Cảnh báo mua bán đất nền tại siêu dự án ở TP.HCM

Cơ quan chức năng Q.10, TP.HCM khẳng định khu đất 332 Tô Hiến Thành chưa đủ pháp lý để ký hợp đồng mua bán.

Lãnh đạo UBND Q.10, TP. HCM vừa có văn bản thông báo về việc khu đất mặt tiền số 332 Tô Hiến Thành, P.14 được quảng cáo là nơi xây dựng dự án bất động sản chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý nên việc một số thông tin rao bán đất nền tại dự án này là không đúng, vi phạm quy định pháp luật.

UBND Q.10 đã giao UBND P.14 tiến hành kiểm tra lại các bảng thông tin cảnh báo “Khu đất hiện không có bất kỳ dự án phát triển nhà ở đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận đầu tư theo quy định. Đề nghị cảnh giác đối với các quảng cáo, giao dịch kinh doanh đất nền, căn hộ” tại khu đất số 332 Tô Hiến Thành để kịp thời sửa chữa và thay thế.

Công an quận 10 có nhiệm vụ cùng với các đơn vị liên quan xem xét, xử lí theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động giới thiệu, quảng cáo, rao bán, xử lí nghiêm đối với các hành vi phát tờ rơi quảng các sản phẩm tại khu đất trên.

Bên ngoài khu đất số 332 Tô Hiến Thành (Q.10, TP. HCM) – nơi được quảng cáo là nơi xây dựng dự án bất động sản lớn.

Trước đó, một số trang thông tin điện tử đăng thông tin quảng cáo rao bán “Siêu dự án đất nền mặt tiền đường Tô Hiến Thành” phường 14, quận 10 (góc ngã tư đường Thành Thái và đường Tô Hiến Thành) có sổ riêng từng nền, bao sang tên…

Dự án được quảng cáo sẽ bàn giao vào năm 2023, tuy nhiên, hiện trạng chỉ là mặt bằng được quây kín, không có máy móc hay hoạt động thi công nào.

Thời gian gần đây, UBND TP. HCM liên tục chỉ đạo kiểm tra, xử lý đối với tình trạng dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng huy động vốn bằng nhiều hình thức, từ đó dẫn đến khiếu nại, tranh chấp, gây bức xúc.

Phía Sở Xây dựng TP. HCM cũng ra văn bản yêu cầu các chủ đầu tư dự án bất động sản muốn bán, cho thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng về việc nhà ở đủ điều kiện bán.

Bộ hồ sơ đủ điều kiện bán phải gồm giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy tờ nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; nếu là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng.

Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai phải đăng ký hợp đồng mẫu.

Hiện Sở Xây dựng TP. HCM cũng đã gửi văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về hình thức xử lý các trường hợp chủ đầu tư lách luật huy động vốn trái luật bằng hình thức nhận tiền đặt chỗ, đặt cọc, ký hợp đồng mua bán nhưng chậm bàn giao căn hộ, nhà hình thành trong tương lai cho khách hàng.

Cụ thể, Nghị định của Chính phủ quy định, chủ đầu tư không được huy động vốn bằng hình thức ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua căn hộ, nhà ở (theo luật định, chỉ được huy động vốn là góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở). Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn ký hợp đồng đặt cọc với khách hàng theo Bộ luật Dân sự để huy động vốn.

Đồng thời, Luật Kinh doanh bất động sản cũng quy định mức thanh toán cho hợp đồng mua bán đợt 1 không quá 30% giá trị hợp đồng và sau đó thanh toán theo tiến độ dự án, thế nhưng luật dân sự lại không khống chế mức tiền đặt cọc là bao nhiêu, nên ở nhiều dự án chủ đầu tư thu tiền đặt cọc của khách hàng lên đến 80% giá trị căn hộ, nhà ở.

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự quy định mục đích của đặt cọc là nhằm đảm bảo thực hiện hợp đồng.

Do vậy, việc các chủ đầu tư nhận cọc đến hàng trăm tỷ đồng của khách để dùng đầu tư vào dự án là sai.

 

Nguồn Theo Xuân Thanh/ Báo Đất Việt
Bài cùng chuyên mục