kiểm tra các hiệu thuốc trên địa bàn TP Hà Nội. Phát hiện trường hợp nào trong kho vẫn còn hàng nhưng treo biển không bán, cố tình găm hàng, sẽ bị xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo Hồng Nguyễn/ Nhàđầutư

Nguồn: //nhadautu.vn/ngung-ban-khau-trang-giua-tam-dich-corona-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-d33270.html

 

Bài cùng chuyên mục