Lãnh đạo Bình Thuận nói gì về “lùm xùm” 4 dự án bất động sản?

Thời gian gần đây, thông tin phản ánh nhiều chiều về một số dự án du lịch, bất động sản (BĐS) tại Bình Thuận. Để dư luận hiểu đúng bản chất, ngày 19/11, tỉnh Bình Thuận đã họp báo thông tin rộng rãi.

Các dự án được dư luận quan tâm và có nhiều thông tin trái chiều ở Bình Thuận là dự án khu du lịch cộng đồng biển Quê Hương, dự án trường mầm non Lê Quý Đôn, dự án lấn biển chỉnh trang đô thị phường Đức Long và dự án đấu giá đất của công ty Tân Việt Phát.

Tỉnh Bình Thuận họp báo để thông tin rõ về 4 dự án có nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua

Đối với Dự án du lịch cộng đồng biển Quê Hương có diện tích hơn 12,5ha tại xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) và xã Tiến Thành (TP Phan Thiết), ông Nguyễn Đức Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho hay, hơn 10ha tại xã Thuận Quý là đất thương mại dịch vụ, hình thức sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền đất 1 lần cho cả thời gian thuê.

Còn diện tích hơn 2ha tại xã Tiến Thành mục đích sử dụng là đất khu vui chơi, giải trí công cộng, chỉ triển khai các công trình phục vụ mục đích công cộng, không kinh doanh. Hình thức sử dụng đất là nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Trả lời vì sao dự án này không đấu giá, ông Hòa cho hay, Hàm Thuận Nam là địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, không phải đấu giá theo khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 và theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ.

Dự án du lịch cộng đồng biển Quê Hương ở huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết

Còn hơn 2ha ở Phan Thiết, UBND tỉnh buộc nhà đầu tư làm phần cộng đồng, đầu tư theo dự án đó, làm xong giao tài sản Nhà nước quản lý. Ông Hòa khẳng định, phần diện tích này người dân ra vào bình thường, là tài sản công Nhà nước, 2ha theo quy định không phải thuê đất, nhà đầu tư làm xong giao cho Nhà nước quản lý.

“Tóm lại dự án này không có gì phải đấu giá cả. Tuy nhiên không đấu giá có nghĩa là giao. Tôi thực hiện theo Luật đấu thầu, 4 nhà đầu tư tham gia theo tiêu chí Sở KH-ĐT để chấm điểm. Chỗ này đấu rất căng thẳng, sít sao nhau, cuối cùng Công ty CP giao nhận vận tải và Hóa chất VN trúng thầu theo Luật đấu thầu. Nếu UBND tỉnh không tổ chức đấu thầu cũng không sai, nếu 1 nhà đầu tư thì tỉnh giao luôn, nhưng có 4 nhà đầu tư thì phải đấu”, ông Hòa khẳng định.

Còn đất rừng tại dự án này, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho rằng, rừng này không nằm quy hoạch 3 loại rừng. Đây là rừng trồng chắn cát, chắn sóng, nhà đầu tư vào thực hiện đầy đủ các quy định về trồng rừng thay thế 7ha. Hai là tài sản trên đất cũng đấu giá, người trúng phải nộp thêm tiền, khi trúng nhà đầu tư được quyền khai thác 1 số cây để làm hạng mục công trình. Quy trình này đều đảm bảo luật lâm nghiệp và quy định khác.

Đối vớiDự án khu thương mại và dịch vụ và dân cư Tân Việt Phátcó 3 lô đất, diện tích 9,6ha, theo báo cáo của tỉnh Bình Thuận, dự án đã qua đấu giá 6 lần nhưng không có ai đấu. Vì khu đất này có nghĩa địa, hố sâu… nên không có ai tham gia đấu giá. Năm 2017, Công ty CP Tân Việt Phát xin chủ trương cho phép giao đất không thông qua hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật.

“Đây là khu đất thuộc trường hợp không có người tham gia đấu giá, vì vậy nó rơi vào Khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 là giao đất không qua đấu giá”, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Thuận thông tin.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Thuận thông tin với báo chí về tính pháp lý 4 dự án được dư luận quan tâm

Trao đổi về dự án này, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cho rằng, có cảm giác Nhà nước giao họ giá thấp, cái đó khách quan vì giá thị trường mình tính tại thời điểm đó.

Ví dụ giá 2020, sau khi Covid-19 êm, giá lên là bình thường. Nhớ những năm 2011 -2015 khủng hoảng kinh tế và lạm phát, những nhà đầu tư BĐS giảm giá 40-50%, sau khi trúng đấu giá thì đóng băng hết, nhà đầu tư không tiếp cận ngân hàng được, đóng băng tiền tệ, chứng khoán và BĐS.

Đối với dự án lấn biển, chỉnh trang đô thị tại phường Đức Long(TP Phan Thiết) của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải cũng đã qua nhiều bước xem xét có tổng diện tích hơn 1,2 triệu m2.

UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, gần 270.000m2 dự án hiện trạng chỉ là mặt nước ven biển, không có đất nên không đưa ra đấu giá; riêng phần diện tích gần 960.000m2 đất còn lại phải thực hiện thu hồi, bồi thường. “Không có đất sạch nên không đủ điều kiện để đấu giá đất theo Điều 119 Luật Đất đai năm 2013”, văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận nêu.

Đối vớiDự án trường mầm non Lê Quý Đôntại phường Phú Thủy (TP Phan Thiết), UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, căn cứ Điều 110, Điều 118 Luật Đất đai năm 2013, việc đầu tư dự án trường mầm non trên khu đất do nhà nước quản lý thuộc trường hợp ưu đãi đầu tư, được miễn tiền thuê đất có thời hạn, không phải qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, dự án trường mầm non Lê Quý Đôn là dự án xã hội hóa y tế, giáo dục, giám định tư pháp và văn hóa thể dục thể thao thuộc trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, dự án được miễn tiền sử dụng đất theo quy định Chính phủ.

Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận chia sẻ, các cơ quan thông tin, báo chí phản ánh trung thực khách quan, nếu không dư luận xã hội rất xôn xao, ảnh hưởng tình hình chung không tốt.

“Tôi mong báo chí khi thông tin về những dự án đầu tư trên địa bàn cần minh bạch, nêu cụ thể những dự án sai phạm ở chỗ nào chỉ luôn, chứ lâu nay nói không đấu giá là thất thoát; hay rừng như thế mà giao du lịch, thậm chí chặt rừng không đúng. Nếu có sai thì đề nghị các anh chị nói luôn là sai khoản mấy điều mấy, nghị định, thông tư nào”, ông Hòa đề nghị.

NguồnCông Minh/ Dân trí
Bài cùng chuyên mục