4 dấu hiệu của kinh doanh đa cấp biến tướng và cách “đọc vị”

Tọa đàm trực tuyến “Toàn cảnh ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội ngày hôm nay (19/4). Các chuyên gia nhận định, người dân cần tỉnh táo phân biệt kinh doanh đa cấp biến tướng để tránh những rủi ro không đáng có cả về tài sản lẫn pháp lý. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chính thống phải chủ động nhiều giải pháp để bảo vệ chính mình.

Kinh doanh đa cấp trái phép đang ngày càng tinh vi hơn trên nền tảng công nghệ số

Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), bán hàng đa cấp là một ngành được thế giới công nhận và được điều chỉnh chặt chẽ bởi pháp luật Việt Nam. Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chính thống ở Việt Nam đã tồn tại, phát triển trong gần 20 năm qua và đến nay ngành này đã cơ bản được định hình, hoạt động trong quy củ, dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống. Vì sự khác biệt này, hiện nay tình trạng biến tướng mô hình bất chính, tiềm ẩn hành vi có tính chất lừa đảo núp bóng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến rất phức tạp.

Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết, các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đã lôi kéo được nhiều thành phần, nhất là các bạn trẻ gia nhập vào mạng lưới đa cấp phi pháp.

“Những vụ việc này không chỉ gây mất an toàn trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới”, bà Trương Thị Nhi nói.

Để xảy ra tình trạng này, theo PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính), có 4 nguyên nhân chính. Đó là sự mơ hồ về mô hình kinh doanh đa cấp của người dân, lòng tham của con người muốn làm giàu nhanh, có nhiều chiêu thức rất tinh vi…

Nhấn mạnh những dấu hiệu của kinh doanh đa cấp biến tướng, ông Trịnh Anh Tuấn phân tích, người tiêu dùng cần xác định được 4 biểu hiện chính:

Thứ nhất làkhông có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp.

Thứ hai làsử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo…

Thứ ba làkhông có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia.

Thứ tư lànói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.

“Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng đăng ký hợp pháp với Bộ Công thương (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động”, ông Trịnh Anh Tuấn khẳng định.

Các hoạt động kinh doanh đa cấp bị cấm bao gồm: Dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công Thương cấp; Các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như tiền ảo, huy động vốn dự án, thương mại điện tử….

Hiện nay, chế tài xử lý hành chính bán hàng đa cấp sẽ dựa theo các quy định của Nghị định 141/2018/NĐ-CP. Đồng thời, có thể xử lý hình sự theo Điều 217a bộ luật Hình sự 2015 về “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng, gây thiệt hại từ 500 triệu đồng, hoặc mạng lưới từ 100 người trở lên) hay “Điều 174 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chính thống, để bảo vệ mình các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần có giải pháp riêng. Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính cần chủ động công tác tuyên truyền và phối hợp với hiệp hội để tuyên truyền cho người tham gia và người tiêu dùng phân biệt rõ các quy định pháp luật và các mô hình biểu hiện bất chính. Xây dựng kế hoạch phân phối và đào tạo người tham gia một cách chuyên nghiệp và có biện pháp triển khai giám sát một cách chặt chẽ.

Đồng thời, doanh nghiệp cần có sự đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo để kịp thời thông tin và phát hiện các trườn hợp sai phạm, các cá nhân bất tuân gây ảnh hưởng đến bản chất và giá trị của ngành bán hàng đa cấp, từ đó kiến nghị và phối hợp với cơ quan chức năng xem xét xử lý đảm bảo hành lamg pháp lý minh bạch, nghiêm túc.

Cùng chung nhận định này, ông Trịnh Anh Tuấn khẳng định, muốn bảo vệ chính mình, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính phải đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản phẩm đến tay người tiêu dùng, chứ không phải chỉ tiêu thụ trong hệ thống. Quản lý chặt chẽ các hoạt động, tăng cường đào tạo để nhà phân phối kinh doanh đúng pháp luật. Giám sát, theo dõi thị trường chặt chẽ để phát hiện nhưng bất thường của thị trường. Chính doanh nghiệp phải biết được sự bất thường này và có kết nối với Bộ Công Thương để Bộ có thông tin xử lý kịp thời.

Với người dân, để tránh “tiền mất tật mang” trước kinh doanh đa cấp biến tướng, PGS.TS. Ngô Trí Long khuyến cáo, trước khi tham gia cần tìm hiểu về doanh nghiệp đa cấp trên các tiêu chí như giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, lịch sử hình thành và hoạt động đa cấp của doanh nghiệp… Người tham gia cũng cần lưu ý phương thức bán hàng, chương trình trả thưởng, hoa hồng của doanh nghiệp…

Tính đến hết năm 2020, trên thị trường có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp, đạt doanh thu hơn 15.400 tỷ đồng trong năm 2020 với tổng số lượng người tham gia hơn 800.000 người. Tổng số thuế các doanh nghiệp này đã nộp về ngân sách Nhà nước đạt hơn 1.800 tỷ đồng.

Hiện, dư địa của kinh doanh đa cấp còn rất lớn. Các chuyên gia phân tích, Việt Nam cũng nằm Top 5 thị trường thế giới tăng doanh thu bán hàng đa cấp nhanh nhất năm 2019, số người bán hàng đa cấp đứng thứ 5 Đông Nam Á, sau Indonesia; Thái Lan; Philipines và Malaysia.

NguồnHương Giang/ Thời báo Ngân hàng
Bài cùng chuyên mục