Du lịch TP.HCM khốn đốn với khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành đã tạm dừng hoạt động

Sở Du lịch TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch về hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, đến thời điểm này, đã có khoảng 90%-95% doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít doanh nghiệp còn hoạt động để xử lý công nợ với đối tác, khách hàng.

Du lịch TP.HCM gặp khó (ảnh minh họa)

Theo sở Du lịch TP.HCM, từ ngày 25/7, dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành vừa mới phục hồi. Dự báo trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại gấp bội so với giai đoạn trước đây.

Theo đánh giá sơ bộ từ phía các doanh nghiệp lữ hành, đa số khách hàng đã hủy các chương trình du lịch đến Đà Nẵng, các tuyến du lịch Miền Trung, Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt cho đến tháng 9/2020. Mỗi ngày các doanh nghiệp lữ hành chỉ phục vụ vài đoàn khách, chủ yếu di chuyển bằng đường bộ đến các địa phương không có người nhiễm Covid-19 và gần TP.HCM như Vũng Tàu, Phan Thiết và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, số lượng tour tổ chức chi bằng 3 – 5% số chuyến so với dự kiến ban đầu.

Các dịch vụ du lịch thực hiện từ 26/7 – 1/8/2020 đã được các doanh nghiệp lữ hành thanh toán 100% dịch vụ cho đối tác, nhưng hiện tại doanh nghiệp lữ hành phải hoàn trả 100% số tiền do khách hàng hủy các chương trình này. Trong khi đó, một số đơn vị cung ứng dịch vụ tại các địa phương không phải vùng dịch Covid-19 chưa hoàn cọc hoặc chuyển cọc đến thời điểm sau dịch cho các doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không cũng chỉ chuyển cọc đến thời điểm sau dịch. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp lữ hành gặp nhiều khó khăn trong việc xoay vòng vốn.

Theo thống kê của sở này, đến thời điểm 17/8/2020, khoảng 90% – 95% các doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít doanh nghiệp còn hoạt động để xử lý các công nợ với đối tác, khách hàng, nhân viên luân phiên chia ca làm việc trực tuyến tại nhà hoặc nghỉ không hưởng lương đến khi hết dịch Covid-19 sẽ đi làm lại.

Đối với các cơ sở lưu trú, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, hàng loạt đơn đặt phòng trong tháng 7-8 ở khách sạn đa số bị hủy. Hầu hết hợp đồng hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng quy mô 30 khách trở lên cũng bị hủy. Điều này khiến kết quả kinh doanh và tình hình nhân sự của các khách sạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số khách sạn bắt đầu cắt giảm nhân sự, chia ca làm việc 2-3 ngày trong tuần.

Công suất phòng ở các khách sạn hiện giảm 91,5% so với cùng kỳ; số lượng lao động giảm 61% từ nghỉ không lương hoặc ngừng việc…

Trong khi đó, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp trong ngành du lịch còn gặp nhiều khó khăn, do không có tài sản thế chấp nên họ rất khó tiếp cận các gói vay tín chấp của ngân hàng.

Trong khi du lịch được đánh giá là ngành rủi ro cao, không có khả năng trả nợ do không có nguồn thu, trong khi vẫn phải tốn chi phí hoạt động cao như thuê mặt bằng, trả lương nhân viên.

Hầu hết người lao động, doanh nghiệp lữ hành nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.

NguồnTrần Lê/ vietnamfinance.vn
Bài cùng chuyên mục