Khai thác mạnh dịch vụ thúc đẩy tăng trưởng

Quan sát tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của nhiều ngân hàng vừa diễn ra cho thấy, các nhà băng đều đặt mục tiêu đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn đang gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Mặc dù tính đến hết quý 1/2021, tăng trưởng tín dụng đạt 2,93% – cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự thận trọng của các ngân hàng là hoàn toàn có lý do. Trên thực tế, năm 2021, NHNN đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng. Với kịch bản 1, tăng trưởng tín dụng 12-14%; kịch bản 2, mức tăng trưởng tín dụng là 10-12% và kịch bản 3 là tín dụng tăng 7-8%.

Hơn thế, theo giới chuyên gia, việc đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng cũng sẽ giúp các ngân hàng phát triển toàn diện hơn, không còn “độc canh” tín dụng như nhiều năm trước; đồng thời cũng sẽ giảm bớt rủi ro và cải thiện cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng theo hướng bền vững hơn.

Ảnh minh họa

Trên thực tế, mấy năm gần đây các ngân hàng đều đẩy mạnh các hoạt động theo hướng này, thể hiện qua thu từ dịch vụ đang chuyển mình tích cực. Chỉ tính riêng năm 2020, tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM đã ở mức 11,05%.

Như Agribank, tại Hội nghị phát triển sản phẩm dịch vụ năm 2021, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho hay, năm 2020, thu từ sản phẩm dịch vụ toàn hệ thống Agribank đạt 7.109 tỷ đồng, vượt 14,7% so với mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020 đề ra, tỷ lệ thu ròng đạt trên 12,39%; thu dịch vụ đã trở thành nguồn thu ổn định, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu thu nhập của chi nhánh và hệ thống.

Hay việc thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đã mang về cho MB gần 5.850 tỷ đồng trong năm 2020 – tăng hơn 39% so với năm 2019, chiếm hơn 71% tổng thu nhập dịch vụ của ngân hàng. Kinh doanh bảo hiểm cũng mang về cho VPBank thu nhập hơn 2.575 tỷ đồng trong năm 2020. Với HDBank, thu nhập thuần từ dịch vụ quý I/2021 đã cao gấp gần hai lần cùng kỳ năm trước, và được ghi nhận là quý thứ ba liên tiếp thu nhập thuần dịch vụ đạt tốc độ tăng ấn tượng như trên…

ĐHĐCĐ của nhiều ngân hàng vừa diễn ra cũng chú trọng kết quả kinh doanh có sự đóng góp lớn tới từ mảng dịch vụ. Chẳng hạn như đại diện BIDV cho biết, động lực tăng trưởng của ngân hàng này năm 2021 tới từ việc thu nhập ròng từ lãi và các khoản thu ngoài lãi, thu hồi nợ ngoại bảng, tiết kiệm chi phí; Chủ tịch HĐQT Vietcombank ông Nghiêm Xuân Thành cũng xác định lợi nhuận của ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021, trong đó các mảng dịch vụ như bán lẻ, và bancassurance sẽ đóng góp chính cho kết quả lợi nhuận của ngân hàng.

SSI Research dự báo, Vietcombank có khả năng tăng 60% thu nhập từ bancassurance trong năm 2021. VietinBank cũng được SSI đánh giá cao về khả năng thu lãi từ kênh bancassurance.

Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cũng cho biết, nhà băng này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí dịch vụ năm bình quân từ 15-17%, đến năm 2025, tỷ lệ thu ròng dịch vụ trong tổng thu nhập đạt trên 15-16%.

VIB cho biết sẽ tập trung hơn vào các mảng thu phí và dịch vụ phi tín dụng, ngân hàng số. Ông Đặng Khắc Vỹ – Chủ tịch HĐQT VIB chia sẻ, số lượng khách hàng đăng ký ngân hàng số qua ứng dụng MyVIB của ngân hàng tăng trưởng gần 300% trong năm 2020 – góp phần đưa tổng số lượng khách hàng của VIB vượt ba triệu khách hàng. Số lượng khách hàng kích hoạt dịch vụ ngân hàng số tăng 103% và số lượng giao dịch trực tuyến tăng trưởng 110% trong năm 2020…

Theo các chuyên gia, nếu xét khách quan thì con số tăng trưởng thu từ dịch vụ của hệ thống TCTD chưa thật sự quá “ấn tượng” cũng như chưa đạt được mức như kỳ vọng. Tuy nhiên tiềm năng phát triển của mảng kinh doanh này vẫn còn rất lớn và được kỳ vọng sẽ bứt phá nhanh hơn trong thời gian tới khi mà nền kinh tế phục hồi tốc độ tăng trưởng, thu nhập của người dân cũng ngày càng được cải thiện tích cực kéo theo nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại chứ không chỉ đơn thuần là tín dụng.

Trong khi đại dịch Covid-19 dù gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế, nhưng nó cũng mang tới một hiệu ứng khá bất ngờ khi thúc đẩy các hoạt động kinh tế số, đặc biệt là ngân hàng số phát triển.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, các ngân hàng ngày càng nhận thức rõ rệt hơn về việc tăng thu từ dịch vụ là xu hướng chung, giảm thiểu tối đa rủi ro từ hoạt động tín dụng. Thực tế, tỷ lệ thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM Việt Nam đều có xu hướng tăng qua các năm: năm 2018 là 9,3%; 2019 là 10,31% và hết tháng 12/2020 là 11,05%.

Cũng theo TS.Hiếu, nhu cầu của khách hàng sẽ ngày càng tăng nên các ngân hàng phải rất chủ động, không ngừng cải tiến, phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, các kênh phân phối, chú trọng đặc biệt tới các kênh phân phối dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Đồng thời phải nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như công tác chăm sóc khách hàng. Cùng với việc đẩy mạnh thu ngoài lãi, các ngân hàng cũng đang rất tích cực trong xử lý nợ xấu để giảm dự phòng, qua đó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận…

NguồnKhuê Nguyễn/ Thời báo ngân hàng/
Bài cùng chuyên mục