Phụ huynh, giáo viên mong trẻ trở lại trường từ tháng 3

Sau thời gian trẻ học online không thực sự hiệu quả, nhiều giáo viên, phụ huynh ở Hà Nội, TP.HCM hy vọng dịch được kiểm soát để học sinh đi học trở lại từ ngày 1/3.

Gần một tháng nay, cuộc sống gia đình chị Nguyễn Phương (Hà Đông, Hà Nội) gần như xáo trộn hoàn toàn. Nữ phụ huynh phải xin làm việc tại nhà để vừa chăm lo cho con vừa giám sát việc học online.

“Vấn đề là con học trực tuyến mỗi ngày nhưng không hiệu quả. Gia đình tôi chỉ mong với tình hình hiện tại, thành phố sẽ cho học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3”, chị Phương chia sẻ.

Nhiều phụ huynh, giáo viên than phiền việc học trực tuyến không hiệu quả. Ảnh: Tiền Phong.

Dở khóc dở cười khi con học online

Khi Hà Nội triển khai dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19, 7h10-8h20 từ thứ hai đến thứ sáu, chị Phương lại gạt hết công việc để cùng con ngồi học trực tuyến. Nhiều tình huống dở khóc dở cười phát sinh khiến việc học hành của con không hiệu quả.

Chị Phương kể lớp con trai chị có 48 học sinh, học qua Zoom. Các cháu còn nhỏ nên tắt/bật mic loạn lên. Có nhà ngày nào cũng ăn nhậu, lớp học toàn tiếng các ông chúc rượu, nói chuyện ầm ầm.

“Lớp rất ồn. Học trò không tắt mic nên tiếng bố mẹ mắng con, chị em chửi nhau át cả tiếng cô dạy. Có hôm, tôi còn nghe thấy tiếng bà mẹ nào đó dọa đánh con rồi trẻ con chê nhau học dốt”, nữ phụ huynh kể.

Con chị không nghe được giáo viên nói gì. Cô giáo không đủ thời gian để chỉ bài cho học trò vì thời lượng buổi học chỉ hơn một giờ.

Dù cảm thấy may mắn vì công ty tạo điều kiện cho làm việc ở nhà để trông con, chị Phương thấy việc vừa làm vừa chăm con trai học lớp 1 quá sức với chị. Cuộc sống gia đình từ ăn, ngủ, nghỉ, cho con làm bài tập, đảo lộn hết so với thời gian trước.

Ngoài ra, thời gian này, gia đình chị hạn chế cho con ra ngoài. Cậu bé 7 tuổi phải ở nhà suốt nên rất chán nản. Hai hôm nay, chị và một phụ huynh khác trong lớp tranh thủ cuối tuần, đưa con sang nhà nhau chơi. Đó là thời gian ít ỏi mà hai bạn nhỏ thấy thoải mái. Nhìn con, chị chỉ hy vọng thời kỳ khó khăn này sớm qua.

Đó cũng là mong ước của chị Thu Hà (Phú Xuyên, Hà Nội). Hiện tại, cả hai con chị (một bé lớp 1, một bé lớp 6) đều phải học trực tuyến. Con trai lớp 6 nên học trực tuyến 4-5 tiết/ngày, có hôm học nửa buổi, hôm học cả ngày.

Thời gian con ngồi trước màn hình dài nhưng phụ huynh đánh giá việc học không hiệu quả, vì lớp học ồn, kết nối thường gián đoạn và giáo viên khó nắm bắt tình hình học thực tế của học sinh.

Cô Phạm Thanh Mai, giáo viên tiểu học tại Hà Nội, thừa nhận việc dạy học trực tuyến không mấy hiệu quả. Theo cô, chỉ 30-40% học sinh trong lớp thực sự học. Đó là những em chăm ngoan, có ý thức tự giác song vẫn gặp khó khăn do lớp ồn ào.

“Tôi nhìn qua màn hình, thấy nhiều con có ngồi ngay ngắn đâu. Cô tắt mic, các con lại bật lên. Người nhà cũng không tạo không gian yên tĩnh, bố mẹ ăn cơm, khách đến chơi, nói chuyện ầm ĩ. Lúc phụ huynh gửi bài tập của học trò lên, tôi thấy buồn khi thấy các con không biết trình bày, chữ viết cẩu thả”, cô Mai phàn nàn.

Phụ huynh, giáo viên kỳ vọng học sinh có thể đến trường trở lại từ đầu tháng 3 để đảm bảo việc học. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Mong mỏi học sinh sớm đi học trở lại

Trước tình hình học online chưa được như ý muốn, chị Nguyễn Phương, Thu Hà hay cô Thanh Mai đều hy vọng dịch được kiểm soát để học sinh đi học trở lại. Như thế, việc học hiệu quả hơn, con cũng được gặp bạn bè, hít thở không khí bên ngoài và có thêm hoạt động thể chất.

Cô Thanh Mai cho biết hiện tại, giáo viên đang dạy chương trình mới. Nếu học sinh có thể đến trường trở lại từ đầu tháng 3, giáo viên dạy tiếp nội dung kiến thức mới, đồng thời lồng ghép để ôn lại kiến thức học sinh đã học online. Như vậy, họ mới có thể giúp học trò đảm bảo yêu cầu cần đạt vào cuối năm học.

Tuy nhiên, nếu thời gian học online kéo dài, việc vừa dạy kiến thức mới vừa ôn kiến thức cũ cho học sinh rất khó đảm bảo. Lúc đó, cô Mai lo ngại kế hoạch năm học sẽ phải kéo dài như năm học trước.

Học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3 cũng là kỳ vọng của thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du ở TP.HCM.

Theo thầy Phú, việc cho học sinh đến trường hay không tùy thuộc đánh giá của các nhà dịch tễ học và lãnh đạo thành phố. Là giáo viên, ông không thể nắm sâu sát tình hình để phán đoán.

Nhưng ông hy vọng nếu tình hình được kiểm soát, không chế tốt, thành phố không có ca mắc mới hay phát sinh nguồn lây nhiễm, các khu cách ly được dỡ bỏ, trường học có thể hoạt động trở lại để đảm bảo việc học cho học sinh, đồng thời tạo cảm giác an tâm cho người dân.

Thầy Phú nói thêm đa số học sinh trường THPT Nguyễn Du muốn đi học lại. Các em từng trải qua kỳ nghỉ Tết kéo dài hồi năm ngoái nên rất sợ phải nghỉ thêm.

Thời gian qua, thầy trò trường Nguyễn Du dạy học trực tuyến, các em tham gia tương đối đầy đủ vì nhớ trường lớp, thầy cô. Đương nhiên, học sinh vẫn thích vào trường hơn để gặp bạn bè, có không gian học tập thoải mái.

Một trong những lý do khiến thầy Phú kỳ vọng trường học đón học sinh trở lại từ đầu tháng 3 là học online không hiệu quả như trực tiếp.

Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du đánh giá nền giáo dục nước ta không được xây dựng trên nền tảng công nghệ. Thực tế, ngành giáo dục mới áp dụng công nghệ vào giảng dạy trong một năm nay vì dịch Covid-19. Do đó, cả thầy, trò, người quản lý đều có chút lạ lẫm. Để việc học online phát huy hiệu quả, nhà trường, giáo viên, gia đình, học sinh nỗ lực nhiều.

“Việc học trực tuyến còn mới. Phụ huynh đi làm, học sinh ở nhà học nên rất cần ý thức tự giác của các em. Thực tiễn cho thấy những trường tốp trên, học sinh ngoan, đi học. Những em không ngoan không tham gia học”, ông Huỳnh Thanh Phú đánh giá.

Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng hình thức học trực tuyến có hiệu quả với học sinh từ lớp 9 trở lên. Với các lớp dưới, nhất là trẻ mầm non, học sinh lớp 1, 2, giáo viên cố dạy cũng chỉ như “mang muối bỏ biển”, không hiệu quả.

Ngay cả với học sinh trường Nguyễn Du, thầy Phú cũng chỉ đánh giá được mức độ chuyên cần tốt khi mỗi ngày, 22-26 em trong số hơn 1.550 học sinh của trường vắng học. Nhưng về tính hiệu quả, do chưa kiểm tra, giáo viên không nắm bắt được.

“Thời gian trước, tỷ lệ đạt yêu cầu không cao, khoảng 60%. Học trực tiếp là giá trị đích thực, hữu hiệu. Ở Việt Nam hiện nay, học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế trong dịch Covid-19 chứ không thể thay thế phương pháp truyền thống được”, thầy Phú nhận định.

Nếu tình hình dịch được kiểm soát tốt, học sinh có thể đi học trở lại sau một tuần nữa. Ảnh minh họa: Duy Anh.

Sẵn sàng đón học sinh trở lại

Với tình hình hiện tại, thầy Phú mong muốn học sinh được trở lại trường từ đầu tháng 3. Nhà trường cũng đảm bảo tốt các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 để đón các em.

Thầy Huỳnh Thanh Phú cho hay trường THPT Nguyễn Du theo mô hình tiên tiến nên diện tích đủ rộng để thực hiện giãn cách học sinh tối thiểu 1,8 m. Các điều kiện khác của trường như đo thân nhiệt, bồn rửa tay đều đảm bảo quy định của thành phố.

Hiện tại, giáo viên của trường vẫn đến trường dạy trực tuyến, sẵn sàng chuyển sang dạy trực tiếp. Từ mùng 1 Tết, nhà trường yêu cầu khách vào trường phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang để phòng, chống dịch.

Khi học sinh trở lại, trường vẫn đảm bảo nghiêm túc các biện pháp kiểm dịch. Các em cũng có ý thức đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên từ đợt trước.

Ở Việt Nam hiện nay, học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế trong dịch Covid-19, chứ không thể thay thế phương pháp truyền thống được.

Thầy Huỳnh Thanh Phú

Trong khi đó, ở Hà Nội, mấy ngày nay, sáng nào, cô Thanh Mai cũng theo dõi tin tức. Thấy thành phố không có thêm ca mới trong cộng đồng, cô tin tưởng học sinh không gặp nguy hiểm khi đi học trở lại.

Cô cho rằng chỉ cần gia đình, nhà trường thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch như khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, khử khuẩn, giáo viên chịu khó quan sát tình hình sức khỏe, hỏi học sinh hoặc nhắn tin trên nhóm Zalo của lớp xem phụ huynh có cho con đi đâu chơi hoặc tiếp xúc người nghi nhiễm không, tình hình sẽ ổn.

Tương tự, chị Nguyễn Phương, Thu Hà tin tưởng nếu tình hình vẫn như hiện tại, đầu tháng 3 là thời điểm an toàn để cho con trở lại trường.

Học sinh Hà Nội có thể đi học trở lại từ tuần sau

Chiều 22/2, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội làm việc trực tuyến với các đơn vị trực thuộc.

Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng giao sở GD&ĐT đánh giá cụ thể việc học sinh có thể đi học từ đầu tháng 3. Nếu đi học, các trường, lớp phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch thế nào.

NguồnNguyễn Sương/ Zingnews
Bài cùng chuyên mục