TP. Thủ Đức cần hơn 30.000 tỷ đồng để làm hạ tầng giao thông

Theo tính toán của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, để TP. Thủ Đức có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển được đặt ra trong giai đoạn 2020–2025, số vốn cần thiết lên tới 41.660 tỷ đồng.

Nhu cầu lớn nhất là vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông ở TP. Thủ Đức với 30.000 tỷ đồng (ảnh minh họa)

Theo đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.HCM giai đoạn 2020–2025, nhu cầu lớn nhất là vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, khoảng 30.000 tỷ đồng, hơn 6.400 tỷ đồng đầu tư hạ tầng chống ngập, 4.400 tỷ đồng đầu tư chuyển đổi số, 550 tỷ đồng phục vụ kích cầu một số dự án các ngành nghề kinh tế sáng tạo và hơn 288 tỷ đồng đầu tư cho nghiên cứu quy hoạch, dự án, các quy định, chính sách.

Nhu cầu vốn trên được dùng làm nền tảng cho 3 giai đoạn phát triển TP. Thủ Đức.

Giai đoạn 1 là khởi tạo (2020–2022). Theo đó, giai đoạn này sẽ lập định hướng khung phát triển và chiến lược, xây dựng cơ chế – tổ chức, xác định nhóm ngành ưu tiên, thiết lập hợp phần “3 nhà” (nhà nước – nhà đầu tư – nhà giáo dục);

Tập trung chính vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như khu công nghệ cao, khu Thủ Thiêm, khu Đại học quốc gia. Diện tích phát triển là 100 ha; thu hút dân cư là 50.000 người; diện tích khu công nghiệp sáng tạo là 50 ha với 20.000 việc làm trình độ kỹ sư trở lên.

Giai đoạn 2 là triển khai (2023–2030). Ở giai đoạn này, diện tích phát triển là 500 ha; thu hút dân cư là 80.000 người; diện tích khu công nghiệp sáng tạo là 150 ha với 50.000 việc làm trình độ kỹ sư trở lên.

Giai đoạn 3 là hoàn thiện (2030–2040). Với giai đoạn này, chiến lược đầu tư mở rộng đối với tất cả các nhóm ngành kinh tế, đẩy mạnh phát triển đối với nhóm ngành ưu tiên đã triển khai đầu tư trong giai đoạn 2.

Diện tích phát triển là 1.800 ha; thu hút dân cư là 200.000 người; diện tích khu công nghiệp sáng tạo là 350 ha với 150.000 việc làm trình độ kỹ sư trở lên.

Trong mục tiêu phát triển đô thị, TP. Thủ Đức sẽ hình thành và phát triển trên hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia và là đô thị loại 1 trực thuộc TP.HCM. Dự kiến, dân số cư trú sẽ đạt 1,5 triệu người vào năm 2030, 1,9 triệu người vào năm 2040 và 3 triệu người vào năm 2060.

Trong giai đoạn 2021–2025, UBND TP.HCM sẽ triển khai hàng loạt công trình trọng điểm nhằm nhanh chóng hoàn thiện mạnh mẽ hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu của TP. Thủ Đức.

Các dự án sẽ được triển khai, bao gồm: xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân; xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa (phường Linh Đông); cải tạo rạch Bình Thái (phường Trường Thọ).

Ngoài công trình chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn (khu vực thượng lưu cầu Bình Lợi), TP.HCM sẽ xây dựng hoàn chỉnh và vận hành 3 cống ngăn triều kết hợp trạm bơm của dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại) từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ triển khai dự án xây dựng đường và cầu Bà Cả; nâng cấp mở rộng đường và cầu Tám Táng; nâng cấp, mở rộng đường Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Bưng Ông Thoàn, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Duy Trinh, Quốc lộ 13 cũ… đồng thời mở rộng đường Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Hợp và nâng cấp, cải tạo đường Tô Ngọc Vân (từ vòng xoay chợ Thủ Đức đến đường Phạm Văn Đồng), đường Lương Định Của.

TP.HCM sẽ triển khai xây dựng tuyến vành đai 2 (đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, Quốc lộ 1).

Trong giai đoạn 2021–2025, TP.HCM sẽ xây dựng trạm ép rác kín Linh Xuân, trạm trung chuyển rác theo công nghệ mới (phường Long Trường), công viên trung tâm đa chức năng kết hợp với hồ điều tiết khu vực phường Tam Phú, Linh Đông, Hiệp Bình Chánh.

TP.HCM sẽ xây dựng một bệnh viện quy mô 1.000 giường tại phường Trường Thạnh và giải tỏa và chuyển đổi công năng sử dụng đất, kết hợp chỉnh trang đô thị tại nghĩa trang Văn Giáp và Trần Hưng Đạo.

TP. Thủ Đức là mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc trung ương đầu tiên của cả nước, dự kiến sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TP.HCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.

Nguồn Trần Lê/ vietnamfinance.vn
Bài cùng chuyên mục