Chủ doanh nghiệp muốn “nhảy lầu” vì dự án nhà máy thịt sạch… “đắp chiếu”

Thành phố kêu gọi xây dựng nhà máy giết mổ để cung cấp thịt sạch cho người dân. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp dốc hết vốn liếng, tâm huyết thì “vướng” thủ tục đất đai dẫn đến nguy cơ phá sản.

Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ cho biết, 15 năm qua, lãnh đạo TP.HCM luôn kêu gọi xây dựng các nhà máy công nghiệp hiện đại. Thành phố cũng mong muốn có một dự án nhà máy giết mổ để cung cấp thịt heo sạch, giá cả phải chăng đến người dân thành phố. Tuy nhiên, do lợi nhuận thấp nên doanh nghiệp không “mặn mà” với dự án.

“Thấy được sự tâm huyết của lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ nên chúng tôi quyết định dồn hết tâm huyết để làm nhà máy giết mổ gia súc, giải quyết vấn đề thịt sạch cho người dân. 4 đời trong gia đình chúng tôi đã theo nghề này nên chúng tôi thấu hiểu được những “mảng tối” nào đã “vấy bẩn” ngành thịt heo. Chúng tôi quyết tâm dùng hết công sức, tiền của để làm nhà máy”, bà Thắm nói.

Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ. Ảnh: Nguyễn Quang

Dự án nhà máy giết mổ gia súc An Hạ tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi đã được UBND TP.HCM phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 7/2017 với công suất giết mổ 3.000 con/ngày. Tổng vốn đầu tư dự án là gần 237 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo bà Thắm, mọi khó khăn chính thức bắt đầu từ đây. Do dự án có tổng vốn đầu tư lớn nên Công ty An Hạ có nhu cầu vay vốn ngân hàng để có thêm nguồn tiền triển khai dự án. Phía ngân hàng yêu cầu điều kiện về hình thức sử dụng đất là “thuê đất trả tiền một lần”.

Tháng 5/2018 Sở Tài Nguyên và Môi trường có công văn trình UBND TP.HCM cho phép Công ty An Hạ được sử dụng hơn 3ha đất tại xã Tân Phú Trung để xây dựng nhà máy với hình thức sử dụng đất là “thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm”. Việc này đã khiến doanh nghiệp không thể vay vốn của ngân hàng.

Trong khi đó, doanh nghiệp đã vay vốn từ bên ngoài và người thân để nhập về 6 dây chuyền giết mổ hiện đại với trị giá hơn 50 tỷ đồng, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, cơ sở hạ tầng để sẵn sàng cho nhà máy trong tương lai.

“Chúng tôi tự tin nhập máy móc, thiết bị, làm cơ sở hạ tầng trước là vì tại thời điểm công ty được cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho đến tận hôm nay thì Luật đất đai vẫn đang cho phép doanh nghiệp được lựa chọn hình thức thuê đất đóng tiền hàng năm hoặc đóng một lần cho cả thời gian thuê. Chính vì vậy, chúng tôi mới dốc hết tiền và tâm huyết làm dự án theo lời kêu gọi của lãnh đạo thành phố”, bà Thắm chia sẻ.

Khu đất rộng hơn 3ha để làm Dự án nhà máy giết mổ gia súc An Hạ vẫn “bất động”. Ảnh: Nguyễn Quang

Theo bà Thắm, mỗi tháng, doanh nghiệp bà vẫn đang “gồng gánh” khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi vay do dự án không được triển khai. Số tiền doanh nghiệp đã đầu tư và trả lãi vay trong 4 năm qua là hơn 100 tỷ đồng.

“Tôi cảm thấy vô cùng đau đớn bởi sự cống hiến của chúng tôi không được đền đáp. Các cơ quan chức năng đã vận dụng những điều mà Luật đất đai không bắt buộc để áp đặt lên doanh nghiệp đã sức cùng lực kiệt”.

“Chúng tôi đã hết sức chịu đựng và có thể sẽ phải phá sản. Tôi từng nghĩ đến việc nhảy lầu bởi sự vô cảm và thờ ơ của các cơ quan chức năng. Chúng tôi chỉ muốn làm đúng theo quy định pháp luật nhưng sao khó quá”, bà Thắm nghẹn ngào.

Bà Thắm từng nghĩ đến việc “nhảy lầu” do bế tắc. Ảnh: Nguyễn Quang

Ghi nhận của PV Dân trí, khu đất rộng 3ha dự kiến làm nhà máy giết mổ gia súc An Hạ vẫn đang “bất động”. 6 dây chuyền chế biến thịt heo vẫn nằm trong kho, màng nhện, bụi bẩn phủ thành từng lớp dày. Máy móc trên công trường cũng nằm yên ắng.

Ngày 14/9/2020, Sở TNMT có văn bản số 8185/STNMT-QLĐ trình UBND thành phố xem xét, quyết định cho Công ty An Hạ thuê đất, chuyển mục đích sử dụng hơn 3ha đất tại xã Tân Phú Trung để xây dựng nhà máy giết mổ. Tuy nhiên, theo bản dự thảo đính kèm theo văn bản 8185 thì tại điều 1 nêu “hình thức sử dụng đất: thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm”.

Ngay sau đó, Công ty An Hạ đã gửi văn bản đến UBND TP.HCM và Sở TNMT xin được điều chỉnh hình thức sử dụng đất là trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Tuy nhiên, ngày 14/10/2020, UBND TP.HCM vẫn có Quyết định số 3845/QĐ-UBND cho Công ty An Hạ thuê đất với hình thức sử dụng là “đóng tiền thuê đất hàng năm”.

“Quyết định này của thành phố khiến Công ty An Hạ không thể vay vốn ngân hàng và chính thức phá sản. Chúng tôi đã kiệt quệ và không thể gượng dậy nổi nữa rồi”, bà Thắm nói.

Sau đây là một số hình ảnh do PV Dân trí ghi nhận:

Máy móc nằm yên ắng trong dự án suốt thời gian dài. Ảnh: Nguyễn Quang
6 dây chuyền giết mổ heo nằm trong kho suốt thời gian dài. Ảnh: Nguyễn Quang
Máy móc, thiết bị đầy bụi. Công nhân phải thường xuyên lau dọn để bảo quản tài sản trị giá hơn 50 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Quang
Màng nhện vây kín dây chuyền giết mổ tiền tỷ. Ảnh: Nguyễn Quang
Doanh nghiệp “kiệt quệ” vì dốc hết vốn liếng, tâm huyết vào dự án nhưng chỉ nhận lại “trái đắng”. Ảnh: Nguyễn Quang
Công nhân lau dọn khu tủ mát bảo quản thịt nằm trong kho. Ảnh: Nguyễn Quang
Số phận doanh nghiệp dường như đã bị “kết liễu” sau những quyết định ở “phút 89”. Ảnh: Nguyễn Quang
Chủ doanh nghiệp đã nhiều lần gửi văn bản chia sẻ về những khó khăn của mình nhưng đều vô vọng. Ảnh: Nguyễn Quang
Bà Thắm lo lắng về việc dây chuyền máy móc đang “lỗi thời” vì thời gian chờ đợi làm dự án quá dài. Ảnh: Nguyễn Quang
Bà Thắm mong muốn được đóng tiền thuê đất một lần để vay vốn, triển khai dự án nhằm thoát “án tử” cho doanh nghiệp. Nhưng sự kêu cứu đang trong vô vọng. Ảnh: Nguyễn Quang
NguồnBài: Đại Việt - Ảnh: Nguyễn Quang/ Dân trí
Bài cùng chuyên mục