Đại hội cổ đông Eximbank lại bất thành do không đủ điều kiện tiến hành
Sáng 29/7/2020, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2020 lần thứ 2 theo quy định tại Trung tâm Hội nghị White Palace, 194 Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Tuy nhiên, theo thông báo của Ban thẩm tra tư cách cổ đông, tính đến 9 giờ 37 phút ngày 29/7/2020, số cổ đông tham dự là 142 cổ đông, đại diện cho 523.311.417 cổ phần, chiếm tỷ lệ 42,57% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Căn cứ quy định tại luật Doanh nghiệp và Điều lệ Eximbank, ông Trần Ngọc Dũng –Trưởng Ban thẩm tra tư cách cổ đông đã tuyên bố đại hội không đủ điều kiện tiến hành.
Như vậy, ĐHĐCĐ thường niên Eximbank năm 2020 sẽ tiếp tục được triệu tập lần thứ 3 theo quy định của luật Doanh nghiệp và Điều lệ Eximbank. Hội đồng Quản trị Eximbank cho biết sẽ thông báo thời gian và địa điểm cụ thể theo trình tự thủ tục triệu tập được pháp luật quy định.
Được biết ngay trước thềm ĐHĐCĐ năm 2020 lần thứ 2, ông Hoàng Đôn Hùng, người đại diện theo ủy quyền của một cổ đông Eximbank đã có đơn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Nội dung tố cáo về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Eximbank trong việc triệu tập họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 và công bố thông tin.
Cụ thể, trong thông báo mời họp ĐHĐCĐ thường niên lần 2 diễn ra vào ngày 29/7, Eximbank yêu cầu cổ đông phải xuất trình bản chính thông báo mời họp, nếu không, việc đăng ký tham dự sẽ do Ban kiểm tra tư cách cổ đông xem xét.
Cùng với đó, trường hợp cổ đông ủy quyền thì người được ủy quyền cũng phải xuất trình được bản chính thông báo mời họp và giấy ủy quyền có dấu mộc đỏ của Eximbank.
Trong đơn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban chứng khoán Nhà nước, ông Hoàng Đôn Hùng khẳng định các yêu cầu này của Eximbank là trái pháp luật, Điều lệ ngân hàng, ngăn cản việc dự họp – quyền và lợi ích căn bản nhất của cổ đông.
Thông báo mời họp ĐHĐCĐ cho cổ đông là nghĩa vụ của Eximbank và tham dự họp là quyền của cổ đông. Khi thực hiện quyền này cổ đông chỉ cần chứng minh có quyền dự họp, cụ thể là có tên trong danh sách chốt cổ đông có quyền dự họp.
Vì vậy, trong đơn, của ông Hùng dẫn chiếu Điều 34 Điều lệ Eximbank. Căn cứ theo Khoản 5 Điều 113 Luật Doanh nghiệp và Khoản 1 Điều 4 Nghị định 71/2017, người tố cáo cũng cho rằng, việc Eximbank quy định Ban thẩm tra tư cách cổ đông xem xét giải quyết trong trường hợp cổ đông không mang bản chính thông báo mời họp, nhưng xuất trình được giấy tờ tuỳ thân hợp pháp là sai luật rõ ràng và tạo ra bất bình đẳng, không công bằng giữa các cổ đông.
Việc cổ đông phải sử dụng mẫu giấy uỷ quyền có dấu mộc đỏ của Eximbank (gửi kèm thông báo mời họp) cũng được ông Hùng tố cáo là trái pháp luật, ngăn cản quyền của cổ đông, căn cứ theo Khoản 1 Điều 140 Luật Doanh nghiệp và Điều 31 Điều lệ Eximbank.
Trước đó, sáng30/6/2020, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên lần 1 của Eximbank không thể tiến hành. Số cổ đông tham dự quá thấp, chỉ với 133 cổ đông, đại diện cho 215.598.236 cổ phần, chiếm tỷ lệ 17,54% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Căn cứ quy định tại Luật Doanh nghiệp và điều lệ Eximbank, ông Trần Ngọc Dũng – Trưởng ban thẩm tra tư cách cổ đông, đã tuyên bố đại hội không đủ điều kiện tiến hành.
Trong chiều 30/6, cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường cũng không thể tiến hành với lý do tương tự, khi tỷ lệ tham dự chỉ đạt 51,92%, không đủ điều kiện (trên 65%). Cuộc họp này được tổ chức theo đề nghị của hai nhóm cổ đông của Eximbank gồm cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation nắm 15% vốn tại Eximbank và nhóm cổ đông Ngô Thị Thúy (nắm giữ 10,36% cổ phần phổ thông của Eximbank (vào thời điểm tháng 9/2019).
Trong năm 2019, các cuộc họp cổ đông của Eximbank cũng không thể thành công do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông. Kéo theo đó, “ghế nóng” chủ tịch HĐQT của Eximbank cũng liên tục đổi chủ, có tới 4 người lên nắm giữ vị trí này trong hơn 1 năm qua và mỗi lần thay đổi đều vấp phải nhiều tranh cãi.