Rút giấy phép nhiều doanh nghiệp xăng dầu sai phạm, đề xuất bỏ hạn mức nhập khẩu

Trước đây, 70-75% lượng sử dụng xăng dầu trong nước phải nhập khẩu tuy nhiên đến thời điểm hiện tại nguồn cung xăng dầu đã thay đổi, 70-75% lấy ở trong nước từ 2 nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất.

Liên quan đến những sai phạm liên quan đến hoạt động mua bán xăng dầu quy mô lớn thời gian vừa qua, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, hoạt động kinh doanh xăng dầu chịu sự điều chỉnh của nhiều cơ quan có thẩm quyền như Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan…

Trong đó, Bộ Công thương quản lý chất lượng, số lượng và pha chế xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất tiêu dùng, điều hành giá; còn Bộ Khoa học – Công nghệ có vai trò quản lý chất lượng, pha chế; các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân trên địa bàn. Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải chấp hành, đảm bảo thực thi pháp luật đầy đủ trong việc kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước đang hoàn thiện Nghị định 83 để xin ý kiến của các thành viên Chính phủ, trong đó tập trung sửa đổi những quy định còn bất cập liên quan kinh doanh xăng dầu.

Thông tin liên quan đến hạn mức xăng dầu nhập khẩu, tại cuộc họp báo ngày 12/3, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trước đây 70-75% lượng sử dụng trong nước phải nhập khẩu. Khi các doanh nghiệp được cấp phép thành doanh nghiệp đầu mối, hàng năm phải đăng ký kế hoạch, số lượng nhập khẩu. Vì vậy, nếu không có hạn mức thì sẽ thiếu để cung cấp trong nước.

Hiện nay, nguồn cung xăng dầu đã thay đổi, 70-75% lấy ở trong nước từ 2 nhà máy (Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) nên lượng nhập khẩu chỉ còn 25-30%. Vì thế, trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83, các doanh nghiệp và một số cơ quan quản lý đề nghị nên bỏ hạn mức này để doanh nghiệp chủ động trong kinh doanh.

“Trong việc sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, qua đề xuất của các doanh nghiệp và đề xuất của các cơ quan quản lý là nên bỏ hạn mức này đi vì doanh nghiệp sẽ chủ động trong việc kinh doanh. Còn nếu kinh doanh hàng lậu, hàng giả thì phải quản lý theo cách khác, trong đó có Ban chỉ đạo 389 và các lực lượng để đảm bảo chống hàng lậu, hàng giả. Doanh nghiệp nào vi phạm sẽ chịu trách nhiệm xử lý của pháp luật”, ông Hải nói.

Nguồn CẨM THẠCH/ Nhịp sống doanh nghiệp (BIZLIVE)
Bài cùng chuyên mục