Ngành thực phẩm, chăn nuôi ‘nếm trái ngọt’ trong mùa dịch
Trong khi dịch bệnh khiến hầu hết doanh nghiệp lao đao, gặp khó do người dân 'thắt lưng buộc bụng', thì một số doanh nghiệp lại ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp thực phẩm và chăn nuôi.
Ngành thực phẩm, đồ uống “lên ngôi”
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An (HoSE: TAC) ghi nhận doanh thu đạt 2.229 tỷ đồng, lãi sau thuế 68 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 28% và 42% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là kết quả đáng tự hào của TAC, khi nửa đầu năm nay dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, với đủ các khía cạnh.
Lý giải về sự thành công này, Tổng giám đốc TAC Hà Bình Sơn cho biết, ngay từ khi đại dịch bùng phát, công ty đã đẩy mạnh sản xuất, tập trung phát triển các thương hiệu cốt lõi và mở rộng ngành hàng. Điều này còn giúp giá trị cổ phiếu TAC tăng gần 50% từ đầu năm tới nay, hiện đang được giao dịch trong vùng 37.500 đồng/cổ phiếu.
Ở một diễn biến tương tự, Công ty Cổ phần Thực phẩm Đông lạnh KIDO – KIDO Foods (UPCoM: KDF) đạt mức doanh thu lũy kế 7 tháng là 832 tỷ đồng, đặc biệt lợi nhuận trước thuế đạt 188 tỷ đồng và hoàn thành 94% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm. Được biết, năm 2019, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này là gần 185 tỷ đồng.
Đại diện KDF cho biết, là một doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19, để thúc đẩy doanh số, công ty đã thực thi nhiều biện pháp để đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng, như chuyển dịch kênh phân phối, linh động mang sản phẩm về gần với người tiêu dùng, rút tủ từ kênh KA, các điểm du lịch, căng tin… để đặt về gần khu phố, đẩy mạnh doanh số từ kênh siêu thị nhỏ.
Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk, OTC: MCMI) cũng ghi nhận doanh thu nửa đầu năm tăng mạnh, lần lượt đạt 1.367 tỷ đồng và 106 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8%% và 41% so với cùng kỳ năm 2019. Được biết, năm 2020, Mộc Châu Milk đặt kế hoạch doanh thu là 2.905 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 157 tỷ đồng.
Sau nửa đầu năm hoạt động, Mộc Châu Milk đã hoàn thành 47% kế hoạch doanh thu và 67% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Ban lãnh đạo Mộc Châu Milk cho biết sự tăng trưởng trên chủ yếu do công ty đã áp dụng các biện pháp tái cơ cấu hệ thống bán hàng, đánh giá và thay đổi các chính sách với nhà phân phối, giá bán sản phẩm cũng như tối ưu hóa các chi phí bán hàng, quản lý.
Nếu như trong giai đoạn giãn cách xã hội, khi các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, thì Công ty Cổ phần Sài Gòn Food lại ghi nhận số lượng đơn hàng tăng đột biến. Cụ thể, đơn hàng thực phẩm đông lạnh của công ty đã tăng 40%, các mặt hàng bữa ăn tươi chế biến sẵn tăng 70 – 80% so với thời điểm trước khi dịch bùng phát. Thậm chí, dù là hàng đông lạnh, nhưng nhiều mặt hàng còn “cung không đủ cầu”.
Do người dân hạn chế tiếp xúc, đi lại trong mùa dịch nên doanh thu của Sài Gòn Food chủ yếu tới từ kênh bán hàng online. Sài Gòn Food cho biết, kênh bán hàng này đã tăng 24 lần so với thời điểm trước dịch.
Giá thịt lợn tăng cao, nhiều doanh nghiệp “hốt bạc”
Trong 6 tháng đầu năm 2020, theo Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước tính đàn lợn hiện còn khoảng 25 triệu con, tương đương 81% tổng đàn heo trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Sản lượng thịt lợn cũng giảm 8%, xuống còn 1,7 triệu tấn.
Nguồn cung giảm khiến giá lợn hơi cao và cán mốc trên 100.000 đồng/kg. Để kìm hãm đà tăng của giá bán trong nước, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh việc tái đàn, tăng cường nhập khẩu thịt lợn và cả lợn sống từ các nước, chủ yếu là Thái Lan… nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Với mức giá thịt lợn cao “chót vót” từ nửa đầu năm, những doanh nghiệp thuộc ngành chăn nuôi, chăn nuôi lợn ở Việt Nam đã có một mùa kinh doanh khấm khá.
Đầu tiên có thể kể đến Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, với quy mô áp đảo tại thị trường trong nước. Báo cáo 6 tháng đầu năm của C.P Group (công ty mẹ của C.P Việt Nam) cho thấy, doanh thu của C.P Việt Nam tăng mạnh mẽ, hơn 35%, lên mức 52,5 tỷ THB (tương ứng 39.000 tỷ đồng). Nguồn doanh thu này chủ yếu đạt được do giá thịt lợn tăng 84% kể từ đầu năm nay.
Một doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại miền Bắc là Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) cũng ghi nhận doanh thu nửa đầu năm 2020 tăng 40%, đạt mức gần 4.600 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi sau thuế đạt mức cao kỷ lục, hơn 750 tỷ đồng, gấp 27 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Đại diện DBC cho biết, khoản lãi sau thuế tăng mạnh là do ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi của công ty hồi phục, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, một số dự án mới như nhà máy dầu thực vật Dabaco, nhà máy thức ăn chăn nuôi Bình Phước… cũng ghi nhận hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất con giống, chăn nuôi và chế biến thực phẩm khác cũng có lợi nhuận cao đột biến, được hưởng lợi từ giá thịt lợn tăng cao.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) cũng là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn từ diễn biến giá thịt lợn, dù tham gia ngành chăn nuôi chưa thực sự lâu. Theo báo cáo tài chính quý II/2020, mảng nông nghiệp (chủ yếu là chăn nuôi) đem về cho tập đoàn này tới 387 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trước đó, trong quý I, mức lợi nhuận đem về lên tới 517 tỷ đồng.
Tổng cộng, lợi nhuận nửa đầu năm nay từ mảng này lên tới khoảng 900 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 120 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn cũng kịp đóng góp vào bức tranh kinh doanh tươi sắc của ngành chăn nuôi, chẳng hạn như Công ty Cổ phần chăn nuôi Mitraco (UPCoM: MLS) tăng trưởng doanh thu 80% lên mức 200 tỷ đồng, đảo chiều báo lãi sau thuế 56 tỷ đồng, từ con số âm 20 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.
Hay như Công ty Cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn (UPCoM: PSL) có lãi bán niên gần 50 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ năm trước.