Trà thảo mộc ngừa Covid-19: Quảng cáo thổi phồng sự thật đầy nguy hiểm

Cuối tuần qua, mạng xã hội dậy sóng trước thông tin Trà Thảo Mộc Dr.Thanh, sản phẩm của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, có tác dụng ngăn ngừa, thậm chí là điều trị Covid-19. Trong khi, Việt Nam và cả thế giới còn đang vất vả để phòng chống dịch. Vậy sự thật thế nào?

Những hình ảnh quảng cáo trà thảo mộc Dr.Thanh có tác dụng trong việc phòng ngừa Covid-19

Uống trà thảo mộc chữa Covid-19?

Ngày 16/8, bạn đọc L.N.L. ngụ TP.HCM, gửi cho Ngày Nay một số thông tin về việc: xuất hiện những nội dung quảng cáo sản phẩm trà thảo mộc Dr.Thanh chữa trị, ngăn ngừa Covid-19. Theo đó, anh L.N.L. cho biết, mạng xã hội đăng tải đoạn thông tin được cho là của TS Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam khẳng định : “Sử dụng thức uống thảo mộc, hoặc các bài thuốc từ dược liệu hỗ trợ điều trị Covid-19 rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Những dược liệu này có tác dụng thanh phế, bài độc, tiêu viêm nhiễm, tăng cường miễn dịch”.

“Đối với những người đã từng nhiễm Covid-19, sau khi khỏi bệnh thường biến chứng phổi. Việc sử dụng y học cổ truyền trong việc phục hồi sức khỏe, tăng cường chức năng cho phổi, phòng chống tái phát bệnh là rất quan trọng. Y học cổ truyền có rất nhiều bài thuốc sử dụng rất tốt trong giai đoạn này”, TS Lương y Phùng Tuấn Giang chia sẻ thêm.

Những hình ảnh quảng cáo với nội dung trà thanh nhiệt có chứa thành phần của bài thuốc phòng chống Covid-19 đang lan tràn khắp mạng xã hội. 

Đáng lưu ý hơn, mạng xã hội còn lan truyền khuyến nghị của một chuyên gia y học cổ truyền khác, rằng: “Sử dụng Thức uống thảo mộc, hoặc các bài thuốc từ dược liệu hỗ trợ điều trị Covid-19 rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Những dược liệu này có tác dụng thanh phế, bài độc, tiêu viêm nhiễm, tăng cường miễn dịch. Ví dụ như bài thuốc “thanh phế bài độc phù chính thang”. Y học cổ truyền coi trọng công tác phòng bệnh nên việc tăng cường kháng thể tự nhiên, tăng cường vi khuẩn có lợi là việc rất quan trọng, sử dụng cho trường hợp phòng bệnh, những người nghi nhiễm và cách ly, những người già yếu mắc các bệnh mãn tính”.

Trong bài viết, người ta còn đề cập tới 9 loại thảo mộc dân gian quý: Kim Ngân Hoa, Cúc Hoa, La Hán Quả, Đản Hoa, Hạ Khô Thảo, Tiên Thảo, Bông Lai, Hoa Mộc Miên, Cam Thảo. và 9 loại thảo mộc này có trong một loại trà. Vì vậy, bài viết đưa ra ý kiến của chuyên gia là:

“Thực ra, có rất nhiều trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, các bạn không nên tự mua 9 loại riêng lẻ từ các nơi khác nhau mà không có kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng, quy trình sắc thuốc không đảm bảo, làm giảm chất lượng của bài thuốc. Chúng tôi khuyên nên mua trà thảo mộc Dr.Thanh đã được kiểm định chất lượng từng khâu chặt chẽ quy trình chiết xuất hiện đại, mang lại hiệu quả mong muốn”.

Một lời kêu gọi khiến dân mạng có thể hiểu rằng, nên mua các sản phẩm có trong hình ảnh để “chống đại dịch Covid-19”. Ảnh: MXH

Anh L.N.L. cho biết: “Những thông tin trên được cho rằng trích từ buổi toạ đàm “Vận dụng Y học cổ truyền trong phòng, chống bệnh do virus” diễn ra tại Hà Nội ngày 30/3 với sự tham dự của một số tên tuổi, chức sắc trong ngành Y học cổ truyền như: PGS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam; TS Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam; PGS.TS Hồ Bá Do, Phó Chủ tịch Hội Y học Cổ truyền Việt Nam. Bên cạnh đó, các chuyên gia đã cùng nhau làm rõ hơn công văn 1306/BYT-YDCT của Bộ Y tế về việc Tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp Y học cổ truyền”.

Anh L.N.L phản biện, có hay không việc các chuyên gia “chém gió”?. Bởi hồi tháng 3/2020, tức thời điểm Việt Nam mới ghi nhận số ca mắc khoảng trên dưới 100 người, có ai từng sử dụng thức uống thảo mộc nêu trên không? Nếu các chuyên gia thực sự phát biểu như trên, thì bài thuốc nghiên cứu hồi tháng 3/2020 là bài thuốc nào? Hiệu quả ra sao? Đối tượng hay bệnh nhân nào tham gia nghiên cứu? Do ai nghiên cứu và đánh giá hiệu quả?

Thổi phồng sự thật

Do các lương y lo ngại có sự bất đồng quan điểm với đồng nghiệp, chúng tôi xin phép đổi tên các lương y đã nêu ý kiến trong bài viết. Lương y Nguyễn H. H., Giảng viên Trường ĐH Y Dược tại TP.HCM bất bình cho biết: “Làm nghề bao nhiêu năm nay, tôi tin là thảo dược có những hiệu quả nhất định trong việc điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, làm gì cũng phải dựa vào khoa học, chứng minh bằng thực tế. Đến nay, đã hơn 7 tháng trôi qua, cả thế giới còn đang lao đao vì dịch Covid -19 hoành hành. Chưa ai tìm ra thuốc đặc trị, cũng như tìm ra vacxin phòng ngừa hiệu quả đối với Covid-19. Mà từ tháng 3/2020, người ta tổ chức toạ đàm nói trà thảo dược có thể chữa trị, phòng ngừa Covid-19 thì quả là “coi trời bằng vung”. Chưa kể, nói về virus là không thể xem thường vì nó thường xuyên biến đổi.

Theo Lương y Trần C. N. thuộc Hội dược liệu TP.HCM: “Dược liệu hỗ trợ điều trị Covid-19 mà người ta nói tới trong bài báo là dược liệu gì? Hàm lượng ra sao? Đến nay, trên thế giới, cả Đông và Tây y còn đang chưa có thuốc trị đặc hiệu với Covid-19. Tức là chưa rõ hoạt chất nào có tác dụng điều trị hay ngăn ngừa với Covid-19, mà chỉ có thể nói là một số loại thảo mộc có thể có tác dụng nâng cao thể trạng, giúp cho cơ thể có thể kháng lại khi virus thâm nhập. Nói chung vậy thôi, nhưng chưa có nghiên cứu đánh giá hiệu quả thế nào với Covid-19.

Thực ra mà nói 9 loại thảo mộc trong loại trà nêu trên cũng khá phổ biến, thông dụng. Có thể mua dễ dàng ở các tiệm thuốc đông y. Nhưng thử tính, một chai nước mấy trăm ml, gần chục loại dược liệu… bào chế mà giá bán lẻ chỉ 10.000 đồng thì hàm lượng và chất lượng thế nào?”.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, Lương y Nguyễn H. H. cho rằng: “Đến nay, ngay cả Bộ Y tế Việt Nam vẫn khẳng định chưa có thuốc đặc trị Covid-19. Cũng chưa công bố bất kỳ dược liệu nào ngăn ngừa Covid-19 cả. Ngoài các biện pháp phòng ngừa như giữ gìn vệ sinh, tăng cường phòng chống virus như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, rửa tay… Việc ăn uống điều độ, đủ chất…. thì ngày thường cũng vậy chứ đâu phải khi có dịch mới cần? Do đó, mọi quảng cáo về thực phẩm chức năng liên quan đến Covid-19 đến nay đều chỉ là “thổi phồng sự thật”.

Uống trà thảo mộc mỗi ngày giúp kháng virus, phòng chống dịch Covid-19?. Ảnh: MXH

Việc một doanh nghiệp, cùng các “chuyên gia” tuỳ tiện công bố sản phẩm có tác dụng khi chưa được kiểm chứng không chỉ khiến người tiêu dùng có nguy cơ “tiền mất tật mang” mà còn có thể là một cái bẫy “an toàn ảo”, làm ảnh hưởng cả công tác phòng ngừa, điều trị khiến khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, ông Phong yêu cầu phóng viên gửi công văn sang Cục, và sẽ có câu trả lời sau. Đồng thời, chúng tôi cũng đã liên hệ với lãnh đạo Bộ Y tế, để tiếp tục tìm hiểu thông tin vụ việc.

Liên hệ với Đại diện Truyền thông Tập đoàn Tân Hiệp Phát, vị này cho biết, đã nắm thông tin vụ việc. Đồng thời, vị này yêu cầu phóng viên gửi Giấy giới thiệu cùng các câu hỏi liên quan qua thư điện tử. Đại diện Truyền thông Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết thêm, sẽ trình vấn đề cho lãnh đạo tập đoàn, trao đổi với các phòng ban và có câu trả lời sớm nhất.

Ngày Nay sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc.

Con ruồi năm cũ

Ngày 3/12/2014, một người đàn ông là chủ quán ăn ở Tiền Giang lấy chai Number One loại nhựa 350ml là sản phẩm của Tân Hiệp Phát định bán cho khách hàng thì phát hiện có ruồi bên trong. Hai ngày sau, người này gọi điện cho Công ty Tân Hiệp Phát, buộc công ty giao tiền cho mình 1 tỷ đồng để đổi lấy chai nước có con ruồi và sự im lặng.

Ban Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát đã phân công nhân viên đến gặp người này 3 lần để kiểm tra thông tin và giải quyết. Sau đó, người này hạ mức tiền từ 1 tỷ đồng xuống 600 triệu rồi 500 triệu đồng. Ngày 27/1/2015, Công ty tiếp tục cử nhân viên xuống giải quyết và đồng ý giao 500 triệu đồng cho người này. Khi người đàn ông đem số tiền trên bỏ vào mô tô thì bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra vụ án về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Tòa 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên người này mức án 7 năm tù về hành vi nêu trên.

Tuy nhiên, con số 2.000 tỷ đồng thiệt hại liên quan tới vụ án “con ruồi giá 500 triệu đồng” được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là “cái giá” mà doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát phải trả cho những ứng xử chưa khôn khéo của mình.

Dr.Thanh – “Đại náo” mạng xã hội

Hàng loạt hot facebooker và người dùng mạng xã hội liên tục lên tiếng phản đối trước thông tin quảng cáo sai lệch về công dụng kháng virus, phòng chống Covid-19 của Trà thanh nhiệt Dr.Thanh, được đăng tải trên nhiều tờ báo khác nhau.

Facebooker BH lập luận: “…Chiến dịch quảng cáo lợi dụng dịch bệnh và nỗi hoảng sợ của cộng đồng đã kéo dài suốt từ cuối tháng 3 đến nay… Cho đến thời điểm này không có bất cứ sản phẩm dược phẩm, thực phẩm nào được chứng nhận là có công dụng phòng, chống virus Vũ Hán… Vì thế, quảng cáo sản phẩm có thể phòng, chống Covid-19 là hành vi quảng cáo gian dối, lừa gạt người tiêu dùng”.

Những quan điểm này nhận được sự đồng tình rất cao của dư luận khi có hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận phản đối Tân Hiệp Phát.

Nguồn Tiến Đạt - Ngọc Giàu - Anh Ngọc/ Ngày Nay
Bài cùng chuyên mục