Phá rào cản cho phát triển hạ tầng giao thông Nam Bộ

"Chất lượng quy hoạch, lập và thẩm định dự án”, “Năng lực triển khai dự án của nhà đầu tư”, “Những bất cập trong đền bù giải phóng mặt bằng”... là những rào cản khiến hạ tầng giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

TP.HCM có vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng giao thông ở Nam Bộ

Những rào cản này vừa được các nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP. HCM đưa ra tại Hội thảo quốc gia “Hạ tầng giao thông Nam Bộ: Vấn đề và Giải pháp phát triển” do UBND TP. HCM và Đại học Quốc gia TP tổ chức vào sáng nay 29/6/2019, với sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà quán lý.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đều cho rằng, thực trạng hạ tầng giao thông hiện hữu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Dù thời gian qua đã nỗ lực huy động vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tuy nhiên kết quả kêu gọi vốn đầu tư công và hợp tác công – tư (PPP) tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ chưa thực sự được như mong muốn.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP. HCM cũng đã chỉ ra một số vấn đề chính của phát triển giao thông khu vực Nam Bộ như: “Chất lượng quy hoạch, lập và thẩm định dự án”, “Năng lực triển khai dự án của nhà đầu tư”, “Những bất cập phát sinh trong đền bù giải phóng mặt bằng”… đang là rào cản trong việc phát triển hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ.

Theo đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra tại Hội thảo. Cụ thể, quy hoạch giao thông cần dựa lên quy hoạch và liên kết phát triển vùng đồng thời nâng cao hiệu quả quỹ bảo trì đường bộ, nâng cao tỷ trọng đầu tư cho đường thủy. Và quan trọng là minh bạch công khai trong đấu thầu, phát hành trái phiếu xây dựng hạ tầng. Đặc biệt là vai trò quan trọng của TP. HCM trong quy hoạch phát triển vùng.

TS. Nguyễn Trọng Tâm (Đại học GTVT TP.HCM) cho rằng, hạ tầng giao thông vận tải vẫn còn là điểm yếu trong thời gian dài và đang là điểm nghẽn trong phát triển cho vùng ĐBSCL. Một vùng kinh tế quan trọng của đất nước nhưng lại chưa có giao thông đường sắt – một loại hình giao thông quan trọng của các nước trên thế giới, vì vậy cần phát triển đường sắt tại khu vực ĐBSCL bằng cách thu hút được nhà đầu tư, dành quỹ đất theo quy hoạch để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt…

Đồng thời cần ban hành cơ chế đặc thù cụ thể cho ĐBSCL về khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt theo các hình thức BOT, BT, PPP…

TS. Dương Như Hùng (Đại học Bách khoa TP. HCM) cũng nêu lên quan điểm: “Trước vấn đề này chúng ta cần có đơn vị điều phối quản lý cấp vùng. Cần có vai trò nhạc trưởng và TP. HCM phù hợp với vị trí vai trò này. Tuy nhiên, TP. HCM thiếu nguồn lực và cơ chế tài chính hạn chế, do đó đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách TP. HCM để phục vụ phát triển vùng”.

Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM – Ông Huỳnh Thành Đạt thì cho rằng, hạ tầng giao thông hiện hữu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH của vùng. Những vấn đề này cần được bàn luận, nghiên cứu và giải quyết. ĐHQG – HCM sẽ cùng với mạng lưới chuyên gia, các nhà khoa học của mình tiếp tục xác định sự ưu tiên mức cao trong các nghiên cứu mang tính ứng dụng phục vụ phát triển KT-XH vùng, trong đó có nhiều nghiên cứu về hạ tầng giao thông và các lĩnh vực liên quan.

Theo Thanh Hải/Công luận

Bài cùng chuyên mục