Cảnh báo rủi ro khi dòng tiền chảy mạnh vào các kênh đầu cơ

Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, phải đa dạng hóa các kênh đầu tư, tránh tâm lý bầy đàn và hiện tượng đầu tư theo phong trào…

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội quý 1/2021 do Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, dòng vốn chảy vào ngân hàng đang chậm lại, trong khi vốn đổ vào các kênh đầu cơ tăng lên. Đáng chú ý, tính từ đầu năm đến nay, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 12.433 tỷ đồng/phiên, tăng 19,6%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 174.324 hợp đồng/phiên, tăng 11%.

Gần đây, lượng tiền đổ vào chứng khoán tăng mạnh. (Ảnh minh họa: KT)

Trong khi đó, tính đến thời điểm 19/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,49% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm trước tăng 1,55%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,54% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,51%); tín dụng của nền kinh tế tăng 1,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,68%).

Vì sao tiền đổ vào chứng khoán?

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, năm ngoái, dịch bệnh xuất hiện khiến các doanh nghiệp cực kỳ lo lắng, dẫn đến việc không muốn phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư kinh doanh. Nhưng năm nay, tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn nên doanh nghiệp tự tin và phát hành trái phiếu nhiều hơn.

“Tôi nghĩ việc dòng tiền chảy vào chứng khoán là hết sức bình thường nhưng đấy chỉ là lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái – đấy là con số hợp lý. Năm ngoái, cả năm doanh nghiệp phát hành 403.000 tỷ đồng, tăng khoảng 45-50% so với năm 2019. Điều đó đã thể hiện vai trò của thị trường trái phiếu đang là kênh huy động vốn tích cực cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế”, TS. Cấn Văn Lực nêu ý kiến.

TS. Cấn Văn Lực

Lý giải về mức tăng đột biến của nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư mới) vào thị trường chứng khoán năm 2020 lên đến 394.000 và con số này vẫn tiếp tục tăng trong quý I/2021, TS. Lực cho rằng, nguyên nhân là nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi sau Tết bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh. Thứ hai là do dịch bệnh nên nhiều người muốn giao dịch trực tuyến nhiều hơn và kênh môi giới chứng khoán trực tuyến cũng rất phát triển trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi của gửi ngân hàng hiện ở mức tương đối thấp so với mong đợi của nhà đầu tư nên đã có sự dịch chuyển kênh đầu tư từ tiền gửi ngân hàng sang chứng khoán hoặc bất động sản.

Tuy nhiên, TS. Lực cũng lưu ý nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, phải biết phân tích và có sự hiểu biết; đồng thời, doanh nghiệp cũng cần phải minh bạch thông tin tốt hơn như tinh thần của Nghị định 153 của Chính phủ đã ban hành ngày 31/12/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

“Nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, phải đa dạng hóa các kênh đầu tư, tránh tâm lý bầy đàn và đầu tư theo phong trào. Mặt khác, không nên dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, việc vay chỗ này để đầu tư chỗ kia nếu xảy ra rủi ro mất cả hai đầu thì cực kỳ nguy hiểm”, TS. Cấn Văn Lực cảnh báo.

Ổn định tâm lý của nhà đầu tư

Theo quan điểm của TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, cần tập trung các giải pháp nhằm mục tiêu chính là ổn định tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK), theo dõi sát các biến động về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài để có những giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

Đồng thời, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cần có các giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để đa dạng hóa nguồn cung và ngành nghề trên thị trường, đồng thời giảm áp lực huy động vốn qua kênh ngân hàng. Các hướng cần xem xét thực hiện như: Triển khai Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ; xem xét cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu đủ điều kiện được niêm yết trên TTCK; ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trên cơ sở đó phải quản lý đầu tư nước ngoài ngay tại thời điểm thành lập…

“Cùng với đó là tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động kinh doanh chứng khoán; sáp nhập, mua, bán doanh nghiệp; hạn chế tình trạng nhà đầu tư thao túng thị trường và thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam. Giám sát chặt chẽ, cảnh báo và có các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Rà soát, hoàn thiện các quy định về đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm tính minh bạch, khả năng đánh giá rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển những tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuyên nghiệp, tin cậy. Tăng cường vai trò của quản lý nhà nước đối với giám sát việc phát hành, phân phối, cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp. Phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nghiên cứu tổ chức thị trường giao dịch đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”, TS. Nguyễn Tú Anh chỉ rõ.

Cần hỗ trợ doanh nghiệp đang “khát” vốn

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ Vietinbank cho rằng, cần quan tâm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp yếu. Khi định mức rủi ro của doanh nghiệp cao, thì khó tiếp cận vốn ngân hàng, nên phải tiếp cận vốn trên thị trường tài chính (phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc các công cụ phái sinh).

Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ Vietinbank

“Chúng ta hay nói đến những đơn vị huy động vốn thành công trên thị trường tài chính, nhưng lại thường không quan tâm đến những doanh nghiệp vì nhiều lý do mà không còn tốt nữa nên gặp khó khăn trong huy động vốn”, ông Đức nêu thực tế.

Thực tiễn trong suốt quá trình phát triển, công ty không phải lúc nào cũng thuận lợi, có những lúc họ suy yếu, rơi vào tình trạng mất thanh khoản… Lúc đó họ rất khó khăn và cần vốn, cần hơn cả khi họ đang phát triển tốt. Song các quy định pháp lý dường như ít quan tâm đến nhu cầu huy động vốn của các đơn vị yếu kém này. Do đó, cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp yếu, có điều kiện tài chính chưa được tốt để tiếp cận vốn trên thị trường. Khi họ không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, thì vẫn cần có cửa khác để cho họ huy động được vốn, ông Khổng Phan Đức bày tỏ ý kiến./.

NguồnTrần Ngọc – Cẩm Tú/VOV
Bài cùng chuyên mục