TP.HCM kiến nghị gỡ vướng 63 dự án nhà ở
63 dự án nhà ở thương mại mà Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Chính phủ gỡ vướng đều có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng
Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Lãnh đạo TP liên tục có các buổi gặp gỡ để lắng nghe doanh nghiệp (DN) BĐS nhằm tìm giải pháp. Ngay sau hội nghị tháo gỡ vướng mắc vừa diễn ra vào tháng 2 vừa qua, theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, Sở Xây dựng TP vừa hoàn chỉnh dự thảo về các nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn để TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ – ngành liên quan. Nội dung tháo gỡ khó khăn xoay quanh 8 nhóm vấn đề. Trong đó trọng tâm là cách hiểu và vận dụng quy định quyền sử dụng đất ở hợp pháp khi thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở.
Theo Sở Xây dựng, từ tháng 12/2015 đến nay, UBND TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư 63 dự án nhà ở thương mại có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng. Tất cả dự án này đều được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt.
Để DN BĐS có cơ sở hoàn tất các thủ tục đầu tư và triển khai dự án nói trên, Sở Xây dựng dự định kiến nghị Thủ tướng phương án: “Diện tích đất có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, nếu đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt hoặc đã có văn bản của cơ quan thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án nhà ở hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án nhà ở thì diện tích đất đó được coi là đất ở”.
Nếu phương án này được chấp thuận, với 45 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực, 7 dự án còn hiệu lực, kiến nghị cho TP được thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015 của Chính phủ. 18 dự án còn lại, TP hướng dẫn DN tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.
Ngược lại, UBND TP đưa ra kiến nghị, đối với 58 dự án (45 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực, 7 dự án còn hiệu lực chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa công nhận chủ đầu tư và 6 dự án đã chấp thuận đầu tư nhưng chưa ban hành quyết định thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất) nhà đầu tư sẽ thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Còn 5 dự án, trường hợp yêu cầu chủ đầu tư thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư và công nhận chủ đầu tư theo Luật Nhà ở, phải hủy bỏ các quyết định thu hồi, giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất hoặc nhà nước phải hoàn trả lại nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư đã thực hiện. “Việc này sẽ phát sinh yêu cầu về bồi thường nhà nước hoặc khiếu nại của chủ đầu tư. Do đó, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hoàn tất các thủ tục đầu tư tiếp theo và triển khai thực hiện dự án theo quy định” – ý kiến tham mưu của Sở Xây dựng cho UBND TP nêu rõ.
Còn những dự án có phần đất do nhà nước trực tiếp quản lý xen cài trong dự án nhà ở, sở kiến nghị tháo gỡ theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính. Cụ thể, đối với quỹ đất có diện tích dưới 1.000 m2 nên giao cho chủ đầu tư dự án. Đối với quỹ đất có diện tích từ 1.000 m2 trở lên, kiến nghị cho thực hiện hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất với diện tích tương đương, tập trung ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao lại cho nhà nước quản lý, sử dụng.
Đại diện Sở Xây dựng TP cho biết dự thảo nói trên đã được lấy ý kiến từ nhiều sở – ngành của TP và đặc biệt dựa vào các góp ý trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền TP và DN BĐS hồi tháng 2 vừa qua. “Những ách tắc thời gian qua do nhiều quy định pháp luật chồng chéo và phát sinh nhiều vấn đề. Vì vậy, sở kiến nghị để hỗ trợ nhằm giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay” – Sở Xây dựng TP nêu.
Trao đổi với phóng viên sau khi nắm nội dung dự thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), hoan nghênh nhiều kiến nghị của TP. Đây cũng chính là những kiến nghị mà HoREA đã nhiều lần đưa ra. Theo ông Châu, thời gian qua, DN triển khai các dự án nhà ở thương mại rất phức tạp; quy trình thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất trên thực tế mất nhiều thời gian. DN phải chờ đợi rất lâu mới nộp được tiền sử dụng đất, dẫn đến dự án nhà ở chậm được triển khai. Theo quy định, thời gian thực hiện các thủ tục mất khoảng 2 năm nhưng thực tế tại nhiều dự án phải mất từ 3 năm trở lên DN mới được công nhận là chủ đầu tư, được thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng, cuối cùng mới bắt tay vào thi công xây dựng. Kết quả, DN bị chôn vốn 5-7 năm, làm tăng giá thành nhà ở mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu. Vì vậy, HoREA kiến nghị rút ngắn các thủ tục và cho phép công nhận chủ đầu tư rồi mới thực hiện nghĩa vụ tài chính nhằm giảm thời gian, chi phí cho DN, từ đó kéo giảm giá nhà.
Một DN có dự án nhà ở dù đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thể tiến hành đóng tiền sử dụng đất để ra sổ vì một phần đất trong dự án là đất xen cài nên chưa chuyển mục đích sử dụng đất được. Đại diện DN này cho rằng vướng mắc này chủ yếu do cơ chế, quy định của luật bị chồng chéo. Nếu việc này được giải quyết, dự án được giải tỏa, DN mới thực hiện được đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước.
Một DN khác cũng có dự án bị ngưng trệ vì thủ tục đất đai cho biết đã cầu cứu, kiến nghị lãnh đạo TP tháo gỡ vướng mắc nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. “Khó khăn lắm rồi. Chúng tôi cần được sớm tháo gỡ chứ nếu cứ đưa đề án rồi trình thì không biết bao giờ mới giải quyết dứt điểm” – đại diện DN này than thở.
S.Nhung
Theo Lê Phong/ NLĐO
Link bài gốc: https://nld.com.vn/bat-dong-san/tp-hcm-kien-nghi-go-vuong-63-du-an-nha-o-2020031621410277.htm