Đa dạng hóa kênh huy động vốn cho doanh nghiệp trong thời kỳ mới

Ngày 7/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC) tổ chức hội thảo “Giải pháp huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới”.

Đa dạng hóa kênh huy động vốn cho doanh nghiệp trong thời kỳ mới

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước thời cơ mới khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Đây sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Dịch COVID-19 cũng đang tạo nên làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng sang các nước đang phát triển như Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang đứng trước xu hướng chuyển đổi mới. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm qua luôn đạt mức tốt, dù năm 2020 kết quả này có chậm lại nhưng vẫn hơn nhiều quốc gia trên thế giới, khẳng định được vị thế của Việt Nam. Bức tranh kinh tế năm 2020 có 2 mặt, kinh tế thế giới “đau thương” với sản lượng âm nhưng có 1 bộ phận tăng vượt lên. Các doanh nghiệp ngắn hạn chịu tổn thất cơ bản có mô hình cũ còn những doanh nghiệp vượt lên được đều gắn với công nghệ cao. Xu hướng này trong năm 2021 diễn ra rất rõ ràng.

Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch VEC cho rằng, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và dịch COVID-19, việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh là vấn đề quan trọng có tính chất sống còn đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang kinh doanh trong một môi trường thay đổi và bất ổn, nhiều thách thức khác như khủng bố quốc tế, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh mạng… dẫn đến nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp hiện nay đang rất lớn.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Lê Anh Tú, Cố vấn cấp cao PwC Việt Nam cho biết, các hình thức huy động vốn qua ngân hàng, thị trường cổ phiếu, trái phiếu và qua các kênh phi truyền thống đang là xu hướng tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp. Trong đó, hình thức gọi vốn cộng đồng hay gọi vốn thông qua tiền mã hóa ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu và đa dạng về hình thức.

Toàn cảnh hội thảo

Để đáp ứng nhu cầu này của nhiều doanh nghiệp, ngành dịch vụ tài chính đã có sự thay đổi nhanh chóng. Theo đó, ngành dịch vụ tài chính chuyển dịch từ tương tác trực tiếp với khách hàng sang hoạt động dựa trên nền tảng và hệ sinh thái, phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt, lấy khách hàng làm trung tâm, tính cá nhân hóa cao. Nhiều công ty công nghệ tài chính (Fintech) đã lên ngôi từ xu hướng này và cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng. Vì thế, chính các ngân hàng truyền thống cũng buộc phải nhanh chóng bắt kịp xu hướng để giữ lợi thế cạnh tranh.

Nói về thị trường vốn cho doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, hiện có 6 kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp bao gồm ngân sách nhà nước; nguồn vốn đối tác, nguồn vốn nước ngoài; vốn huy động từ thị trường vốn, cổ, trái phiếu quỹ đầu tư, phái sinh; nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh, tài trợ chuỗi cung ứng, cho thuê tài chính và nguồn vốn tự có.

Tuy nhiên, ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch VEC cho rằng, do cơ cấu vốn của doanh nghiệp còn bất hợp lý, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 20-30% còn lại là vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại, trong khi khu vực này lại thường không thể đáp ứng được nhu cầu vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, điểm yếu trong nguồn vốn cho doanh nghiệp hiện nay là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, thị trường tín dụng đang bị “quá tải” do vừa phải lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và doanh nghiệp.

Để đảm bảo nguồn vốn, một số ngân hàng buộc phải đi vay nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Điều này chứa đựng nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế, làm cho doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao, chi phí vốn lớn, hiệu quả sinh lời thấp…

“Vì vậy, yêu cầu bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường tài chính, giải quyết việc mất cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn có ý nghĩa quyết định đối với ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và hiệu quả của doanh nghiệp nói riêng”, ông Đặng Đức Thành nói.

Để các doanh nghiệp Việt Nam có đủ nguồn lực vốn để tận dụng lợi thế trong thời kỳ mới, các chuyên gia đề xuất, doanh nghiệp cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn. Ngoài việc huy động vốn từ chủ sở hữu và tín dụng ngân hàng, giải pháp cơ bản về phía doanh nghiệp cần tận dụng kênh huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu và cổ phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, các doanh nghiệp có thể sử dụng đến kênh cho thuê tài chính hoặc các hình thức tài trợ thương mại quốc tế.

NguồnHương Giang/ Thời báo Ngân hàng
Bài cùng chuyên mục