Doanh nghiệp lâm nghiệp rất cần hỗ trợ

Những năm gần đây, nhiều nông trường, lâm trường hoạt động trên địa bàn Đăk Lăk gặp khá nhiều khó khăn. Diện tích rừng quản lý lớn, nhân lực thiếu, các đối tượng lâm tặc luôn rình rập để phá rừng, trong khi đó, kinh kinh phí hạn hẹp, điều kiện làm việc của lực lượng bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế…

Đơn cử, theo Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông, việc quản lý rừng tự nhiên của đơn vị chịu áp lực lớn bởi nạn phá rừng làm nương rẫy và khai thác gỗ trái phép. Trong những tháng qua, đã xảy ra hàng trăm vụ phá rừng cũng như lấn chiếm đất rừng khai thác gỗ. Trong đó phá rừng, đốt rừng gây thiệt hại nhiều hecta… doanh nghiệp đã lập các báo cáo kịp thời đề nghị các cơ quan chức năng xử lý.

Áp lực là thế, trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đang rất thấp. Kinh phí để quản lý, bảo vệ rừng phụ thuộc vào sự hỗ trợ một phần của Nhà nước hoặc từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng.

Cần quyết liệt trong công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, để nâng cao hiệu quả hoạt động

Riêng đối với lĩnh vực cà phê, toàn tỉnh Đăk Lăk hiện có 17 doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đang hoạt động. Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn, không hiệu quả. Cụ thể, tổng doanh thu phát sinh trong năm 2020 chỉ đạt 359 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp có doanh thu cao nhất là 80 tỷ đồng, thấp nhất 515 triệu đồng; số tiền lỗ lũy kế đến nay 252 tỷ đồng. Các doanh nghiệp mất khả năng cân đối tài chính, nợ thuế 112 tỷ đồng. Trong đó, riêng số tiền thuế phải nộp trong năm 2020 lên đến gần 48 tỷ đồng. Theo phương án sắp xếp đổi mới của Chính phủ, trong số 17 doanh nghiệp nói trên, có 3 đơn vị sẽ phải giải thể, 3 doanh nghiệp chuyển thành công ty hai thành viên trở lên và 11 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa…

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, lâm trường trực thuộc địa phương quản lý, chính quyền tỉnh Đăk Lăk đã chỉ đạo các ngành chức năng và các doanh nghiệp đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, hiện tỉnh Đăk Lăk có 25 công ty nông – lâm nghiệp (trong đó có 15 công ty lâm nghiệp, 10 công ty nông nghiệp) do địa phương quản lý và thuộc diện phải sắp xếp, chuyển đổi. Đến nay, Đăk Lăk đã thực hiện cổ phần hóa 4/6 doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối; chuyển đổi 8/9 công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên; giải thể 3 công ty; UBND tỉnh Đăk Lăk thống nhất chủ trương cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Lăk chuyển đổi thành Ban Quản lý rừng phòng hộ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập có thu.

Riêng với việc sắp xếp, chuyển đổi các doanh nghiệp thuộc diện duy trì, củng cố phát triển và tái cơ cấu doanh nghiệp lâm nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích gồm 6 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp là Krông Bông, M’Đrăk, Ea Kar, Buôn Wing, Chư Phả và Ea Wy. Phương án sử dụng đất và phương án sử dụng lao động đã được UBND tỉnh Đăk Lăk phê duyệt; việc kiểm kê, xử lý tài sản, vốn đã được Sở Tài chính kiểm tra, rà soát theo quy định.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới DN nhà nước trên địa bàn, UBND tỉnh Đăk Lăk đã yêu cầu, trong thời gian tới Tổ giúp việc của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho các thành viên, thường xuyên đôn đốc các cá nhân, đơn vị thực hiện nhiệm vụ; các thành viên của Ban cần kịp thời xử lý các vướng mắc, phấn đấu hoàn thành quá trình sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn; Sở Tài chính xây dựng đề án củng cố và phát triển doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn trong giai đoạn 2021 – 2025…

Mới đây, UBND tỉnh Đăk Lăk cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp lâm nghiệp 100% vốn nhà nước.

Theo đó, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát lại diện tích rừng và đất nông nghiệp giao trả về địa phương, không để phát sinh việc lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy tại các công ty lâm nghiệp; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, xử lý về đề nghị chậm nộp tiền thuê đất phải truy thu của các đơn vị. Đối với các huyện tiến hành thu hồi nợ đọng từ người dân có hoạt động liên kết trồng rừng, cao su, hoa màu…

NguồnChí Thiện/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục