Thương hiệu Việt “vang bóng một thời” giờ ra sao?
Cuộc đua "bán mình" cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã khiến nhiều thương hiệu Việt đình đám một thời lui vào dĩ vãng
Do Công ty Hóa phẩm P/S thuộc Sở Công nghiệp TP HCM phát triển từ năm 1975, kem đánh răng P/S có 20 năm dẫn đầu trên thị trường chăm sóc răng miệng Việt Nam.
Năm 1995, Tập đoàn đa quốc gia Unilever đàm phán để được nhượng quyền sở hữu thương hiệu với giá 5 triệu USD. Không lâu sau, P/S chính thức bị thâu tóm thành DN 100% vốn nước ngoài và lu mờ trên thị trường.
Kem đánh răng Dạ Lan của Công ty Hoá mỹ phẩm Sơn Hải do ông Trịnh Thành Nhơn phối hợp với kỹ sư Lưu Trung Nghĩa gây dựng và nổi như cồn vào đầu những năm 1990.
Năm 1995, Tập đoàn Colgate (Mỹ) mua thương hiệu với giá 3 triệu USD dưới hình thức liên doanh, trong khi định giá thương hiệu này trên 20 triệu USD và chỉ mất 3 tháng để “xóa sổ” cái tên Dạ Lan, thay bằng thương hiệu Colgatevẫn rất thân quen với người tiêu dùng hiện nay.
Chủ nhân hiện nay của Dạ Lan là Công ty CP Hóa mỹ phẩm Quốc tế ICC cũng do ông Trịnh Thành Nhơn thành lập. ICC đang nỗ lực để không bị tụt lại quá xa so với các doanh nghiệp cùng ngành thông qua đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát thị trường để hỗ trợ đội ngũ kinh doanh…
Đến nay, ông Trịnh Thành Nhơn vẫn còn ngậm ngùi khi nhớ lại thương vụ bán thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan cho nước ngoài nhiều năm trước. “Nếu như ngày đó tôi không bán kem đánh răng Dạ Lan thì có lẽ đến nay sự cạnh tranh trong thị trường này sẽ còn thú vị hơn” – ông từng nói với báo chí.
Cá mập Unilever âm thầm thâu tóm những thương hiệu bột giặt được lòng người tiêu dùng bình dân như Viso, Haso, lập nên các liên doanh Lever-Viso, Lever-Haso.
Hiện nay, tuy cùng là “con ruột” của Unilever Việt Nam nhưng Viso không thể nào vượt qua được Omo, Comfort trên thị trường. Chưa kể, các sản phẩm đình đám của P&G như Ariel, Tide, Downy cũng là những đối thủ mạnh của Viso.
Xà bông “Cô Ba” của ông chủ Trương Văn Bền (sau bán cho Công ty Bột giặt Phương Đông) rơi vào tay Tập đoàn P&G. Sau thời gian sống lay lắt, năm 2018, Công ty CP Đầu tư Thương mại An Dương Thảo Điền bất ngờ công bố kế hoạch tái ra mắt thương hiệu Cô Ba “một thời vang bóng”.
Sự trở lại của cục xà bông màu xanh lá in hình người phụ nữ búi tóc cao cùng ông chủ mới là một tập đoàn bất động sản khiến nhiều người không dám đặt hy vọng quá lớn. Nhưng đây vẫn được coi là sự trở lại có ý nghĩa tinh thần đối với một bộ phận người dân khi nó gợi nhớ đến slogan quảng cáo một thời được ông Trương Văn Bền lựa chọn để đánh vào lòng yêu nước, tự hào dân tộc: “Người Việt Nam nên xài xà bông của Việt Nam”.
Thực tế, sau gần 1 năm trôi qua kể từ khi An Dương Thảo Điền công bố đưa tên “xà bông Cô Ba” sống dậy, sản phẩm thuần Việt nức tiếng một thời vẫn chưa có thêm được bước tiến triển đáng kể nào. Thậm chí, doanh nghiệp này không dám rót thêm vốn cho xà bông Cô Ba bởi không còn nhiều nguồn lực cho thị trường tiêu dùng nhanh.
Tribeco trước khi bị Uni-President Việt Nam – công ty con của Uni-President Đài Loan – Trung Quốc thâu tóm, đã có lịch sử 20 năm hoạt động hiệu quả. Đây cũng là DN lên sàn chứng khoán khá sớm với mã cổ phiếu TRI và liên tục được đánh giá là cổ phiếu tốt.
Năm 2005, Tribeco bán 35% cổ phần cho “đại gia” bánh kẹo Kinh Đô và xây thêm 2 nhà máy lớn là Tribeco Bình Dương và Tribeco Miền Bắc.
Đầu năm 2007, bán thêm 15% cổ phần cho đối tác đến từ Đài Loan là Uni-President. Năm 2012, đối tác Đài Loan Uni-President kiểm soát toàn bộ thương hiệu nước giải khát này, biến Tribeco thành một thương hiệu không còn “thuần Việt”.
Sau khi bán lại 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International với với giá khoảng 370 triệu USD, Công ty CP Kinh Đô đổi tên thành Công ty CP tập đoàn KIDO.
Bibica bị tập đoàn Lotte tiến hành thâu tóm trong khoảng thời gian khá dài. Từ việc nắm giữ 30,15% vốn điều lệ của Bibica năm 2007, tới 2012, không cần sở hữu đến 49%, Lotte đã nắm giữ vị trí chủ chốt và quyền điều hành quan trọng nhất trong Bibica.
Hiện nay, PAN Group trở thành công ty mẹ của thương hiệu nổi tiếng với dây chuyền sản xuất bánh Choco Pie và nắm giữ tỉ lệ sở hữu trên 50%.
Thương hiệu Việt lâu đời với trên 200 sản phẩm, 120 nhà phân phối độc quyền, 115.000 điểm bán lẻ, sản phẩm có mặt tại 500 siêu thị lớn nhỏ, cửa hàng tiện lợi trên cả nước sẽ tiếp tục được PAN Group phát triển vững mạnh như chiến lược mà doanh nghiệp này công bố.
Thương hiệu phở đầu tiên được đưa vào máy lạnh một cách bài bản nổi tiếng một thời của thương nhân Lý Quý Trung được bán cho Công ty Việt Thái Quốc Tế vào tháng 11-2011 với giá 20 triệu USD sau 11 tháng đàm phán và cân nhắc. Sau đó, công ty này bán lại 50% cổ phần của Phở 24 cho thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng của Philippines Tập đoàn JolliBee.
Dù thời điểm ông Lý Quý Trung quyết định bán thương hiệu, nhiều ý kiến tiếc nuối và lo ngại cho tương lai của Phở 24 thì thực tế, chuỗi cửa hàng phở máy lạnh này vẫn phát triển rất mạnh mẽ trong nhiều năm sau. Hàng chục cửa hàng được khai trương thêm ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang…
Chủ mới của DN vốn do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là tập đoàn bia của Thái Lan – ThaiBev. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiBev – ông Charoen Sirivadhanabhakdi – năm 2018 đã dùng Công ty con Vietnam Beverage để mua 53,59% cổ phần của Sabeco, tương ứng gần 5 tỉ USD.
ThaiBev hiện đã đưa người vào HĐQT Sabeco, nắm giữ những vị trí chủ chốt tại doanh nghiệp bia có nhiều năm gắn liền với tâm thức người tiêu dùng Việt nói chung, TP HCM nói riêng.
ThaiBev từng đánh giá thương hiệu bia đến từ Việt Nam đủ mạnh để chinh phục cả thị trường Đông Dương và Myanmar trong kế hoạch của họ.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ ông chủ Thái ứng xử ra sao với thương hiệu Bia Sài Gòn giữa làn sóng hàng Thái đang và sẽ đổ bộ tràn ngập thị trường Việt Nam, dù cho trong điều khoản thỏa thuận, ThaiBev phải giữ cái tên Bia Sài Gòn.
Huda Huế ban đầu hợp tác với Tập đoàn Carlsberg dưới hình thức liên doanh, mỗi bên góp 50% vốn. Sau 2 thập niên, tới cuối năm 2011, Huda Huế đổi hoàn toàn “quốc tịch” sang Đan Mạch khi Carlsberg thâu tóm 100% vốn của thương hiệu bia này.
Hai tên tuổi lớn của thị trường bán lẻ là Big C Việt Nam và Nguyễn Kim đều rơi vào tay Central Group của gia tộc tỉ phú Chirathivat (Thái Lan). Big C Việt Nam “bán mình” với giá 1,14 tỉ USD; còn Nguyễn Kim bán 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy.
Những ngày gần đây, Big C vướng lùm xùm khi bất ngờ thông báo ngừng nhập hàng của 200 nhà cung cấp hàng may mặc trong nước. Sự bất bình của dư luận khiến cho nhà bán lẻ Thái Lan buộc phải xuống nước mở lại đơn hàng với các doanh nghiệp. Đây không phải lần đầu Big C dính sự cố với doanh nghiệp Việt Nam. Trước đây, nhà bán lẻ này cũng từng phải thỏa thuận lại mức chiết khấu phù hợp với doanh nghiệp thủy sản sau khi tăng chiết khấu lên quá cao so với mặt bằng chung.
Trong khi đó, Fivimart và Citimart về tay Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản và cuộc “hôn nhân” này cũng không thực sự thành công. Fivimart có 3 năm tài chính liên tiếp đều ghi nhận lỗ ròng, nợ phải trả ngang bằng với tổng tài sản của công ty ở mức hơn 800 tỉ đồng. Citimart cũng lỗ lũy kế lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Kết cục, Aeon chia tay Fivimart năm 2018 bởi “trong phương hướng, tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của hai công ty có sự khác nhau rõ ràng”. Với Citimart, nhà bán lẻ Nhật vẫn duy trì hợp tác dù triển vọng không mấy sáng sủa.
Theo Phương Nhung – A.Thanh (NLDO)