Eximbank cần giải quyết thực trạng “sa sút nghiêm trọng” thay vì “tranh chấp” “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT?

Hiện nay, tất cả cổ đông của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đang vô cùng lo lắng về thực trạng hoạt động kinh doanh, tài chính Ngân hàng “sa sút nghiêm trọng”, nhưng Ban lãnh đạo vẫn “luẩn quẩn” trong những “tranh chấp quyền lực” vì “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT…?

Ngày 24/06/2020, hai thành viên HĐQT Eximbank là ông Lê Văn Quyết và ông Ngô Thanh Tùng triệu tập họp HĐQT để xem xét việc ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm và bầu Chủ tịch mới. Trước đó, nhiều cổ đông, trong đó có cổ đông nước ngoài SMBC và một số thành viên HĐQT tuyên bố không thừa nhận ông Cao Xuân Ninh là Chủ tịch HĐQT.

Vài năm trước và sau năm 2010, sau bốn Ngân hàng Quốc doanh lớn (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV), Eximbank luôn sánh ngang về mọi mặt (tổng tài sản, lợi nhuận…) với nhóm ngân hàng cổ phần mạnh nhất như ACB, Sacombank, Techcombank, thậm chí có những lĩnh vực Eximbank còn vượt trội hơn. Khi đó, xếp hạng 10 ngân hàng lớn nhất (kể cả ngân hàng quốc doanh) luôn có tên Eximbank, cổ phiếu Eximbank luôn thu hút các nhà đầu tư lâu dài cũng như “lướt sóng”. Không thể phủ nhận, Eximbank đã có một quá khứ đáng tự hào. Nhìn lại quá khứ này mới thấy được thực trạng “bết bát” hiện nay của Eximbank.

Hoạt động kinh doanh tài chính “sa sút nghiêm trọng”, xếp hạng “gần cuối”, cổ đông không cổ tức…

Tính đến hết tháng 03/2020, tổng tài sản của Eximbank là 157 ngàn tỷ, trong khi đó ngân hàng đứng thứ 10 là SHB có tổng tài sản là 369 ngàn tỷ (gấp hơn 2 lần so với Eximbank), những bạn bè mà Eximbank từng sánh vai trong quá khứ là ACB với tổng tài sản 387 ngàn tỷ, Techcombank 391 ngàn tỷ …

Chỉ nhìn tổng tài sản sẽ không thấy được hết tình trạng “sa sút nghiêm trọng” của Eximbank. Vốn chủ sở hữu của Eximbank hết năm 2018 đạt gần 15 ngàn tỷ đồng, là một trong những ngân hàng cổ phần có vốn lớn nhất trên thị trường. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế và các quỹ của Eximbank năm 2018 chỉ là 517 tỷ đồng, năm 2019 là 676 tỷ đồng, không đạt 5%/năm trên vốn chủ sở hữu.

Trong khi đó, trong năm 2019, các ngân hàng “đồng hạng” với Eximbank trong quá khứ là ACB đạt lợi nhuận 7.500 tỷ đồng, Techcombank và VBbank và MBBank đều đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này lên đến hàng chục phần trăm. Ngay cả những ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ hơn Eximbank cũng đạt lợi nhuận tốt hơn Eximbank nhiều lần như Seabank đạt 1.831 tỷ đồng, TPbank đạt 3.868 tỷ đồng, OCB đạt 3.232 tỷ đồng…

Eximbank đang trong tình trạng hoạt động kinh doanh tài chính “sa sút nghiêm trọng”, xếp hạng “gần cuối”, cổ đông không cổ tức…

Không chỉ cổ tức thấp, báo cáo của Eximbank năm 2018, 2019 thể hiện rõ: Do các trái phiếu đặc biệt của VAMC mà Eximbank đang nắm giữ được gia hạn đến 10 năm, thay vì 05 năm như thông thường, nên Eximbank không được chia cổ tức cho cổ đông. Điều này cũng thể hiện rằng việc nợ xấu tại Eximbank đã bán cho VAMC đã được giải quyết, xử lý không tốt. Trong khi rất nhiều ngân hàng cổ phần công bố đã mua lại hết các khoản nợ đã bán cho VAMC và xử lý hết trái phiếu VAMC, thì tại Eximbank con số này năm 2018 còn là 3.351 tỷ đồng, năm 2019 là 2.254 tỷ đồng. Trái phiếu được gia hạn 10 năm dẫn đến số tiền Eximbank phải trích lập dự phòng hàng năm sẽ ít đi, chỉ bằng một nửa nếu trái phiếu có thời hạn 05 năm. Điều này đồng nghĩa với việc: Nếu số trái phiếu này không được gia hạn, chỉ có thời hạn 05 năm, thì số tiền Eximank phải trích lập sẽ nhiều hơn và sẽ không có cả con số lãi ít ỏi như đã công bố, mà thậm chí có thể lỗ. Nói cách khác, số lợi nhuận khiêm tốn hiện nay Eximbank có được là do chính sách trích lập dự phòng với trái phiếu “đặc biệt”.

Không lãnh đạo chịu trách nhiệm khi hàng trăm tỷ bị thất thoát?

Trong thời gian qua, tại Eximbank liên tục xảy ra các vụ án liên quan đến tiền gửi của khách hàng, dẫn đến Eximbank phải bồi thường hàng trăm tỷ đồng. Tại TP.HCM, Eximbank đã phải trả cho khách hàng Chu Thị Bình hơn 360 tỷ đồng cả gốc và lãi. Tại Vinh, Eximbank cũng phải chi trả cho khách hàng hàng chục tỷ đồng. Vấn đề là hàng trăm tỷ đồng này Eximbank không biết sẽ thu hồi từ đâu. Trong vụ án Chu Thị Bình, thậm chí các nhân viên sai phạm cũng không phải bồi thường, không có lãnh đạo nào phải chịu trách nhiệm?

Không ai khác, chính HĐQT Eximbank phải chịu trách nhiệm cho thực trạng của Eximbank. Thời gian qua, HĐQT đã mất nhiều sức lực để xem ai là Chủ tịch hơn là tập trung cho các vấn đề cấp bách cần giải quyết của ngân hàng. Có quá nhiều dấu hiệu vi phạm trong hoạt động của chính HĐQT đã không được xử lý dứt điểm, triệt để.

Trong năm 2019, do vi phạm quy định của pháp luật và Điều lệ, không tôn trọng quyền của cổ đông nước ngoài SMBC, các thành viên HĐQT gồm Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Lê Minh Quốc, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Saitoh đã bị cơ quan Thanh tra xử phạt. Được biết, sắp tới cơ quan Thanh tra cũng sẽ có kết luận về Eximbank. Cổ đông nước ngoài SMBC cũng đang yêu cầu bãi nhiệm các thành viên HĐQT không được tín nhiệm.

Trích văn bản MBC yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh và cắt giảm quy mô HĐQT, bỏ phiếu “Không bãi nhiệm” hay “Bãi nhiệm” đối với từng thành viên HĐQT phải được quyết định tại một cuộc họp cổ đông và không thể được thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản

Điều các cổ đông của Eximbank hiện nay đang quan tâm không chỉ là ai sẽ làm Chủ tịch HĐQT đủ năng lực, tâm huyết, đạo đức để chèo lái con thuyền, mà họ yêu cầu xử lý kiên quyết các dấu hiệu sai phạm đang tồn tại ở Eximbank và tôn trọng, phát huy triệt để quyền và lợi ích của các cổ đông.

 

NguồnLiên Minh/ Báo điện tử Tầm Nhìn
Bài cùng chuyên mục