Thủ tướng yêu cầu giảm giá điện, nước, thịt lợn và bình ổn giá gạo

Mục tiêu lạm phát dưới 4% cho cả năm nay là hoàn toàn kiểm soát được. Các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt lợn, xăng dầu phải được giảm giá và bình ổn. Giá các dịch vụ chỉ được tăng khi kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng và vào thời điểm thích hợp. Các gói hỗ trợ khi được thực hiện không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá vào sáng 21/4. Ảnh: VGP.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá vào sáng 21/4 Thủ tướng cho biết mục tiêu lạm phát dưới 4% cho cả năm nay là hoàn toàn kiểm soát được. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giảm và bình ổn giá những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Cụ thể, giảm giá thịt lợn về ngưỡng 60.000 đồng/kg, giảm giá điện, nước và bình ổn giá gạo.

Về giá thịt lợn, một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến giá thịt lợn tăng trong thời gian qua là do tốc độ tái đàn chậm. Tiếp nữa là do chi phí trung gian. Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, khâu trung gian chiếm 70-90% giá bán thịt lợn. Thêm nữa, báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng chỉ ra chi phí trung gian hiện tại so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi là khoảng 23.000- 28.000 đồng/kg. Vì vậy, việc rà soát, tổ chức lại chuỗi cung ứng thịt lợn theo hướng tinh gọn, giảm bớt các kênh trung gian, phân phối sẽ góp phần giảm giá thịt lợn.

Giá lợn hơi hiện ở mức 80.000-90.000 đồng/kg và giá thịt lợn thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 145.000-165.000 đồng/kg.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Công an thực hiện ngay những giải pháp bình ổn giá thịt lợn, trước tiên kiểm tra giá thành, đặc biệt tại các doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô lớn từ đó có giải pháp thực hiện một cách hiệu quả. Trường hợp phát hiện việc thao túng giá, đầu cơ, trục lợi được Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm.

Cùng với việc tăng nguồn cung ứng thịt lợn trong nước Chính phủ yêu cầu tăng nhập khẩu để bảo đảm cân đối cung cầu thịt lợn ở thời điểm hiện tại và trong thời gian tới.

Trước đề xuất đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa dịch vụ được bình ổn giá, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ, ngành nghiên cứu kỹ, đánh giá rõ tác động, ảnh hưởng và có đề án báo cáo cụ thể về việc này.

Về giá xăng dầu, Bộ Công Thương được Thủ tướng yêu cầu phối hợp cùng các bộ hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính còn được yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá dầu thô, có kịch bản, phương án điều hành cụ thể giá xăng dầu kết hợp hiệu quả công cụ quỹ bình ổn giá, không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá nói chung.

Ngoài ra, về lộ trình tăng lương cơ sở từ 1/7 và các dịch vụ công như y tế hay giá sách giáo khoa mới, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Y tế được Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đánh giá tác động với tinh thần chỉ tăng giá dịch vụ khi chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát và vào thời điểm thích hợp.

Thêm nữa, báo cáo về mức độ ảnh hưởng của các gói hỗ trợ với tổng giá trị gần 640.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10% GDP khi được thực hiện, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết là việc này không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của năm nay.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, trước những diễn biến phức tạp của thị trường giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước tại quý I và đầu quý II, mục tiêu lạm phát dưới 4% như Nghị quyết của Quốc hội giao vẫn có thể được kiểm soát dù có khó khăn.

Trường hợp xấu nhất, CPI cả năm tăng ở mức 4% vẫn có thể xảy ra. Lợi thế hiện nay là giá xăng dầu đang được điều hành giảm mạnh. Giá gas trong nước cũng giảm khá sâu theo giá thế giới. Giá điện được miễn giảm cho một số đối tượng trong 3 tháng (4, 5, 6) theo đề xuất của Bộ Công Thương.

Ngân hàng Nhà nước dự báo CPI cả năm nay trong khoảng 3,7 ± 0,5%.

Tổng cục Thống kê dự báo CPI đưa ra 2 mức dự báo với mức cao là 4,0 – 4,3%, mức thấp là 3,3 – 3,7%.

Theo Ngọc Hà/Người Đồng Hành

Link bài gốc: //ndh.vn/thoi-su/thu-tuong-yeu-cau-giam-gia-dien-nuoc-thit-lon-va-binh-on-gia-gao-1267216.html

 

Bài cùng chuyên mục