Ước mơ về những chuyến tàu nhanh!

Hơn 10 giờ đồng hồ lắc lư trên con tàu qua dải đất miền Trung, chuyến đi của tôi trở nên thú vị bởi những câu chuyện vui bên những hành khách và những người điều khiển đoàn tàu mà tôi có dịp gặp gỡ. Dường như ai cũng trăn trở với ước mơ làm sao Việt Nam sớm có những chuyến tàu nhanh?

Công việc gấp gáp, không có chuyến bay từ Vinh đi Đà Nẵng, nên tôi đành phải chọn phương tiện tàu hỏa để di chuyển. Hơn 10 giờ đồng hồ lắc lư theo con tàu SE11 qua dải đất miền Trung đầy nắng gió, chuyến đi khiến tôi mệt mỏi nhưng cũng thật thú vị bởi những câu chuyện vui bên những hành khách cùng đồng hành trên tàu với nhiều thành phần như chị tiểu thương, em sinh viên, bác nông dân… và nhất là những người điều khiển đoàn tàu mà tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện. Dường như ai cũng có niềm trăn trở với ước mơ làm sao Việt Nam sớm có được những chuyến tàu nhanh.

Khởi hành từ ga Nghệ An giữa trưa hè nắng nóng trên một chuyến tàu tăng cường căng đặc người. Ngồi ở toa 4, hạng ghế mềm cũng có phần tươm tất hơn một chút so với toa ghế cứng, cũng có máy lạnh phả phà phà… nhưng thật khó để tôi ngồi hàng giờ đồng hồ ở đây trong khi biết bao công việc đang chờ nếu như không được gặp, được sẻ chia chuyện nghề và những trăn trở với ước mơ về những chuyến tàu nhanh của Trưởng tàu Trần Văn Trí đang điều khiển hành trình tàu SE11.

Hơn 20 năm gắn bó với những chuyến tàu xuôi ngược Bắc – Nam, Trưởng tàu SE11 Trần Văn Trí đã trải qua nhiều vị trí từ nhân viên đến Phó tàu, rồi Trưởng tàu SE11 nhưng dường như sự cần mẫn, tận tình với hành khách ở anh vẫn không thay đổi. Hết di chuyển từ toa này sang toa khác chỉ để nhắc nhở, hướng dẫn hành khách trên tàu lưu ý nội quy trên tàu, trưởng tàu SE11 còn dành nhiều thời gian để tiếp thu ý kiến của từng hành khách về thức ăn, nước uống, cũng như cung cách phục vụ của các nhân viên trên tàu…

Trưởng tàu E11 Trần Văn Trí – Đoàn tàu Phương Nam.

Một đoàn tàu chở khoảng 500 hành khách với mọi thành phần làm sao để có thể quản lý một cách tốt nhất?- Tôi hỏi. Trưởng tàu Trần Văn Trí cho biết: Mỗi toa tàu đều có nhân viên và có nhiều bộ phận như kỹ thuật, an ninh làm việc phối hợp nhịp nhàng. Nhưng sợ nhất là những hành khách say rượu hay nói năng huyên thuyên làm ảnh hưởng đến hành khách cùng toa. Anh em nhân viên luôn theo dõi và nhắc nhở có khi hàng mấy giờ đồng hồ. Với những hành khách có biểu hiện gây rối trật tự thì xử lý nhanh nhất là mời họ xuống ở các nhà ga và bàn giao cho an ninh ở đó xử lý… Những hành khách bị đau ốm hay những hành khách trở dạ trên tàu đều được các bộ phận xử lý một cách cẩn thận và trách nhiệm. Có những thời điểm vào mùa mưa bão, để đảm bảo an toàn cho hành khách, đoàn tàu phải dừng lại ở những cung đường có khả năng sạt lở nhiều giờ liền, các bộ phận trên tàu phải cùng nhau chia sẻ công việc chăm sóc hành khách đi tàu một cách tận tình và chu đáo.

Trong lòng người trưởng tàu SE11 ấy luôn thường trực một mong muốn là đường sắt Việt Nam sớm có hướng cải tiến. Anh cũng luôn đau đáu với câu hỏi vì sao hàng chục năm qua đoàn tàu vẫn ì ạch với tốc độ tối đa là 80km/h? Vì sao phải mất hàng giờ liền chỉ để tránh tàu ngược chiều?… Đó cũng là những phản hồi mà anh nhận được nhiều nhất từ phía hành khách. Với cương vị của mình mỗi khi nhận được phản hồi của hành khách, anh đều phải xoa dịu thắc mắc này của họ bằng những câu chuyện khác, giới thiệu với họ về những ưu điểm khi chọn đường sắt trên hành trình Nam – Bắc như chi phí tiết kiệm, ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, hành lý thỏa mái, thủ tục đơn giản, an toàn…

Thế nhưng, đằng sau những câu chuyện đánh “lạc hướng” là những trăn trở trong anh, bởi anh biết để phát triển đường sắt đòi hỏi không chỉ có những thay đổi lớn của toàn ngành đường sắt mà còn phải có sự quan tâm đầu tư của nhà nước. Làm gì để ngành đường sắt Việt Nam có thể phát triển khi mà giờ đây chúng ta vẫn chỉ có những cung đường ngót trăm năm, vẫn chỉ là tích hợp với những động cơ thiết bị xưa cũ thì làm sao có thể đồng bộ, trong khi vốn đầu tư quá lớn, khả năng thu hồi vốn quá dài, khó có doanh nghiệp đủ năng lực đảm đương.

Tàu dừng đón khách ở một ga nhỏ.

Đề cập đến ước mơ về những chuyến tàu nhanh, Trưởng tàu Trần Văn Trí cho biết, anh chưa dám mơ đến những đoàn tàu siêu tốc như nhiều nước trên thế giới, lúc đó hành khách sẽ không phải mất quá nhiều thời gian để vào Nam ra Bắc nữa. Trong tình hình thực tế hiện tại của ngành đường sắt, để những chuyến tàu xuôi ngược Bắc – Nam được nhanh hơn anh mong ngành đường sắt sẽ đầu tư thêm một hệ thống đường sắt đôi để tránh phải mất thời gian tránh tàu chạy ngược chiều.

Với kinh nghiệm 20 năm ngược xuôi trên những chuyến tàu, anh Trí cho rằng đây không phải là ước mơ quá xa vời vì với tình hình thực tế của đường sắt Việt Nam thì hoàn toàn có thể sớm thực hiện được. Ước mơ này cũng có thể chia thành từng phần, nghĩa là chỉ cần đầu tư đường sắt đôi ở vài vị trí trên hệ thống cũng đã phần nào hạn chế được việc dừng tránh tàu, rút ngắn được nhiều thời gian cho cuộc hành trình…

Hai đoàn tàu Bắc – Nam chờ nhau tránh tàu ở sân ga Đồng Hới.

Trưởng tàu Trần Văn Trí mỗi tháng theo chân 4- 6 chuyến hành trình trên đoàn tàu Phương Nam với biết bao cảm xúc vui buồn theo dọc hành trình, 20 năm gắn bó với con tàu, thường xuyên xa nhà, xa gia đình, anh đem theo vòng quay kỷ niệm theo từng nhịp của tiếng rít kin kít của bánh tàu, lắc lư theo thân tàu… Bước xuống sân ga nhiều lúc chênh vênh, bên tai anh như nặng nề với những âm thanh trên tàu vẫn còn vương lại sau mỗi hành trình. Nhưng một khi đã chọn nghề và yêu nghề thì trong anh luôn ấp ủ một hoài bão về những con tàu nhanh hơn, hiện đại hơn để phục hành khách tốt hơn.

Câu chuyện chợt dừng lại khi tàu vào sân ga Đà Nẵng, đồng hồ chỉ 2 giờ sáng của một ngày mới. Tạm biệt người trưởng tàu và con tàu SE11 già nua vừa trườn qua sườn dốc đèo Hải Vân, trong tôi đọng lại biết bao tâm tư về những chuyến tàu nhanh như ước mơ của người trưởng tàu cũng như bao hành khách yêu mến những cung đường tàu Việt Nam.

Mai Phúc/ Công Luận

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục