Công Phượng và câu chuyện kiên trì tìm thành công tại châu Âu của người Nhật

Ngày nay, chuyện cầu thủ Nhật Bản đá bóng tại châu Âu được xem là chuyện… thường. Nhưng hơn 20 năm trước, từng có chuyện một trong những tài năng lớn nhất trong lịch sử bóng đá Nhật Bản vất vả tìm chỗ đứng trong những chuyến đi đi - về về giữa Nhật và châu Âu.

Sự vất vả của người mở đường

Tài năng đấy là Kazu Miura, một trong những cầu thủ được người Nhật kính trọng nhất, là tượng đài của bóng đá Nhật Bản hiện nay. Trong sự nghiệp của mình, Miura đạt được rất nhiều danh hiệu, ở cả cấp độ CLB lẫn đội tuyển quốc gia.

Nhưng cũng giữa sự nghiệp chói sáng đấy, ông từng trải qua giai đoạn rất vất vả khi thi đấu tại châu Âu.

Mùa giải 1994/1995, Kazu Miura rời CLB Verdy Kawasaki nổi tiếng của Nhật, tìm đường sang châu Âu. Ông khoác áo đội bóng nhỏ của bóng đá Italia lúc đó là Genoa.

Kazu Miura từng sang châu Âu thi đấu và thất bại…

Với giới bóng đá Nhật nói chung ở thời điểm đấy, châu Âu là phương trời quá rộng và quá chênh lệch trình độ (cần nhớ rằng mãi đến năm 1998, Nhật Bản mới lần đầu tiên được dự một VCK World Cup). Kazu Miura khi đó cũng gặp rất nhiều sự hồ nghi, về khả năng thành công tại châu Âu.

Ông thất bại ở Genoa, thậm chí còn bị truyền thông Italia làm hẳn một clip với chế nhạo những pha xử lý vụng về của ông trên sân cỏ Calcio Serie A.

Ê chề tại Italia, nhưng giấc mơ châu Âu của Kazu Miura vẫn chưa tắt. Ít năm sau đó, khi nhận được lời mời, ông lập tức trở lại lục địa già khoác áo Dinamo Zagreb của Croatia vào năm 1999.

… nhưng ông vẫn được xem như tượng đài của bóng đá Nhật Bản

Kazu Miura lại thất bại thêm lần nữa, chỉ được ra sân trong vỏn vẹn 12 trận đấu của Dinamo Zagreb năm đó, không ghi được bàn thắng nào, dù đá ở vị trí tiền đạo.

Nhưng sự kiên trì của Kazu Miura tạo thêm động lực và niềm tin cho các thế hệ đàn em, đàn cháu của ông sau này. Sau Miura, bóng đá Nhật có thêm Hidetoshi Nakata (Perugia, Roma, Parma, Bologna, Fiorentina – Italia, Bolton Wanderers – Anh), Shiji Ono (Feyenoord – Hà Lan, VfL Bochum – Đức) khoác áo các CLB châu Âu.

Họ cũng chưa thành công lắm, nhưng làn sóng cầu thủ Nhật Bản sang châu Âu thi đấu bắt đầu mạnh hơn từ đó. Để giờ đây, chuyện cầu thủ Nhật Bản đá bóng tại châu Âu, ở mọi cấp độ, đã trở thành chuyện… thường.

Không có người đi tiên phong, sẽ không có người tiếp bước

Hiện giờ, dĩ nhiên cũng không phải cầu thủ nào từ Nhật Bản sang châu Âu, cũng trở thành các ngôi sao tại những đội bóng châu Âu, nhưng trình độ của bóng đá Nhật Bản, kinh nghiệm và bản lĩnh của đội tuyển Nhật Bản chuyển biến rõ rệt nhờ dàn cầu thủ này, đem kinh nghiệm ở lục địa già về phục vụ chính đội tuyển quốc gia.

Và người Nhật càng tạo được chỗ đứng tại châu Âu, họ càng nhớ đến người mở đường cho họ đến với lục địa này, trong bóng đá, đó là Kazu Miura, dù ông từng mở đường và… thất bại.

Công Phượng đang thực hiện điều tương tự như Kazu Miura, từ thời điểm cầu thủ này chính thức ký hợp đồng thi đấu 1 năm cho CLB Sint Truidense (Bỉ) – ảnh: Anh Hải

Không có những bước chân đầu tiên của Kazu Miura, hẳn cầu thủ Nhật Bản thế hệ sau ông sẽ cứ mãi tự ti trước trình độ quá cao của bóng đá châu Âu.

Hình ảnh của Kazu Miura cũng giống như trường hợp của Công Phượng trong bóng đá Việt Nam ngày nay. Có thể Công Phượng sẽ vất vả trong màu áo đội bóng châu Âu là Sint Truidense (Bỉ), thậm chí Công Phượng có thể thất bại tại châu Âu như Kazu Miura từng thất bại.

Nhưng nếu không có những người đầu tiên, những cầu thủ đầu tiên của bóng đá Việt Nam như Công Phượng sẵn sàng bước sang châu Âu với một hợp đồng trung hạn trở lên, chúng ta có thể sẽ mãi e dè khi đứng trước lựa chọn gia nhập sân chơi này, trong khi trước sau gì đấy cũng là xu thế tất yếu trong lộ trình tiến bước của bất kỳ nền bóng đá nào, không riêng gì bóng đá Việt Nam.

Nếu người Nhật, bóng đá Nhật ngày đó cũng ngại đối diện với thất bại ở châu Âu, có thể họ đã không có thành công của ngày hôm nay. Bất cứ thành công nào cũng bắt đầu từ sự kiên trì. Công Phượng thất bại lần một ở Mito Hollyhock (Nhật Bản), thất bại lần hai tại Incheon United (Hàn Quốc), nhưng vẫn muốn có lần thứ ba xuất ngoại khi đến Sint Truidense, giống Kazu Miura không chỉ thất bại 1 lần tại châu Âu, nhưng ông vẫn không chùn bước.

Thành ra, sự kiên trì của Công Phượng nói riêng và của bầu Đức nói chung trong chính sách “xuất khẩu” cầu thủ sang những giải đấu có chất lượng cao hơn chưa chắc là quan điểm sai. Một khi quan điểm đấy vẫn đang làm lợi cho đội tuyển Việt Nam, bởi cầu thủ HA Gia Lai của bầu Đức nói chung và Công Phượng nói riêng mỗi lần quay về đội tuyển đều đóng góp đáng kể cho thành công của bóng đá Việt Nam hơn 1 năm qua!

Theo Kim Điền/ Dân Trí

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục