Từ top đầu các ngân hàng lớn, Eximbank đã “tụt dốc” không phanh ra sao?

Từ một ngân hàng xếp trong Top đầu của những ngân hàng lớn nhất Việt Nam nhưng đến nay, Eximbank đang có những kết quả kinh doanh “bết bát”.

Theo dự kiến đã công bố, sáng nay (30/6), Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) sẽ tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020. Tiếp đó, chiều cùng ngày, EIB sẽ họp cổ đông bất thường.

Trong những năm qua, ĐHĐCĐ Eximbank luôn luôn nóng và diễn ra rồi tạm hoãn, hoãn… rất nhiều lần. Ngay cả trước kỳ họp lần này đã “nóng” về việc tổ chức đại hội thường niên buổi sáng rồi buổi họp bất thường buổi chiều. Hay như, trước đại hội, vấn đề nhân sự HĐQT cũng đã có những xáo trộn nhất định khi ông Yasuhiro Saitoh, Phó Chủ tịch HĐQT đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank thay cho ông Cao Xuân Ninh.

Ông Yasuhiro Saitoh, tân Chủ tịch HĐQT của Eximbank từng được biết đến là người đại diện của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – đơn vị nắm giữ 15% cổ phần tại Eximbank.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2019, SMBC đã có thông báo gửi đến Eximbank về việc chấm dứt tất cả các mối quan hệ pháp lý giữa SMBC và ông Yasuhiro Saitoh kể từ ngày 18/5/2019.

Trước đây, Đại hội cổ đông Eximbank rất đông nhưng các cổ đông chia làm 2 nhóm tranh cãi lẫn nhau

SMBC khẳng định, kể từ ngày 18/5/2019, ông Yasuhiro Saitoh không phải là một viên chức, nhân viên, người được ủy quyền hay đại diện của SMBC với tư cách là thành viên HĐQT hoặc một chức vụ nào khác tại Eximbank.

“Để tránh hiểu nhầm, ông Yasuhiro Saitoh không phải là đại diện hoặc người được ủy nhiệm và không được trao quyền hành động thay mặt cho SMBC. Xuất phát từ bản chất mối quan hệ pháp lý giữa SMBC và ông Yasuhiro Saitoh, trong bất kỳ trường hợp nào, SMBC không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động nào của ông Yasuhiro Saitoh với tư cách là thành viên của HĐQT hay bất kỳ chức vụ nào mà ông Yasuhiro Saitoh nắm giữ tại Eximbank”, SMBC nêu rõ trong văn bản.

Đại hội của Eximbank cũng luôn “nóng” về tình hình kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong khi “ghế nóng” HĐQT “đấu đá” liên miên.

Trong vài năm gần đây, Eximbank luôn là ngân hàng có nhiều “bão tố” nhất trong ngành ngân hàng. Cuộc đấu giành lấy chiếc ghế Chủ tịch HĐQT càng nóng thì cũng là lúc tình hình kinh doanh, tài chính của ngân hàng cũng đáng báo động.

Nhiều cổ đông cho biết họ cảm thấy tiếc cho thương hiệu Eximbank mà họ rất kỳ vọng. Trước đây, Eximbank luôn là ngân hàng xếp vị trí Top đầu của cả nước. Nếu xét về tổng tài sản, lợi nhuận thì Eximbank luôn ngang hàng với các “ông lớn” quốc doanh như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank.

Còn so với các ngân hàng cổ phần mạnh nhất như Sacombank, Techcombank hay ACB thì Eximbank cũng là “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Eximbank luôn nằm trong Top 10 ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam dù có sự góp mặt của các ngân hàng quốc doanh.

Tuy nhiên, những điều kể trên chỉ là cái quá khứ vang dội mà Eximbank đã làm được.

Cổ đông chất vấn gay gắt tại các kỳ đại hội trước

Từ năm 2016 – 2019, tình hình kinh doanh của Eximbank luôn trong tình trạng “bết bát”. Điển hình như hai năm gần nhất là 2018 và 2019.

Vào năm 2018, tổng tài sản của Eximbank là hơn 152.000 tỷ đồng, vốn sở hữu gần 14.900 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là 660 tỷ đồng.

Năm 2019, tổng tài sản của Eximbank là hơn 167.000 tỷ đồng, vốn sở hữu hơn 15.700 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 866 tỷ đồng.

Trong khi đó, vào năm 2019, ngân hàng đứng thứ 10 trong Top như ngân hàng SHB đã có tổng tài sản lên tới 366.000 tỷ đồng gấp hơn 2 lần so với Eximbank. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 2.500 tỷ đồng.

Hay như những ngân hàng “đồng hạng” với Eximbank trong quá khứ như Sacombank hay ACB đều có tổng tài sản lần lượt là hơn 453.000 tỷ đồng (gấp gần 3 lần Eximbank), lãi sau thuế đạt 2.455 tỷ đồng và 383.000 tỷ đồng (gấp 2,5 lần Eximbank), lãi sau thuế chưa phân phối đạt hơn 5.000 tỷ đồng.

Ngay cả những ngân hàng có vốn sở hữu nhỏ như OCB (chỉ 120.000 tỷ đồng) cũng có lợi nhuận sau thuế gần 2.600 tỷ đồng.

Những con số nói trên có thể thấy, Eximbank đang thụt lùi rất xa so với những gì ngân hàng này đã từng làm được trong quá khứ.

Chưa dừng lại, những vụ “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản hay những vụ kiện cáo trị giá hàng chục tỷ đồng của khách hàng cũng liên tục đổ ập đến ngân hàng này.

Thay vì chung tay cùng nhau vực lại ngân hàng, hạn chế rủi ro cho khách thì các thành viên HĐQT của Eximbank vẫn loay hoay trong việc “ai sẽ là Chủ tịch HĐQT”. Việc tranh chấp chiếc ghế Chủ tịch HĐQT vẫn chưa có hồi kết bởi những mâu thuẫn không thể dung hòa.

Một số cổ đông của Eximbank cho biết, hiện nay, cổ đông không chỉ cần người có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết để ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT mà họ còn yêu cầu HĐQT phải xử lý kiên quyết các dấu hiệu vi phạm đã xảy ra tại Eximbank.

Cổ đông mong muốn HĐQT phải tôn trọng quyền, lợi ích của họ và cổ đông cũng sẽ kiên quyết đấu tranh nếu HĐQT chỉ là những người tranh ghế vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Năm 2019, Eximbank liên tục phải hoãn và dời đại hội cổ đông do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông. Ban đầu đại hội cổ đông dự kiến tổ chức cuối tháng 4/2019 nhưng bất thành. Sau đó, Eximbank ấn định đại hội vào tháng 5/2019 nhưng lại phải dời vì không chuẩn bị kịp.

Ngày 21/6/2019, Eximbank tổ chức đại hội cổ đông lần 2 nhưng lại nổ ra tranh chấp gay gắt quanh ghế chủ tọa dẫn đến việc chỉ chưa đầy 40% cổ đông bỏ phiếu đồng ý thông qua quy chế tiến hành đại hội. Eximbank buộc tuyên bố phải hoãn đại hội cổ đông một lần nữa.

Eximbank là ngân hàng liên tục thay đổi vị trí Chủ tịch HĐQT trong thời gian qua.

Cụ thể, ngày 22/3/2019, HĐQT Eximbank ban hành Nghị quyết 112/2019/EIB/NQ-HĐQT bầu bà Lương Thị Cẩm Tú (thành viên HĐQT) làm chủ tịch HĐQT và bãi nhiệm chức vụ của ông Lê Minh Quốc. Tức, sau ngày 22/3/2019, ông Quốc không còn là Chủ tịch HĐQT của Eximbank.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc đã khởi kiện các thành viên HĐQT khác, yêu cầu TAND TPHCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và TAND TPHCM đã ban hành Quyết định 92/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Quyết định này buộc các thành viên HĐQT còn lại phải tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết 112/2019/EIB/NQ-HĐQT cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC, Nhật Bản) hiện là cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)

Đến ngày 14/5/2019, TAND TPHCM cũng đã ra Quyết định 159/2019/QĐ-HBBPKCTT hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Quyết định 92 ban hành trước đó. Quyết định 159/2019/QĐ-HBBPKCTT của TAND TPHCM có hiệu lực ngay trong buổi chiều 14/5/2019.

Như vậy, sau khi hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời nói trên thì bà Lương Thị Cẩm Tú vẫn tiếp tục là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Eximbank theo Nghị quyết 112/2019/EIB/NQ-HĐQT.

Tuy nhiên, ngay sau đó, vào ngày 15/5/2019, ông Lê Minh Quốc vẫn tiếp tục là người ký Nghị quyết 231/2019/EIB/NQ-HĐQT chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 112/2019/EIB/NQ-HĐQT bầu bà Tú làm chủ tịch HĐQT. Ông Quốc ký nghị quyết trong tư cách là Chủ tịch HĐQT khiến nhiều người khó hiểu.

Nghị quyết 231/2019/EIB/NQ-HĐQT cũng chính là nghị quyết gây tranh cãi lớn nhất giữa các thành viên HĐQT của Eximbank.

Tiếp sau đó, ông Lê Minh Quốc vẫn chủ trì mời các thành viên HĐQT đến các cuộc họp trong tư cách Chủ tịch HĐQT và cùng một số thành viên thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Trong đó có Nghị Quyết 237/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 22/5/2019 chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Quốc theo đơn từ nhiệm ngày 14/5/2019 và Nghị quyết 238/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 22/5/2019 bầu ông Cao Xuân Ninh làm Chủ tịch HĐQT Eximbank thay ông Lê Minh Quốc.

Đến ngày 26/6/2019, ông Cao Xuân Ninh cũng đề nghị HĐQT chấp thuận cho từ chức Chủ tịch HĐQT để Eximbank tìm kiếm một chủ tịch mới phù hợp hơn và được toàn bộ thành viên HĐQT thông qua. Lý do từ chức của ông Ninh là vì những mâu thuẫn kéo dài của các nhóm cổ đông và cổ đông Eximbank vẫn chưa thể dung hòa.

Tuy nhiên, ông Cao Xuân Ninh vẫn tiếp tục là Chủ tịch HĐQT Eximbank đến ngày 25/6/2020 và vừa được bãi nhiệm.

 

Nguồn Đại Việt – Quế Sơn/ Dân trí
Bài cùng chuyên mục