TP.HCM thu phí cảng biển từ năm 2021
Mức thu phí cảng biển tối đa là 4,4 triệu đồng/container. Trừ khoản trích lại để phục vụ thu phí, toàn bộ số thu còn lại được nộp vào ngân sách thành phố để chi đầu tư phát triển.
Tại kỳ họp lần thứ 23 HĐND TP.HCM khóa IX sáng 9/12, HĐND TP đã thông qua tờ trình của UBND TP về việc ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cảng biển ở TP.HCM.
Theo đó, UBND TP.HCM sẽ bắt đầu thu phí cảng biển từ 0h ngày 1/7/2021 với mức phí cụ thể cho từng loại hình.
Cụ thể, đối với hàng nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu, mức phí là 2,2 triệu đồng/container 20 ft; 4,4 triệu đồng/container 40 ft và 50.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Đối với hàng xuất, nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM, mức phí là 500.000 đồng/container 20 ft; 1 triệu đồng/container 40 ft; và 30.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Đối với hàng xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, mức phí là 250.000 đồng/container 20 ft; 500.000 đồng/container 40 ft; và 15.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
TP.HCM miễn phí đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Đơn vị thực hiện thu phí là Cảng vụ đường thủy nội địa (thuộc Sở Giao thông Vận tải). Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải, Cục Hải quan TP và doanh nghiệp quản lý bến cảng phối hợp triển khai tổ chức thu, kiểm tra, giám sát việc nộp phí.
Các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí sẽ không dùng tiền mặt mà nộp phí qua ngân hàng thông qua cổng dịch vụ 24/7 của cơ quan hải quan.
Theo đề án, tỷ lệ trích để lại số thu phục vụ cho công tác thu phí là 1,5%, giao UBND TP khoán chi cho các cơ quan thu phí và cơ quan phối hợp. Toàn bộ số thu phí còn lại sẽ được nộp vào ngân sách thành phố.
Nói về sự cần thiết ban hành mức thu phí cảng biển, UBND TP.HCM cho biết cảng biển là nơi tổng hợp đầu mối khu vực loại 1 – đóng vai trò chủ đạo kết nối vận tải hàng hóa của khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, gồm 4 cảng chính: Khu bến cảng Cát Lái (sông Đồng Nai), Khu bến cảng Nhà Bè (sông Nhà Bè), Khu bến cảng trên sông Sài Gòn, Khu bến cảng Hiệp Phước (sông Soài Rạp).
UBND TP cho biết 4 khu cảng này có sản lượng hàng hóa lưu thông qua các bến cảng cao nhất cả nước. Chỉ tính riêng khu cảng Cát Lái, thuộc 20 cảng biển lớn nhất thế giới, đã đảm nhận 33% khối lượng hàng container xuất nhập khẩu của cả nước.
Sản lượng hàng hóa lớn tạo áp lực rất lớn nhưng kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông của TP không đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của sản lượng hàng hóa qua cảng. Do đó, tình trạng ùn tắc hàng hóa thường xảy ra, ảnh hưởng đến giao thông khu vực, dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động, hạn chế năng lực cạnh tranh của TP.
“Trong điều kiện nguồn ngân sách khó khăn, các dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa thu hút, huy động tài trợ nguồn vốn ODA còn hạn chế thì việc có thêm nguồn vốn đầu tư, nâng cấp cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối các cảng biển là cấp thiết”, UBND nêu trong tờ trình và cho biết TP Hải Phòng cũng đã tiến hành thu phí cảng biển để đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng từ 2017.
Do đó, mục đích chính của đề án này là tạo nguồn thu cho ngân sách TP để hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, kết nối cảng biển trên TP.
Theo đó, đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập – tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.
Riêng tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa vận chuyển nội địa tại cảng biển sẽ được nghiên cứu, xây dựng mức thu khi điều kiện kinh tế – xã hội phù hợp.