Mở lại đường bay quốc tế: Coi trọng yếu tố an toàn

Việc Bắc Kinh (Trung Quốc) phát hiện ổ dịch Covid - 19 mới thực sự là “gáo nước lạnh” dội vào hy vọng sớm nối lại một số đường bay quốc tế của hàng không và du lịch.

Việc Bắc Kinh (Trung Quốc) phát hiện ổ dịch Covid – 19 mới thực sự là “gáo nước lạnh” dội vào hy vọng sớm nối lại một số đường bay quốc tế của hàng không và du lịch.

Ngay từ đầu tháng 6/2020, một số hãng hàng không trong nước đã lên kế hoạch kể từ ngày 1/7 sẽ từng bước mở lại đường bay đến một số quốc gia/vùng lãnh thổ có kết quả kiểm soát dịch bệnh khả quan, xem đó như là một cứu cánh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cần phải nói thêm rằng, trong hoạt động hàng không, thị trường vận chuyển nội địa và quốc tế liên thông rất chặt chẽ. Mặc dù đã được phép phục hồi toàn bộ hoạt động mở bán, khai thác đường bay nội địa theo nhu cầu của thị trường, nhưng thị trường nội địa hiện mới bằng 50 – 60% so với thời điểm trước dịch.

Có đến các sân bay quốc tế lớn trong nước vào thời điểm này mới thấy, vì sao các hãng hàng không lại rất mong mở lại đường bay quốc tế.

Tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, trong khi nhà ga quốc nội bắt đầu đông khách trở lại nhờ các giải pháp kích cầu du lịch, hạ giá vé, thì các nhà ga quốc tế vẫn cửa đóng, then cài. Một lượng lớn tàu bay vẫn phải niêm cất, nằm dài trên các sân đỗ, trong khi các đường bay quốc tế thường mang lại 50 – 60% doanh thu và lợi nhuận cho cả hãng hàng không và doanh nghiệp khai thác cảng. Thậm chí, có hãng bay lớn của Việt Nam cho biết, nếu các đường bay quốc tế không mở lại trong tháng 7/2020 và không nhận được sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ, thì họ sẽ cạn kiệt dòng tiền, phải dừng bay sau 2-3 tháng tới.

Giống như các hãng bay, các resort, khu nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch lớn hiện mới chỉ thu hút những du khách trong nước tận dụng các đợt giảm giá sâu, trong khi dòng khách quốc tế từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga… với khả năng chi trả cao, mới là nguồn chính đảm bởi lợi nhuận, doanh thu cho các đơn vị này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, thì sẽ vô cùng mạo hiểm nếu cấp tập mở lại các tuyến hàng không, du lịch quốc tế ngay vào thời điểm này khi chưa xem xét thấu đáo và không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Trên thực tế, chỉ nên thực hiện việc mở lại các tuyến hàng không, du lịch quốc tế khi trả lời một cách thuyết phục các câu hỏi như bao giờ mở, mở với những nước nào, mở như thế nào, các nước liên quan có trách nhiệm gì?

Đặc biệt, trước khi mở cửa với một thị trường cụ thể, cần chắc chắn rằng, quốc gia đó đã đạt được những tiêu chí đáng tin cậy, an toàn cho người dân trong nước. Ngoài ra, nên xem xét chỉ bắt đầu đàm phán với các thị trường trọng yếu, với các nước có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn nhất. Những thỏa thuận đó sẽ được triển khai và có hiệu lực khi các tiêu chí an toàn dịch bệnh được đảm bảo cho việc kích hoạt các đường bay thương mại thường lệ. Các tiêu chí an toàn dịch bệnh sẽ được nới dần và cần thiết phải tiếp cận từng bước để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Trong giai đoạn trước mắt, phải hài lòng với việc duy trì các chuyến bay không thường lệ để tạo điều kiện và thực hiện một cách nhân văn việc nhập cảnh của các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, công dân Việt Nam, song không để nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn sàng, tốt nhất trong tương lai gần với các chiến dịch truyền thông quốc tế bài bản để xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới. Quá trình chuẩn bị đó cần được bắt đầu ngay từ bây giờ, với trách nhiệm cụ thể được giao cho các bộ. Nếu không, sẽ rất lúng túng khi mở lại thị trường và tất yếu, hàng không, du lịch Việt Nam sẽ chậm chân so với khu vực.

Làm tốt các nhiệm vụ đầy thách thức nói trên không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, mà còn vì các mục tiêu đối ngoại, nhất là với những đối tác quan trọng, những quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

 

NguồnBảo Như/ Báo Đầu tư
Bài cùng chuyên mục