“Hôn sự” HDTC – Việt Hân và cú bắt tay nghìn tỷ
HDTC được định giá lên đến 3.000 tỷ đồng, bị nhà đầu tư “chê” là quá cao. Sự chê ấy, lại đúng ý và giúp các chủ sở hữu của Công ty Việt Hân thâu tóm thành công HDTC - doanh nghiệp đang sở hữu hàng trăm ha đất tại TP.HCM.
Lợi lớn: Khu đô thị An Phú – An Khánh
Mới đây, UBND Quận 2 vừa ban hành quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) do có hành vi tổ chức thi công công trình dự án Laimian City (tên cũ là Raemian Galaxy City) không có giấy phép xây dựng.
UBND quận 2 yêu cầu HDTC phải dừng thi công xây dựng công trình dự án Laimian City, làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng chung cư CC04 (tại ngã giao đường Trần Lựu và đường Vành đai Tây, đường số 37), thuộc khu D, dự án khu đô thị An Phú – An Khánh (131ha), phường Bình An, quận 2, TP.HCM.
Sau này, HDTC có giải trình, rằng việc thiếu thủ tục cho dự án chỉ là “cách hiểu khác nhau về quy định giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý”. Doanh nghiệp này cũng khẳng định chưa từng xây căn hộ nào trên khu đất như các cáo buộc trước đó.
HDTC trước đây là Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – Resco. Năm 2016, Công ty CP thương mại – quảng cáo – xây dựng – địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) của ông Đinh Trường Chinh đã chi hơn 1.600 tỷ đồng để thâu tóm 70% cổ phần HDTC khi nhà nước bán vốn tại doanh nghiệp này.
Theo Quyết định số 5603/QĐ-UBND về việc xác định giá trị doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa của HDTC do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang ký ngày 3/11/2015, xác định giá trị thực tế của HDTC là hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần góp vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2.200 tỷ đồng.
Việc thâu tóm HDTC sau đó cho thấy nhà đầu tư chiến lược và người trúng đấu giá cổ phần số lượng lớn đều là người của Công ty Việt Hân, giá mua cổ phần không chênh lệch lớn với giá khởi điểm (10.000 đồng/cổ phần).
Theo đó, Công ty Việt Hân được UBND TP.HCM chấp thuận chọn làm nhà đầu tư chiến lược mua 34,79% cổ phần HDTC. Đấu giá công khai, công ty này mua thêm được 17,35% cổ phần, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 52,14%. Ngoài ra, qua đấu giá công khai cũng ghi nhận 2 cá nhân gồm bà Đinh Ngọc Châu Hương và bà Hà Thị Bích Hạnh đã mua cổ phần HDTC với tỷ lệ mỗi người chiếm 8,67%.
Lưu ý là, bà Đinh Ngọc Châu Hương lúc này giữ chức Tổng Giám đốc tại Công ty Việt Hân. Cá nhân còn lại cũng là người thân của chủ Công ty Việt Hân.
Như vậy, quyết định do ông Tất Thành Cang ký xác định giá trị thực tế hơn 3.000 tỷ đồng (đã giảm so với lần trước đó) được cho là lý do khiến không nhà đầu tư nào muốn “nhảy” vào HDTC là không chuẩn xác. Thực tế, quyết định này đã tạo điều kiện cho Công ty Việt Hân thâu tóm thành công HDTC.
Lưu ý rằng, hồ sơ cổ phần hóa liệt kê HDTC có nhiều tài sản, trong đó lớn nhất là 131 ha đất khu đô thị An Phú – An Khánh và nhiều bất động sản khác. Khu dự án Laimian City vừa bị UBND quận 2 xử phạt do thi công không phép cũng là một phần của khu đô thị An Phú – An Khánh.
Sau khi thâu tóm thành công, các lãnh đạo mới của HDTC lao vào cuộc chiến pháp lý xử lý các tranh chấp liên quan tới tài sản của pháp nhân cũ. Quan hệ của HDTC với nhiều cán bộ chức năng của địa phương, do thế, có phần không êm đẹp. Tuy nhiên, với việc UBND quận 2 xử phạt và yêu cầu doanh nghiệp này hoàn thiện thủ tục xây dựng cho dự án Laimian City, có thể thấy khi doanh nghiệp hoàn thành các yêu cầu này, thời gian công nhận thủ tục xây dựng của dự án này khó có thể kéo dài thêm. Nói cách khác, dường như HDTC được lợi nhiều hơn từ màn xử phạt của UBND quận 2.
Xong việc của Việt Hân
Sau khi thâu tóm thành công HDTC, từ tháng 4/2016 đến nay ông Đinh Trường Chinh (SN 1974) làm Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này. Trong năm 2017, Công ty Việt Hân đã không còn nắm giữ cổ phần tại HDTC. Thay vào đó là sự gia tăng tỷ lệ nắm giữ vốn tại HDTC của ông Đinh Trường Chinh và doanh nghiệp liên quan tới doanh nhân này.
Được biết, Công ty Việt Hân được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ 320 tỷ đồng, hiện tại điều chỉnh lên 1.600 tỷ đồng. Với lĩnh vực hoạt động chính là đầu tư, kinh doanh bất động ản, Việt Hân từng gây ấn tượng mạnh khi công bố hàng loạt dự án như Dream City, Castle Plaza, Skypark Long Điền…
Tuy nhiên, khi tham gia dự án quy mô tới 5.000 căn hộ chung cư mang tên Goldmark City (136 đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) cùng tập đoàn TNR Holdings (của vợ chồng doanh nhân Trần Anh Tuấn – Nguyễn Thị Nguyệt Hường), thế và lực của Việt Hân mới nâng lên tầm cao mới. Dù có sự tròng trành trong giai đoạn triển khai dự án Goldmark City, nhưng đây cũng chính là giai đoạn Việt Hân đã tham gia thâu tóm HDTC.
Theo đăng ký thay đổi lần thứ 19 ngày 23/2/2016, Việt Hân có vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng, trong đó ông Đinh Trường Chinh nắm giữ tới 49%, tương ứng 784 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Phát triển Hà Tây đăng ký góp 624 tỷ đồng, nắm giữ 39% cổ phần. Còn lại các cổ đông Bùi Quang Tuấn, Trần Đức Cường, Nguyễn Thành Nam, Trần Đạt mỗi cá nhân đăng ký góp 48 tỷ đồng, nắm giữ 3% cổ phần.
Từ ngày 07/10/2016 đến thời điểm hiện nay, ông Đinh Trường Chinh không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT của Việt Hân, thay vào đó là ông Bùi Quang Tuấn (SN 1980). Ông Tuấn cũng là người nắm giữ cổ phần chủ chốt tại nhiều doanh nghiệp khác có liên quan tới tập đoàn TNR và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) hiện do vợ chồng doanh nhân Trần Anh Tuấn – Nguyễn Thị Nguyệt Hường quản lý.
Nói cách khác, ông Đinh Trường Chinh đã không còn ảnh hưởng chi phối tại Công ty Việt Hân, sau khi đơn vị này hoàn thành sứ mệnh tham gia thâu tóm HDTC. Và HDTC hiện tại cũng không có quan hệ kinh tế với tập đoàn TNR, Maritime Bank, khi dư nợ của công ty chủ yếu phát sinh tại Sacombank Bắc Ninh.
Tại TP.HCM, đầu tư của chủ tập đoàn TNR cũng hướng tới một số dự án khác, không có bóng dáng của HDTC và các doanh nghiệp liên quan tới ông Đinh Trường Chinh.
Dòng vốn nào hỗ trợ HDTC thực hiện tham vọng tại khu đô thị An Phú – An Khánh sẽ được thể hiện trong một bài viết khác.
Theo khoahocdoisong.vn