EVFTA được thông qua, chớ nên chỉ nhìn vào mấy đồng thuế

EVFTA không phải là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam ký kết. Nhưng sự kiện Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua EVFTA, lại được nhiều người, nhiều giới quan tâm.

* Chuyên gia kinh tếHuỳnh Bửu Sơn: “Văn hóa ứng xử là điều Việt Nam cần chấn chỉnh”

Để tối ưu hóa cơ hội tham gia EVFTA lần này, tôi cho rằng, một trong những điều quan trọng ta cần phải làm là gỡ nút thắt liên quan đến văn hóa trong cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, EVFTA sẽ khiến cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Âu trở nên đại trà hơn, nhiều doanh nghiệp sẽ trải qua giai đoạn chập chững bước vào “cuộc chơi” này. Ta có nhiều đàn anh không còn chập chững nữa. Những doanh nghiệp đàn anh này cần chia sẻ kinh nghiệm với những doanh nghiệp non trẻ. Nhưng thực tế, tính cạnh tranh lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn còn nhiều.

Điều này cũng dễ hiểu, nhưng ta cần thay đổi tư duy về cạnh tranh, nếu không thì việc cạnh tranh đơn thuần sẽ chỉ khiến doanh nghiệp Việt cản trở nhau phát triển trên thị trường quốc tế. Thay vào đó, ta cần một mạng lưới doanh nghiệp lành mạnh. Ở đó, bí quyết công nghệ có thể giữ riêng và không ngừng phát triển để làm lợi thế cạnh tranh ở từng doanh nghiệp, nhưng những hiểu biết, kinh nghiệm thị trường cần được chia sẻ. Mỗi doanh nghiệp cần nhận thức rằng, một cộng đồng doanh nghiệp thịnh vượng sẽ tăng ưu thế cạnh tranh của từng doanh nghiệp trong cộng đồng đó trên thị trường quốc tế.

Để có một mạng lưới như vậy, rất cần vai trò của Nhà nước. Bản thân nhà nước cũng cần cải thiện văn hóa ứng xử với doanh nghiệp. Cụ thể, cần xóa bỏ hàng rào quyền lợi giữa doanh nghiệp công và doanh nghiệp tư nhân. Dĩ nhiên, tư duy xem doanh nghiệp quốc doanh là chủ đạo là điểm đặc thù của “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhưng qua nhiều năm trải nghiệm, ta phải nhận thấy rằng, vẫn có thể định hướng xã hội chủ nghĩa mà không nhất thiết phải xem doanh nghiệp quốc doanh là chủ đạo. Khi tham gia EVFTA, Việt Nam lại thêm một lần tham gia sâu vào một thị trường không có khái niệm phân biệt doanh nghiệp công – tư. Ta cần triệt để xóa bỏ việc phân biệt đối xử, để tránh những khúc mắc xa lạ với văn hóa kinh doanh toàn cầu.

* Ông Trần Văn Châu – Tổng giám đốc Công ty Paint & More: “Tự trọng chính là sức mạnh của doanh nghiệp trong mọi thị trường”

Qua việc trải nghiệm và quan sát hoạt động kinh doanh trong và ngoài nước, tôi nhận thấy, sự tự trọng chính là sức mạnh bền vững của một doanh nghiệp. Chỉ cần phát triển kinh doanh trên nền tảng của sự tự trọng thì không riêng EU mà bất kỳ thị trường khó tính nào, ta cũng có thể chinh phục. Tôi lấy ví dụ về người Nhật Bản, dù là một người lao công hay một chủ tịch tập đoàn, họ đều làm trước sau như một. Điều này là do lòng tự trọng của họ. Khi đó, đồng nghiệp, cấp trên, đối tác sẽ không bị gánh nặng phải giám sát, dè chừng họ, mọi thứ vận hành trên sự tin tưởng, an tâm, và sự chuyển động sẽ đều đặn nhích về phía trước. Tuy nhiên, không nhiều nước trên thế giới có được phẩm chất đó. Trong môi trường doanh nghiệp lại càng hiếm. Vậy nên, sự thịnh vượng lâu dài hầu như chỉ dành cho số ít các doanh nghiệp vốn tạo được uy tín thực sự. Đó là do họ có tự trọng.

Tôi thấy Nhật Bản có xuất phát điểm không khá hơn Việt Nam là mấy. Họ cũng phải học hỏi, cũng phải copy, nhưng họ bền bỉ, trung thực với từng việc họ làm. Ta cũng vậy. Tôi cho rằng Việt Nam không cần phải vội vã đi tắt đón đầu, ta cứ điềm tĩnh bước đi trên đại lộ, vững chãi và bền vững. Ta ở đâu thì phát triển từ điểm đó, nhưng nhất quyết phải phát triển. Từng cái ta đã làm được thì phải ráng làm cho giỏi, cho siêu việt, cái gì chưa được thì phải thừa nhận để còn học, để chạm tới.

Việt Nam có thể chưa phải là một nền kinh tế lớn mạnh, nhưng nhất thiết phải là một nền kinh tế có tự trọng. Chính điều đó là một thương hiệu mạnh cho từng doanh nghiệp khi vươn ra thế giới.

* Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “EVFTA là một cơ hội để Việt Nam hoàn thiện nền kinh tế thị trường căn cơ”

Hiện nay, những vướng mắc của chúng ta về thể chế chủ yếu xuất phát từ sự thiếu rõ ràng của ta trong định hướng “xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Điều này làm những nhà quản lý trở nên ngại ngần với những chuyển động của kinh tế thị trường.

Từ những mập mờ trong quy định, dẫn đến hạn chế sự minh bạch, công bằng trong quản lý, tạo ra kẽ hở cho nạn tham nhũng vặt. Vì thế, khi lẽ ra phải vận hành trên ưu thế cạnh tranh, các doanh nghiệp lại phải tiêu tốn nguồn lực để củng cố vị thế của họ trong quan hệ với các cán bộ nhà nước dễ dàng tìm thấy sự hợp thức hóa những khía cạnh mà luật không làm rõ. Thêm nữa, bản thân nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng chưa được phân bổ hợp lý, đi ngược với quy luật phát triển của kinh tế thị trường. Áp lực “định hướng xã hội chủ nghĩa” khiến sự phân bổ nguồn lực tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp nhà nước, ta đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước bất chấp hiệu quả. Trong khi, quy luật của kinh tế thị trường chính là sự hiệu quả.

Với EVFTA, sự công khai, minh bạch, chống tham nhũng là những yếu tố quan trọng mà ta đã ký kết và phải thực hiện. Điều này dĩ nhiên mang lại những lợi ích chính đáng cho các nước tham gia hiệp định, nhưng cũng chính là mong đợi của nhân dân Việt Nam. Nếu ta làm được như cam kết, người hưởng lợi nhiều nhất chính là nhân dân Việt Nam. Khi đó, mọi nguồn lực của nền kinh tế sẽ tập trung cho sự phát triển. Ta sẽ có những chuyển động bám sát cơ chế thị trường, ta văn minh hiện đại, từ đó ta có nền tảng để lên cao hơn nữa. Bằng không, mọi hy vọng về việc nâng tầm quốc gia vẫn chỉ nằm trong những con số thống kê, về lượng hàng xuất khẩu mà tập trung phần lớn ở doanh nghiệp FDI. Còn Việt Nam vẫn quẩn quanh trong vai trò gia công, trong kịch bản được mùa rớt giá, trong việc theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn, cho ra những sản phẩm kém chất lượng.

Theo tôi, dù ta quan niệm thế nào về “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì trước hết, ta phải có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa và căn cơ, rồi mới định hướng xã hội chủ nghĩa được. Khi đó, việc nâng vị thế quốc gia không chỉ là một hứa hẹn danh nghĩa nữa, mà phải là một sự nâng tầm vị thế thực sự trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được ký kết ngay trước Đại hội Đảng lần XIII cũng là một yếu tố khiến tôi tin tưởng và kỳ vọng. Mong rằng trước bối cảnh này, đại hội sẽ đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tập trung làm rõ vế “định hướng xã hội chủ nghĩa” để tạo thêm không gian phát triển cho nền kinh tế.

* Tiến sĩ Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp: “Phải nhìn vào sự khơi thông dòng chảy của kinh tế thị trường”

Riêng về nông sản, khi một hiệp định thương mại được ký kết, thường người ta sẽ vui mừng vì hàng rào thuế quan dần được điều chỉnh, cơ hội trao đổi công nghệ tăng lên, thị trường được mở rộng. Nhưng, nếu ta chỉ chú tâm vào việc bán sản phẩm thì sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội. Theo tôi, để EVFTA mang đến hiệu quả kinh tế lâu dài, Việt Nam phải tận dụng cơ hội để thu hút đầu tư.

Hiện nay, ngay cả với thị trường Trung Quốc, khi họ có thay đổi chút ít về yêu cầu, ta đã lúng túng. Chính vì sự lúng túng, bị động này của nông dân và cả thương lái ở các địa phương tại Việt Nam, thương lái Trung Quốc phải qua tận nơi, trực tiếp đưa sản phẩm về Trung Quốc. Đây là một ví dụ cho thấy, phạm vi tham gia của phía Việt Nam trong chuỗi vận hành của sản phẩm là rất ngắn. Ta phụ thuộc thông tin về thị trường, nguyên liệu (phân, thuốc), máy móc và cả đầu ra.

Cách làm ăn ngắn hạn và chia cắt như thế là khá nguy hiểm. Vậy nên, với châu Âu, ta cần thu hút đầu tư để các doanh nghiệp của họ sang Việt Nam, gắn kết với vùng nông nghiệp của ta, cùng xây dựng vùng nguyên liệu, theo dõi xuất xứ, giám sát môi trường. Nông dân hay doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng vốn đầu tư, công nghệ, cách quản lý của họ, cùng phối hợp với họ để tạo ra sản phẩm chất lượng rồi tiếp tục phối hợp ở khâu kinh doanh. Có như vậy, mới tạo ra sự bứt phá thực sự cho nền nông nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, muốn đạt đến điều đó, theo tôi, ta cần một cuộc cách mạng căn bản về thể chế. Hiện nay, tham gia lĩnh vực nông sản của Việt Nam chủ yếu vẫn là hộ gia đình. Họ phần lớn không chủ động nắm bắt thông tin, hạn chế về tài nguyên (vốn, trình độ kỹ thuật…). Sự phát triển của họ vẫn trông chờ rất nhiều vào Nhà nước. Vậy nên, ta rất cần một bộ máy công quyền gắn bó mật thiết với dân, không chỉ tuyên truyền với người dân mà phải hướng dẫn, tổ chức và liên kết giữa các hộ. Để được vậy, cán bộ quản lý và người dân phải có cùng lợi ích. Hiện nay, cái chính là ta không tạo ra một động lực chung, không tạo ra được sự phối hợp để hưởng lợi chung. Hệ thống quản lý hành chính và vận hành của doanh nghiệp đi theo hai hướng. Doanh nghiệp có lợi thì cán bộ vẫn không thấy mình được lợi. Tác nhân trong chuỗi giá trị thay vì phối hợp thì lại chia cắt. Dòng tiền của đầu tư công không tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Vậy nên, theo tôi, đứng trước mỗi hiệp định thương mại, ta phải nhìn đó như một cơ hội để hội nhập kinh tế quốc tế chứ không phải chỉ nhìn vào mấy đồng thuế. Cùng với những ký kết, ta phải thay đổi thể chế, cơ chế quản lý. Phải nhìn sự hợp tác là một hoạt động khơi thông dòng chảy của kinh tế thị trường. Trong đó, nếu còn điều gì làm tắc nghẽn sự lưu thông, ta phải tự phá bỏ nó.

Theo Minh Trâm/ Báo Phụ Nữ TP.HCM

Link bài gốc: //www.phunuonline.com.vn/evfta-duoc-thong-qua-cho-nen-chi-nhin-vao-may-dong-thue-a1403351.html

 

Bài cùng chuyên mục