Điều tra các doanh nghiệp khai khống gạo để “giữ chỗ”

Hôm nay 22/4, Bộ Công thương đã chủ động có công văn đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan tiến hành kiểm kê số lượng gạo đang bị “mắc kẹt” tại cảng, cửa khẩu do không đăng ký được hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn, đồng thời điều tra các doanh nghiệp khai khống xuất khẩu theo kiểu “giữ chỗ”...

Sau khi có ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 21/4/2020 về công tác triển khai, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn; trong đó đã giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Công thương và Bộ Tài chính phối hợp thực hiện. Hôm nay 22/4, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính để trao đổi các nội dung liên quan.

Sự cố xuất khẩu gạo theo hạn ngạch vẫn còn chưa thể ngã ngũ, Bộ Công thương đề nghị thống kê lượng gạo đang mắc kẹt tại cảng, cửa khẩu

Công văn do Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh ký khẳng định việc xuất khẩu nếp (bao gồm thóc nếp, gạo nếp, tấm nếp) trong tháng 4/2020 được thực hiện theo nhu cầu thị trường, không chịu sự điều chỉnh của cơ chế điều hành xuất khẩu gạo tại Văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020.

“Số lượng gạo nếp đã mở tờ khai hải quan xuất khẩu trong tháng 4, kể cả số lượng đã thực xuất, được cộng trở lại số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4”- Bộ Công thương nêu.

Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tiến hành thống kê số lượng gạo của các thương nhân hiện đang ở cảng, cửa khẩu nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu theo phương thức điều hành xuất khẩu gạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 2827/VPCP-KTTH (đề nghị thống kê cụ thể theo tên thương nhân, lượng gạo tồn tại cảng, ngày đưa hàng vào cảng bãi…)

Đồng thời, Bộ Công thương cũng đề nghị hải quan thống kê số lượng gạo của các thương nhân đã mở tờ khai hải quan xuất khẩu nhưng có dấu hiệu khai khống để giữ chỗ, như không có số container và (hoặc) số seal và (hoặc) tên tàu và cho tới nay chưa thực hiện tờ khai hải quan xuất khẩu đã được đăng ký.

Trên cơ sở thống kê số lượng gạo còn tồn đọng tại các cảng, số lượng tờ khai có biểu hiện khai khống mà Tổng cục Hải quan báo cáo, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến gấp về phương án điều phối hạn ngạch và sử dụng 100.000 tấn gạo được tạm ứng trước theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng để xử lý cho các thương nhân có gạo đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020 (nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu) được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan để 2 bộ cùng phối hợp xem xét, quyết định phương án xử lý trên cơ sở bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, dễ thực hiện, dễ giám sát.

Thời điểm cuối tháng 4/2020, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL còn tồn kho nhiều, nên đang hạn chế hoặc tạm ngưng thu mua lúa

Tại cuộc họp về điều hành xuất khẩu gạo chiều 20/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề chiến lược, trọng đại liên quan đến đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng trước bối cảnh tình hình dịch bệnh và thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp, khó lường. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo cho người dân nhưng cũng phải bảo đảm mục tiêu phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, hài hòa lợi ích quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, trước mắt, việc xuất khẩu gạo nếp vẫn diễn ra bình thường. Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN-PTNT rà soát, đánh giá tổng thể cung cầu thị trường trong nước để điều hành xuất khẩu bảo đảm không để xảy ra thiếu hụt. Phó Thủ tướng yêu cầu tạm ứng trước hạn ngạch 100.000 tấn gạo từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2020 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện có gạo tồn đọng tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai hải quan.

Nhấn mạnh quá trình điều hành xuất khẩu gạo vừa qua có nhiều vấn đề cần phải khắc phục, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng yêu cầu hai bộ “nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc phối hợp triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao”. Trước hết, yêu cầu các bộ, ngành khắc phục ngay những bất cập hiện nay. Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra thực tế các doanh nghiệp có gạo đang tồn đọng tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai, phát hiện những doanh nghiệp khai khống hoặc được cấp hạn ngạch nhưng chưa có gạo nhằm điều hòa, không để thiệt hại cho doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cho phép xuất khẩu không tính hạn ngạch đối với các đơn hàng sản xuất theo yêu cầu của nhà nhập khẩu ở nước ngoài (do đối tác nước ngoài cung cấp giống, công nghệ, vật tư…). Bộ Tài chính chịu trách nhiệm mua đủ lượng lúa gạo dự trữ quốc gia.

Theo Văn Phúc/ SGGPO

Link bài gốc: //www.sggp.org.vn/dieu-tra-cac-doanh-nghiep-khai-khong-gao-de-giu-cho-658569.html

 

Bài cùng chuyên mục