Xe buýt chạy trong hẻm: Khó khả thi
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng vừa trình Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề án “Phát triển dòng xe mini buýt để tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng TPHCM” giai đoạn 1.
Đề án đề xuất sử dụng xe buýt từ 12-16 chỗ ngồi chạy trong các tuyến hẻm có chiều rộng từ 3-6 mét để trung chuyển hành khách trong các khu vực mà xe buýt hạng lớn và hạng trung không vào được. Theo tôi, giải pháp kết nối giao thông công cộng này cần được xem xét đã đủ điều kiện để triển khai khả thi trong thực tế hay chưa.
Cần thấy thực trạng hiện nay ở TPHCM: các tuyến hẻm tương đối hẹp, nhiều chỗ bị thắt cổ chai và giao cắt với hàng loạt ngã ba, ngã tư, trục đường có mật độ lưu thông rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là vào khung giờ cao điểm.
Có thể hình dung khi xe buýt 12-16 chỗ chạy trong hẻm, chỉ cần có một chiếc ô tô phía đối diện lách qua cũng có khả năng gây kẹt xe, kéo theo ùn tắc ở những khu vực lân cận. Lúc này, xe buýt cũng khó chạy vào các tuyến hẻm khác.
Việc mở rộng, nâng cấp các tuyến hẻm cho xe buýt chạy cũng là chuyện không thực tế do việc này sẽ ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của không ít người dân, chi phí đền bù mặt bằng tốn kém, phải giải tỏa nhà cửa, vật kiến trúc, hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông, cấp thoát nước…
Về bài toán kinh tế, thu của hoạt động này cũng sẽ không đủ bù chi, hàng năm, ngân sách thành phố sẽ phải trợ giá, chưa kể số tiền ban đầu chi mua xe buýt ước tính 77,3 tỉ đồng. Về hiệu quả xã hội, tôi cho rằng cũng không giải quyết được nạn kẹt xe mà càng khó khuyến khích người dân đi bộ.
Các thành phố lớn ở những nước phát triển, người ta giải quyết kẹt xe bằng thu hút hành khách đi xe buýt kết hợp đi bộ trong vòng 2 ki lô mét. Vấn đề là xe buýt phải cho thấy được sự thuận lợi về thời gian, sự tiện nghi, an toàn và giá rẻ.
Ở TPHCM, để thu hút khách đi xe buýt, theo tôi, thay vì đầu tư xe buýt nhỏ chạy trong hẻm, nên chăng nhân rộng mô hình xe buýt chất lượng cao thay thế số xe buýt cũ đã xuống cấp; cố gắng nghiên cứu và triển khai những làn đường riêng cho xe buýt; làm đẹp đường phố, mở rộng không gian đi bộ cho hành khách trước khi lên và sau khi xuống xe buýt.
Đó là cách làm thiết thực khuyến khích người dân đi bộ, kết hợp các phương tiện công cộng (như xe buýt), cũng là cách hạn chế xe cá nhân trong nội thành, góp phần giảm kẹt xe.
Trần Văn Tường/Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn