Ngân hàng dồn dập tăng vốn

Các ngân hàng đang bước vào mùa đại hội cổ đông. Một điểm chung trong báo cáo tại đại hội năm nay của khá nhiều ngân hàng là kế hoạch tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu quỹ hoặc chào bán ra công chúng hoặc riêng lẻ.

MB là ngân hàng mới nhất công bố kế hoạch tăng tới 40% vốn điều lệ với 3 phương án phát hành chia thành 3 lần. Lần một, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 35% để nâng vốn điều lệ từ 28.000 tỷ đồng lên 38.600 tỷ đồng. Lần hai, ngân hàng sẽ tăng vốn thêm 700 tỷ thông qua bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác, đáp ứng tiêu chí lựa chọn của ngân hàng. Lần ba, ngân hàng sẽ phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên.

Theo ngân hàng, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của MB.

Trong khi đó, mặc dù trong năm 2020 đã tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng bằng phát hành riêng lẻ cho đối tác ngoại Aozora Bank đến từ Nhật Bản và phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 25%, nhưng năm 2021 OCB vẫn trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 14.449 tỷ đồng, tương đương tăng 32% thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu ESOP và phát hành riêng lẻ. Trong đó, ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, tương đương phát hành gần 274 triệu cổ phiếu cho cổ đông…

Tăng vốn sẽ đảm bảo cho các ngân hàng phát triển bền vững

Điểm khác biệt của năm nay so với những năm trước đó là các ngân hàng chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ rất cao, trung bình khoảng 20 – 40%. Đơn cử như MSB chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% dự kiến nâng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng; trong khi năm ngoái tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu của ngân hàng này chỉ bằng 1/3 so với năm nay.

ACB cũng có kế hoạch chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, dự kiến nâng vốn điều lệ từ 21.615 tỷ đồng lên 27.019 tỷ đồng.

VIB dự kiến sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn, gồm chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 40% và chào bán thêm tối đa gần 46,6 triệu cổ phiếu.

Một yếu tố tạo động lực cho các ngân hàng mạnh tay chi cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn đó là thị trường chứng khoán đang thuận lợi, cổ phiếu của các ngân hàng tăng giá mạnh nhờ dòng tiền các nhà đầu tư nội và ngoại đang chảy vào nhóm ngành này khá lớn. Theo đó, đến nay giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng gấp 3-4 lần so với thời điểm đáy thị trường hồi tháng 3/2020.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, giá cổ phiếu ngân hàng tăng cao trong giai đoạn vừa rồi tạo hứng khởi cho các nhà đầu tư khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Việc các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao như vậy, chắc chắn sắp tới lượng cổ phiếu đưa ra thị trường tương đối lớn. Điều này tạo áp lực nguồn cung trong ngắn hạn.

Nhưng nhìn chung các nhà đầu tư dài hạn vào cổ phiếu ngân hàng vẫn tin tưởng chu kỳ tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này trong thời gian tới. Mặt khác, với việc chỉ số ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số nên nắm giữ cổ phiếu ngân hàng trong danh mục đã trở thành nhu cầu đối với các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư lớn.

Theo Trung tâm Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), triển vọng ngành Ngân hàng 2021 là khả quan và việc tăng vốn sẽ thuận lợi hơn năm 2020. Thị trường chứng khoán tích cực có thể hỗ trợ tăng vốn cho các ngân hàng, đặc biệt trong nửa đầu năm.

Trong báo cáo thị trường mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, nhóm ngân hàng sẽ là động lực chính hỗ trợ thị trường trong tháng 4.

Cơ sở đưa ra nhận định trên là VDSC dự đoán tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2021 của các ngân hàng trong danh sách theo dõi của đơn vị này là 26% trong năm 2021. Kết quả kinh doanh quý I còn khả quan hơn với lợi nhuận trước thuế tăng 115% nhờ đóng góp của thu nhập ngoài lãi và chi phí dự phòng tăng trưởng âm. Do đó, kỳ vọng từ nhóm cổ phiếu ngân hàng là câu chuyện đáng chú ý hỗ trợ đà tăng của thị trường trong tháng 4.

Trong tháng 4, một sự kiện quan trọng là đến thời điềm tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF tham chiếu các bộ chỉ số như VN30, VN Finlead và VN Diamond. Trong đợt tái cơ cấu lần này, nhóm cổ phiếu ngân hàng bao gồm ACB, EIB, MSB và VIB được kỳ vọng sẽ hưởng lợi với dòng tiền của quỹ Diamond khi thỏa mãn các điều kiện được thêm vào rổ chỉ số.

Các chuyên gia nhấn mạnh, các ngân hàng lớn, nhỏ nên tranh thủ thời điểm thuận lợi để tăng vốn. Trong bối cảnh quy mô tổng tài sản của ngân hàng ngày càng lớn, việc tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II là rất quan trọng. Hệ số CAR nhiều ngân hàng đang ở mức an toàn, nhưng nếu không tăng vốn điều lệ, chỉ tiêu này sẽ giảm dần khi tài sản có rủi ro tăng lên trong tương lai. Khi đó, việc mở rộng hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng sẽ bị hạn chế.

Các ngân hàng cần tăng vốn để gia cố bộ đệm và chia cổ tức bằng cổ phiếu là cách phù hợp nhất trong thời điểm này, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính. “Tăng vốn sẽ tăng bộ đệm thanh khoản giúp ngân hàng trụ vững ứng phó tốt hơn với rủi ro tiềm ẩn dịch bệnh”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

NguồnNguyễn Vũ/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục