Hàng loạt chuỗi cửa hàng tiếp tục đề nghị giảm giá thuê mặt bằng vì vắng khách

Hàng loạt chủ kinh doanh theo chuỗi trên toàn quốc như nhà thuốc, tiệm trà sữa, nhà hàng ăn uống, shop thời trang… vừa gửi thư đến các chủ cho thuê mặt bằng đề nghị tiếp tục giảm giá thuê mặt bằng 20- 50% cho đến hết tháng 9/2020. Một số chuỗi đề nghị hỗ trợ giảm tiền thuê mặt bằng đến hết năm 2020.

Hàng loạt chuỗi cửa hàng tiếp tục đề nghị giảm giá thuê mặt bằng vì vắng khách

Lý do chính được nêu trong các thư đề nghị giảm giá thuê mặt bằng này là việc kinh doanh ngày càng khó khăn, sức mua ngày càng giảm dưới ảnh hưởng Covid-19 toàn cầu. Một số đơn vị có kinh doanh sản phẩm ngoại nhập thì đưa thêm lý do khác là do nguồn hàng nhập có lúc bị gián đoạn, không đủ mặt hàng để bán nên doanh thu giảm mạnh, ví dụ như: các loại thuốc tây nhập Châu Âu, Mỹ, các mặt hàng mỹ phẩm, phụ kiện thời trang, thực phẩm nhập…

Các chủ chuỗi cũng nêu rõ, trong trường hợp không nhận được sự chia sẻ từ các chủ nhà cho thuê, công ty sẽ xem xét đến hiệu quả kinh doanh và có thể trả mặt bằng.

Ảnh minh họa

Theo khảo sát của Savills Việt Nam, các khách thuê tiềm năng đang tìm kiếm các ưu đãi giảm giá thuê lên tới 40% so với cuối năm trước ở mức tối đa 20%. Tuy vậy, đại dịch khiến nhiều khách thuê nhà phố phải tái cấu trúc kinh doanh. Rất nhiều chuỗi ăn uống và thời trang tại các vị trí đắc địa có kinh doanh giảm sút phải đóng cửa.

Nhằm hỗ trợ khách thuê bị ảnh hưởng trong thời gian giãn cách xã hội, hầu hết các chủ mặt bằng đã giảm giá thuê đến 30% vào tháng 4 và 5/2020. Cũng theo dự báo của đơn vị này, với tình hình như hiện nay có thể giá thuê nhà phố, mặt bằng bán lẻ sẽ có xu hướng giảm xuống.

Báo cáo mới công bố của Jones Lang LaSalle (JLL) cho rằng Covid-19 đang khiến chủ mặt bằng mất dần thế thượng phong khi khách thuê thông qua thỏa thuận giảm giá, đàm phán hình thức chi trả đa dạng hơn trước, thậm chí yêu cầu trả chậm.

Kết quả khảo sát của JLL tại nhiều trung tâm mua sắm trên toàn cầu chỉ thu được 20-40% trên tổng tiền thuê kể từ khi lệnh đóng cửa có hiệu lực. Điều này dẫn đến kịch bản xấu là một số trung tâm mua sắm đang mất khả năng thanh toán nợ và có khả năng vi phạm các giao ước cho vay.

Tại các nước phát triển, việc thương thảo đang hướng đến những giải pháp quy định mức giá thuê dựa trên tổng doanh thu của nhà bán lẻ, đây cũng là hình thức phổ biến tại Australia và Anh. Premier Retail, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất ở Australia, thông báo 1.200 cửa hàng trong hệ thống của họ sẽ không tiếp tục trả tiền thuê cố định mà thay bằng tỷ lệ phần trăm của tổng doanh thu.

Tại Việt Nam, mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các hoạt động kinh kinh tế đã dần trở lại bình thường nhưng nhiều nhà kinh doanh vẫn đua nhau trả mặt bằng vì buôn bán không còn thuận lợi như trước.

Các chuyên gia dự báo phân khúc bán lẻ không thể hồi phục ngay lập tức và phải phụ thuộc vào nhiều ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch. Tình trạng khó khăn được cho là sẽ kéo dài đến hết năm 2020 khi áp lực tài chính vào giai đoạn này sẽ gay gắt hơn do các khoản quyết toán với ngân hàng. Điều này khiến việc cho thuê mặt bằng khó khăn hơn, làn sóng rao bán nhà phố sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Số liệu thống kê của Cục Thuế TP.HCM mới công bố cho thấy trong 6 tháng đầu năm, có đến 18.743 doanh nghiệp ngừng hoạt động, bao gồm 3.491 doanh nghiệp giải thể, 7.193 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và 3.397 trường hợp doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh…, trong đó tập trung nhiều nhất ở quận 1 và quận Tân Bình.

Đây chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân (chiếm đến 98,15%), trong đó số doanh nghiệp đã hoạt động từ 3 đến 9 năm chiếm đến hơn một nửa. Xét về ngành nghề, những doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ bị “khai tử” nhiều nhất, chiếm đến hơn 38%, tiếp đến là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

 

Nguồn Bích Thủy/ vietnamfinance.vn
Bài cùng chuyên mục