Giảm gánh nặng chi phí cho ngân hàng và doanh nghiệp

Đó là mong muốn của các diễn giả tham gia Tọa đàm trực tuyến “Thuế giá trị gia tăng (VAT) với hoạt động thư tín dụng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp tổ chức chiều ngày 11/5/2021 tại Hà Nội.

Vướng mắc cho cả ngân hàng và doanh nghiệp

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thư tín dụng (L/C) là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành, bảo đảm người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các điều kiện quy định trong L/C được thực hiện đúng và đầy đủ. Việc này vẫn được thực hiện trong rất nhiều năm.

Tuy nhiên, đến ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế có văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các Cục Thuế địa phương rà soát, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn có hoạt động này thực hiện kê khai, nộp thuế VAT. Theo đó, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ L/C, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế VAT kể từ ngày 1/1/2011. “Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các TCTD và chính doanh nghiệp”, ông Phòng nhấn mạnh.

Việc yêu cầu các TCTD rà soát để nộp thuế VAT đối với dịch vụ L/C trong 10 năm qua tạo gánh nặng tài chính rất lớn đối với các TCTD và doanh nghiệp

Chỉ ra cụ thể khó khăn, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký VNBA cho hay, các ngân hàng tỏ ra lo ngại nhất bản chất thuế VAT là thuế gián thu, nên việc yêu cầu các TCTD rà soát để nộp thuế VAT đối với dịch vụ L/C trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi, tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn đối với các TCTD và khách hàng doanh nghiệp. Hơn nữa, với khoảng thời gian 10 năm (từ năm 2011 đến nay) đã có rất nhiều thay đổi, có thể nhiều khách hàng không còn quan hệ giao dịch với TCTD hoặc đã giải thể/phá sản/không còn tồn tại, nên TCTD không thể thu thuế bổ sung từ khách hàng được và các TCTD cũng không thể ứng tiền ra để nộp thay cho doanh nghiệp.

Sở dĩ câu chuyện về thuế trên là theo yêu cầu kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, tại Khoản 15 Điều 4 Luật Các TCTD quy định L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán. Mà là dịch vụ thì phải chịu thuế VAT. Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm ông Hùng khẳng định: Thời điểm trước và sau khi Luật Các TCTD 2010 có hiệu lực, bản chất của L/C không thay đổi. L/C là nghiệp vụ lưỡng tính vừa là hình thức cấp tín dụng, vừa là hoạt động thanh toán. Do đó, nếu thực hiện theo nội dung Công văn số 1606 thì kể từ ngày 1/1/2011, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ L/C, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không đều phải chịu thuế VAT sẽ không đúng với bản chất hoạt động của L/C theo thông lệ quốc tế và quy định pháp luật. Đồng thời làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đến việc mở rộng phương thức thanh toán tín dụng chứng từ L/C qua ngân hàng và việc cung ứng vốn tín dụng, có nguy cơ tăng rủi ro cho doanh nghiệp khi áp dụng các phương thức thanh toán khác.

Ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cũng nhấn mạnh: “Luật Tín dụng và Luật Các TCTD 2010 không hề phủ nhận bản chất lưỡng tính của L/C và bản chất này không thay đổi. Chúng ta không thể hiểu Luật Các TCTD 2010 phủ nhận bản chất tín dụng của L/C và cho rằng L/C chỉ là dịch vụ thanh toán. Và pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn tiếp tục mạch cũ, cho rằng L/C có hai bản chất vừa là cấp tín dụng vừa là thanh toán. Và các văn bản dưới luật là các nghị định, thông tư của NHNN cũng theo mạch quy định L/C là hoạt động mang tính chất lưỡng tính”.

Đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

Về đánh giá tác động của công văn số 1606, bà Phùng Nguyễn Hải Yến – Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng đã có khảo sát thì thấy rằng, việc giao dịch với khách hàng sẽ khó hơn và giải thích bổ sung thuế VAT cho khách hàng là không khả thi. Nhất là thời gian phát sinh nghĩa vụ thuế kéo dài nhiều năm, nhiều khách hàng đã thay đổi. “Các khoản thu liên quan đến L/C các TCTD đã thu của khách hàng trong giai đoạn trước đây theo biểu phí công bố tại từng thời điểm thu phí, khả năng để được các khách hàng nộp bổ sung thuế VAT do quy định lại thuế suất là rất khó”, bà Yến chia sẻ. Đại diện của VietinBank cũng bày tỏ quan ngại, đối với các TCTD, nộp bổ sung thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế VAT với số tiền rất lớn. Chưa kể, ngân hàng không biết lấy nguồn nào để bù đắp cho khoản nộp bổ sung thuế…

Từ đó, các ngân hàng kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước thống nhất quan điểm: Bảo lãnh thanh toán của TCTD trong phương thức L/C thuộc hoạt động cấp tín dụng, không phân biệt trường hợp khách hàng không ký quỹ hay có ký quỹ đủ hoặc không đủ 100% giá trị L/C. Các khoản phí L/C liên quan đến cam kết bảo lãnh thanh toán là đối tượng không chịu thuế VAT.

Đại diện cho Nhóm Công tác các Ngân hàng nước ngoài, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cũng chung kiến nghị không áp dụng thuế VAT trên dịch vụ L/C, phương thức này phù hợp thông lệ quốc tế được áp dụng trên thế giới hiện nay khi 34/37 quốc gia trong khu vực OECD đều không tính thuế VAT trên L/C. Việc không đánh thuế phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam. Nó cũng tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam… “Việc muốn hội nhập với thế giới, tôi cho rằng, vấn đế đánh thuế hay không đánh thuế cần phải được nghiên cứu kỹ. Chúng ta nên tham khảo thông lệ quốc tế về vấn đề này. Thứ hai, Liên minh Diễn đàn kiến nghị không áp dụng hồi tố. Khi luật thuế thay đổi thì nên áp dụng khi luật thuế mới được ban hành. Hơn nữa, thời điểm hiện tại là thời điểm rất khó khăn của doanh nghiệp do tác động của COVID-19”, vị này lưu ý thêm.

Cũng khẳng định quan điểm không hồi tố, ông Hùng cho rằng, Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, do đó nếu bây giờ áp dụng thì ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của quốc gia. “Đề nghị các bộ ngành ngồi lại tìm hướng tháo gỡ thuận lợi nhất tham mưu lên Chính phủ để giải quyết triệt để vấn đề này thông qua giải pháp giải quyết hài hòa lợi ích của các bên”, ông Hùng nhấn mạnh.

Phát biểu phản hồi các ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế, các doanh nghiệp lớn – Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới, các cơ quan nhà nước sẽ ngồi lại với nhau để tháo gỡ vấn đề này trên tinh thần, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền. Đồng thời, tiếp tục lắng nghe để có thêm thông tin có quyết sách tham mưu cho Bộ Tài chính giải quyết vấn đề này.

NguồnHà Thành/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục