Tiền di động góp phần số hóa thị trường tài chính

Việc thông qua cơ chế thử nghiệm dành cho tiền di động (mobile money) đã tạo nên bước tiến mới trong hành trình số hóa thị trường tài chính Việt Nam. Điều này cũng góp phần đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của Việt Nam và quốc tế trong tương lai, hướng vào lĩnh vực Fintech. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn bà Natalia Kovalenko, Giám đốc Công ty Lendtop về vấn đề này.

Theo bà, việc “mobile money” được cấp phép thí điểm đã mở ra cơ hội như nào đối với thị trường tài chính?

Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 70% dân số có tài khoản ngân hàng, trong khi gần như có 100% người dân có điện thoại di động. Vì vậy mobile money có thể được xem là một bước tiến lớn, phổ cập thói quen không sử dụng tiền mặt cho người dùng bằng cách sử dụng tiền trên thiết bị điện thoại, bổ sung thêm một phương thức thanh toán và đặc biệt là tiếp cận được đến đối tượng người dùng ở vùng sâu vùng xa – vốn có nhiều tiềm năng phát triển.

Thực tế là thời gian gần đây, những công ty Fintech thử nghiệm trong lĩnh vực mobile money, phần lớn đều cho rằng lợi nhuận không phải là vấn đề quá quan trọng trong hoạt động thử nghiệm, mà chủ yếu họ nỗ lực hoàn thiện hệ thống tài chính, mở rộng chiếm lĩnh thị trường, sau đó mới tính tới lợi nhuận.

Bà Natalia Kovalenko

Việc từng bước áp dụng các cơ chế quản lý thử nghiệm là rất cần thiết để những công ty Fintech có điều kiện phát triển nhanh và mạnh hơn, định hình diện mạo tài chính tại thị trường Việt Nam. Kỳ vọng trong tương lai gần tới đây, sandbox cho lĩnh vực P2P (cho vay ngang hàng) sẽ được triển khai, đảm bảo tính an toàn và phát triển bền vững cho ngành và đem lại lợi ích thiết thực, an toàn cho người dùng.

Đối với sandbox cho mô hình P2P, theo bà, cần có cơ chế kiểm soát về vấn đề này như thế nào để đảm bảo an toàn?

P2P mặc dù đã xuất hiện từ cách đây 2-3 năm tại Việt Nam nhưng vẫn còn khá mới mẻ. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, các cơ quan quản lý và NHNN luôn theo dõi và cập nhật tình hình về sự phát triển của Fintech trong nước. Tôi cảm thấy tin tưởng bởi Chính phủ Việt Nam đã có “cái nhìn” rất nhanh nhạy với những lĩnh vực mới, đặc biệt là các chuyên gia kinh tế, tài chính Việt Nam cũng luôn đi đầu trong việc nghiên cứu, quan tâm về các vấn đề liên quan, trong khi người dùng luôn dễ dàng tiếp nhận, trải nghiệm cái mới.

Khi triển khai mô hình P2P có thể sẽ có một số rủi ro xảy ra liên quan đến hạ tầng kỹ thuật công nghệ cho việc chuyển tiền, thanh toán, đánh giá rủi ro tín dụng, vấn đề bảo mật thông tin dữ liệu khách hàng, cơ chế giới hạn phạm vi hoạt động của vay ngang hàng và quan trọng nhất là việc chống rửa tiền.

Trong khu vực, hiện chỉ có một số quốc gia phát triển P2P, điển hình như Trung Quốc, Indonesia… Việt Nam chắc chắn sẽ có bước tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực này nếu sớm hoàn thiện hành lang pháp lý.

Ngoài ra, bà cũng có nhắc đến sự an toàn cho người dùng, vậy khi sử dụng P2P, liệu người dùng có thể sẽ gặp phải những rủi ro như thế nào?

Có thể nói, vay online là một hình thức cấp tín dụng nhanh và đơn giản nhất hiện nay, giúp giải quyết các nhu cầu cấp bách về vốn cho cá nhân. Song chính việc dựa chủ yếu vào thông tin nhân thân của người vay như CMND/CCCD đã khiến hình thức này trở thành đích ngắm cho nhiều đối tượng gian lận với cách làm giả CMND/CCCD một cách tinh vi.

Tuy nhiên, ở góc độ một doanh nghiệp hoạt động nền tảng kết nối cho vay, tôi cho rằng hệ thống đánh giá của các doanh nghiệp cho vay trong và ngoài nước hiện nay được cải tiến rất hiện đại, linh hoạt. Thông qua (AI) thực hiện nhận dạng, đánh giá rủi ro khách hàng, hệ thống thường xuyên được cập nhật và “học” mới mỗi ngày.

Mặc dù các hình thức, thủ đoạn lừa đảo luôn biến đổi một cách tinh vi, phức tạp, nhưng công nghệ, hệ thống phòng ngừa rủi ro cũng luôn được cập nhật, cải tiến biến đổi nhanh chóng và luôn đi trước một bước để đảm bảo an toàn. Hơn nữa, sau khi được “lọc” bằng công nghệ, con người sẽ là bước cuối cùng thẩm định theo quy trình nội bộ. Điều này có thể minh chứng qua số liệu trong năm 2020 tại MoneyCat, tỷ lệ gian lận gần như bằng 0.

Xin cảm ơn bà!

Theo Hiệp hội thông tin di động toàn cầu (GSMA), tiền di động (mobile money) dùng chỉ việc tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân qua điện thoại di động, đây là dạng tiền điện tử do tổ chức, nhà mạng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Hiện nay, hạn mức giao dịch mobile money tại Việt Nam là 10 triệu đồng/ tháng, một số nhà mạng đã được cấp phép thử nghiệm như Viettel, Mobifone…

NguồnTuyết Anh/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục