Thị trường hàng không Việt Nam: Bamboo Airways là kẻ liều lĩnh hay đối thủ không thể xem nhẹ?

Mức độ cạnh tranh trong ngành vận tải hàng không Việt Nam thấp hơn mức trung bình thế giới. Số lượng các hãng hàng không cạnh tranh trực tiếp trong ngành vận tải tại thị trường Việt Nam thấp hơn so với các quốc giá khác, theo báo cáo mới đây của MBS.

Ngành hàng không có dấu hiệu giảm tốc

Báo cáo ngành vận tải hàng không của MBS đánh giá trong ngắn hạn, tăng trưởng của ngành sẽ giảm tốc. Nguyên nhân được đưa ra gồm: thị trường nội địa chững lại và du lịch Việt Nam có dấu hiệu kém thu hút khách Trung Quốc.

MBS cũng chỉ rõ một số rủi ro chính của ngành trong thời gian tới. Cụ thể như rủi ro giá nhiên liệu bay, bất ổn chính trị, xã hội tác động lên an toàn cùng tâm lý hành khác, tác động của tỷ giá…

Mức độ cạnh tranh trong ngành vận tải hàng không Việt Nam cũng được đánh giá là thấp hơn mức trung bình thế giới. Số lượng các hãng hàng không cạnh tranh trực tiếp trong ngành vận tải tại thị trường Việt Nam thấp hơn so với các quốc giá khác.

Cạnh tranh thực tế chỉ diễn ra giữa hai đơn vị là TCty Hàng không Việt Nam (HVN) và Vietjet Air. Trong khi đó, trong khu vực Đông Nam Á, các nước thường có tới trên 4 đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Sự cạnh tranh trong khu vực còn thể hiện qua xu hướng mua bán, sáp nhập… Tuy nhiên, việc chỉ có 2 đối thủ trong 1 thị trường phát triển nhanh như Việt Nam được xem là lợi thế cho hàng không nội địa phát triển.

MBS chỉ ra hàng không Việt Nam có rào cản gia nhập ngành tương đối cao, đặc biệt với các hãng hàng không ngoại.

“Chúng tôi nhận định Chính phủ Việt Nam có thể sẽ từ chối những yêu cầu thành lập hãng hàng không mới trong tương lai bởi HVN hiện gặp khó khăn với việc thị phần vận tải hành khách liên tục sụt giảm trước áp lực từ VietjetAir”, MBS cho biết.

Bởi sự xuất hiện của một thương hiệu hàng không quốc tế ví dụ như Air Asia sẽ gây thêm khó khăn hơn nữa cho Vietnam Airlines, đặc biệt khi lợi thế của Vietnam Airlines nằm ở thị trường hành khách quốc tế.

Khi Bamboo Airways “tham chiến”

Năm 2018, Bamboo Airways xuất hiện và thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên sau đó 1 năm. Sự xuất hiện của Bamboo góp phần mở rộng thị trường hàng không đặc biệt là thị trường ngách chủ yếu kết nối tới các địa điểm nghỉ dưỡng của tập đoàn FLC như Thanh Hóa, Quy Nhơn, Quảng Ninh và Quảng Bình.

MBS cho biết những đường bay này có tần suất bay còn thấp, thậm chí Vietnam Airlines thường xuyên chịu lỗ. Do đó, Vietnam Airlines và Vietjet đều sẵn sàng nhường miếng bánh thị phần này cho Bamboo để tập trung vào những đường bay chính có giá trị kinh tế cao hơn khi mà họ đã có sẵn chỗ bay được cấp từ trước.

Bamboo Airways hiện vận hành 9 tàu bay, 24 đường bay và đặt hàng hàng loạt tàu bay mới cùng dự kiến mở đường bay quốc tế vào cuối năm 2019.

Hãng cũng đã được Cục Hàng không cấp phép vận hành 30 tàu bay cho đến năm 2023, thấp hơn đề xuất 40 tàu bay ban đầu. Tuy nhiên MBS cho rằng số lượng này cũng đủ để Bamboo Airways có được vị thế.  Vào những năm đầu, Bamboo Airways chủ yếu cạnh tranh với Vietjet trên thị trường nội địa bằng chiến lược vé giá rẻ.

MBS cho biết khi bắt đầu tiếp nhận tàu bay B787, hãng sẽ phải áp dụng mô hình hàng không đầy đủ, định hướng dịch vụ 5 sao, và khai thác trên tuyến TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội hoặc các tuyến quốc tế tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy, Bamboo Airways sẽ cạnh tranh trực tiếp với Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines.

Động lực tăng trưởng mới từ thị trường quốc tế

Theo MBS, sự phát triển của các hãng hàng không trong tương lai sẽ tập trung sang thị trường quốc tế khi thị trường nội địa tăng trưởng chậm lại, rào cản thị phần lớn.

Vietnam Airlines có lợi thế về chất lượng dịch vụ trên thị trường quốc tế. Là thành viên của liên minh hàng không SkyTeam, hãng có khả năng khai thác tập khách hàng của các thành viên trong liên minh thông qua hình thức bay liên danh, cho phép các hãng hàng không đối tác sử dụng các tuyến bay của nhau (chuyến bay thẳng) hoặc tham gia vào các chặng bay nối chuyến.

Thị trường quốc tế coi trọng hơn chất lượng dịch vụ trên các yếu tố khác do thời gian bay dài hạn, hành khách thuộc nhóm thu nhập trung bình – cao.

Giá vé hạng phổ thông của Vietnam Airlines so với giá vé các hãng hàng không nội địa và khu vực (giá vé hàng không giá rẻ có cộng hành lý ký gửi 20kg và suất ăn) ở mức tương đồng, do đó chất lượng dịch vụ sẽ là yếu tố tiên quyết tới lựa chọn của hành khách trên thị trường quốc tế.

Mặc dù vậy, MBS đánh giá Vietnam Airlines hưởng ít lợi hơn so với VietjetAir từ nhóm du khách quốc tế đến Việt Nam.

Vietnam Airlines tập trung khai thác tại 2 sân bay căn cứ Nội Bài và Tân Sơn Nhất, trong khi đó Vietjet Air xây dựng Cam Ranh và hướng tới Đà Nẵng là 2 sân bay căn cứ đối với thị trường quốc tế. Mặc dù Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 2 sân bay lớn nhất tuy nhiên gặp cản trở từ quá tải công suất nhà ga và công suất đường băng khiến tốc độ tăng trưởng chậm hơn toàn ngành cảng hàng không.

Trong khi đó, nhà ga quốc tế T2 Đà Nẵng mới đưa vào khai thác nửa cuối năm 2017, và nhà ga quốc tế T2 Cam Ranh được đưa vào khai thác từ nửa cuối năm 2018 còn nhiều dư địa về công suất. Bên cạnh đó, lợi thế về phát triển du lịch của Nha Trang và Đà Nẵng vượt trội hơn so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Mặt khác với thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu du khách quốc tế đến Việt Nam, VietjetAir có sự nắm bắt xu hướng tốt hơn. Hãng đã liên tục mở mới đường bay nhắm tới thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản thông qua các đường bay thẳng và chặng bay thuê chuyến tới các sân bay địa phương của Trung Quốc.

Hiện trong cơ cấu mạng lưới đường bay quốc tế đối với thị trường Đông Bắc Á, Vietnam Airlines dành 55,8%, con số của Vietjet Air là 78,0%.

Theo Hà Thu/ Trí thức trẻ

Bài cùng chuyên mục