Lao đao xuất khẩu thủy sản sang EU và Mỹ
Sau 2 tháng đầu năm xuất khẩu gặp khó ở thị trường Trung Quốc, sang tháng 3, xuất khẩu thủy sản sang EU lại điêu đứng vì dịch bệnh Covid-19. Đến thời điểm này đã có 35-50% đơn hàng xuất khẩu tôm và cá tra đi Mỹ và EU bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng.
Do dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia châu Âu, các nước Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ, Ba Lan đều đã có giải pháp mạnh mẽ về kiểm soát, đóng cửa biên giới. Vì vậy, tác động lớn nhất có thể là người dân châu Âu hạn chế mua sắm thủy sản, giày dép, quần áo, đồ gỗ, điện thoại… là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Gần một nửa đơn hàng bị hoãn, hủy
Theo số liệu thống kê của Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản đạt trên 991 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm, khiến kim ngạch xuất khẩu sang nước này giảm mạnh 44%. Xuất khẩu sang EU cũng giảm mạnh 20%, các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc giảm lần lượt 4% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), kết quả khảo sát các doanh nghiệp (DN) hội viên cho thấy, do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt trong giai đoạn 3 tuần đầu tháng 3, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các DN thủy sản đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.
Cho tới thời điểm này, đa số các DN đã bị sụt giảm từ 45-50% đơn hàng. Nhu cầu tiêu thụ giảm (chuỗi McDonald’s đóng cửa hàng trăm cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cá phi lê; các nhà hàng, chuỗi ẩm thực vắng khách dẫn đến giảm nhu cầu đối với thủy sản… Hoạt động trao đổi, thương mại bị gián đoạn do hệ thống vận tải bị đảo lộn.
Phản ánh của các DN xuất khẩu cá tra cho thấy tháng 1 và tháng 2, gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu cá tra mới bị gián đoạn hoặc ngưng trệ sang thị trường lớn nhất Trung Quốc. Không chỉ hoạt động giao thương cá tra Việt Nam qua đường tiểu ngạch mà cả đường chính ngạch sang Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn trong 2 tháng đầu năm.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu cá tra Việt Nam, chiếm 35% xuất khẩu cá tra, nên dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn.
Trong 2 tháng đầu năm nay, cá tra là nhóm hàng có mức tăng trưởng âm sâu nhất trong cơ cấu thủy sản xuất khẩu, giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: sang Trung Quốc bị sụt giảm 52%; sang Mỹ giảm 27%; sang EU giảm 40%; sang các nước ASEAN giảm 19%.
Theo dự đoán của một số DN cá tra, sang tháng 4, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có thể phục hồi 50%, tháng 5 hồi phục 70% và đến tháng 6 mới có thể hồi phục hoàn toàn 100%.
Tuy nhiên, kể từ tháng 3 này, xuất khẩu cá tra đã bị ảnh hưởng tiêu cực lan rộng ở khu vực châu Âu. Tại một số nước, khách hàng đã tạm dừng mọi giao dịch, nhà hàng và khách sạn đều đã đóng cửa để ngăn chặn nguy cơ đại dịch bùng phát.
Đơn hàng mới chưa được ký lại, hàng tồn kho lớn. Đến giữa tháng 3/2020, nhiều đơn hàng xuất khẩu cá tra tại Trung Đông, châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm ngừng mà chưa có thời gian quay trở lại.
Theo phản ánh của các DN chế biến xuất khẩu tôm, các DN đang chờ đợi và hy vọng qua tháng 3, đến tháng 4 XK tôm sang Trung Quốc sẽ khôi phục trở lại. Thế nhưng hiện nay, thị trường EU lại đáng lo ngại hơn cho DN tôm. Đã có từ 35-50% đơn hàng xuất khẩu tôm đi Mỹ và EU bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách không bán được.
Trong khi, lượng tồn kho tại cả nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu hiện đều lớn, kho lạnh đã đầy và không còn đủ sức chứa. Tại nhiều nước nhập khẩu, nhà cung cấp đã linh hoạt giảm giá bán từ 25-30% nhưng cũng không thể kích cầu.
Các DN chế biến tôm tại Việt Nam hiện tập trung vào 2 giải pháp căn bản: phân bổ tài chính, nguồn lực để có thể vượt qua thời gian cầm cự này cùng người nuôi, khách hàng, đảm bảo đơn hàng; cân đối lại cơ cấu thị trường, không tập trung vào một số thị trường như trước đây, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.
Mặc dù hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các DN ngành tôm đang gặp rất nhiều khó khăn ở hầu hết các thị trường nhưng nhiều DN vẫn đang cố gắng duy trì công ăn việc làm cho công nhân.
Nhiều khuyến cáo cho doanh nghiệp
Tình hình bi đát cũng đang diễn ra đối với các DN xuất khẩu hải sản. Nhiều DN chế biến hải sản hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì công ăn việc làm cho công nhân, vì đơn hàng xuất khẩu bị giảm hoặc bị hủy.
Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, DN hải sản nhận định trong thời gian ngắn (tới tháng 5/2020) sẽ có những khó khăn về vốn vì liên quan đến dự trữ hàng, khó khăn về nguyên liệu vì không đủ cho sản xuất – xuất khẩu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đại diện các DN mong muốn, trước mắt Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần tập trung nắm bắt, phân tích, dự báo chính xác về nhu cầu và tình hình thị trường trong và ngoài nước để cung cấp kịp thời cho DN; hỗ trợ DN tìm đối tác tại các thị trường mới.
VASEP vừa đưa ra khuyến cáo: trong khi các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng DN vượt qua giai đoạn cầm cự này bằng cách duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6 – tháng 7 khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm.
Người nuôi cần được tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ để có biện pháp duy trì nuôi như kéo dài thời gian hoặc thả giống thưa hơn…, hoặc một số biện pháp khác cầm cự để giữ ổn định nguyên liệu.
Đối với cá tra, tuy không lo ngại về nguyên liệu, nhưng nên tiếp cận việc đánh số vùng nuôi hoặc đưa ra các điều kiện nuôi cá tra hoàn chỉnh hơn để chuẩn bị cho năm 2021 tốt hơn, đặc biệt liên quan đến chương trình thanh tra của FSIS vì hiện nay phải làm việc với Mỹ về cơ sở nuôi đủ điều kiện, đảm bảo khi xuất khẩu sang Mỹ sau dịch vẫn tốt.
Năm 2020 chắc chắn không thiếu nguyên liệu cá tra nhưng năm tới có thể thiếu nên phải tập trung từ năm nay để ổn định thị trường. Đối với ngành hải sản: nhiều DN vừa và nhỏ, sản xuất quy mô thấp, nếu cầm cự được phải có phương án tài chính tốt hơn.
Vì vậy, DN hải sản nói riêng, DN thủy sản nói chung rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt về nhu cầu về vốn: hỗ trợ cho kéo giãn thời gian nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ dự trữ nguyên liệu, nhập khẩu nguyên liệu cũng như giảm tải các thủ tục hành chính cho DN…
Theo Chu Khôi / Thời báo Kinh Doanh
Link bài gốc: https://thoibaokinhdoanh.vn/thi-truong/lao-dao-xuat-khau-thuy-san-sang-eu-va-my-1066526.html