Doanh nghiệp nhà nước đang mờ đi và nhỏ dần

DNNN được xác định là thành phần quan trọng và được kỳ vọng sẽ là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác. Nhưng khu vực này đang mờ đi, nhỏ dần. Nếu không tư duy lại về DNNN để thay đổi những định chế tương ứng, sẽ còn mất mát nhiều, cả mất mát hữu hình và những mất mát vô hình.

Chưa thực sự làm nhà đầu tư đúng nghĩa

Hiện nay DNNN đang nắm giữ và sử dụng một nguồn lực lớn của đất nước, đang nắm giữ khoảng 28% tổng giá trị tài sản của tất cả các doanh nghiệp. Nhưng mức đóng góp của họ vào phát triển kinh tế – xã hội còn thấp hơn tương đối so với số nguồn lực đang nắm giữ. DNNN không những không huy động được nguồn lực bên ngoài, mà còn không huy động hết và cũng chưa sử dụng đầy đủ, tối đa các nguồn lực mình đang nắm giữ. Như vậy vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp và DNNN đang được sử dụng kém hiệu quả.

TS.Nguyễn Đình Cung

Có hàng loạt các nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Thứ nhất, cơ quan chủ sở hữu vốn chưa thực sự làm nhà đầu tư vốn đúng nghĩa trong kinh tế thị trường mà chỉ chú ý nhiều đến quản lý nhà nước.

Thứ hai, mục tiêu đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp không rõ ràng, không cụ thể không phù hợp với kinh tế thị trường và đang lẫn lộn giữa mục tiêu đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trong cung ứng dịch vụ cho công dân.

Nên nhớ là mục tiêu đầu tiên của doanh nghiệp, gồm cả DNNN trong kinh tế thị trường là tối đa hóa lợi nhuận trên cơ sở bảo đảm hợp lý hiệu quả tài chính. Nếu không bảo đảm hiệu quả tài chính, thì doanh nghiệp sẽ mất dần, hao mòn dần số vốn đầu tư kinh doanh, và đến một thời điểm nào đó doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động, bị phá sản hoặc bị kẻ khác thôn tính.

Thứ ba, DNNN chưa thực sự là doanh nghiệp đúng nghĩa trong kinh tế thị trường. DNNN hầu như không có quyền tự chủ đầu tư, tự chủ kinh doanh. Hầu hết các quyết định quan trọng của DNNN đều phải xin ý kiến và thực hiện theo quy tắc, trình tự hành chính chứ không phải quy tắc và thông lệ thị trường.

Thứ tư, trong 10 năm qua, Chính phủ thực hiện 2 đề án tái cơ cấu, và nâng cao hiệu quả DNNN với 3 nội dung cơ bản là: Áp đặt kỷ luật thị trường, buộc các DNNN hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng; Áp dụng quản trị công ty hiện đại theo thông lệ quốc tế; Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ. Nhưng nội dung thứ ba cơ bản không hoàn thành, trong khi 2 nội dung đầu hầu như chưa thực hiện.

Tất cả những điều nói trên làm cho DNNN chưa phải là công ty đúng nghĩa trong kinh tế thị trường. Từ đó, các DNNN không huy động và sử dụng hết nguồn nội lực, càng không thể xâm nhập được vào thị trường vốn, đặc biệt là thị trường vốn quốc tế, để huy động các nguồn ngoại lực. Từ đó, vai trò của DNNN cứ mờ dần, nhỏ dần trong sự phát triển kinh tế đất nước.

Không thay đổi sẽ còn mất mát nhiều

Vì vậy, đổi mới tư duy và cách thức quản lý vốn đầu tư của nhà nước vào sản xuất, kinh doanh và tiếp tục cải cách mạnh mẽ DNNN vẫn là yêu cầu hết sức cấp thiết. Nếu không tư duy lại về DNNN để thay đổi những định chế tương ứng, thì sẽ còn mất mát nhiều, cả mất mát hữu hình và những mất mát vô hình, mất mát không chỉ về hiệu quả kinh tế mà còn về vai trò dẫn dắt của DNNN với nền kinh tế. Để cải cách quản lý vốn và đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN cần thực hiện 5 giải pháp cơ bản sau:

Một là, đổi mới tư duy về DNNN, coi DNNN thực sự là công ty (cổ phần, trách nhiệm hữu hạn) trong kinh tế thị trường đầy đủ và có đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh tương tự như doanh nghiệp khác; hoạt động đầu tư kinh doanh thực sự theo nguyên tắc thị trường, chịu cạnh tranh bình đẳng và được cạnh tranh bình đẳng.

DNNN nắm giữ và sử dụng một nguồn lực rất lớn của đất nước

Hai là, đổi mới toàn diện chế độ tài chính đối với đầu tư góp vốn, mua cổ phần của nhà nước tại doanh nghiệp và chế độ tài chính đối với DNNN về cơ bản tương tự như chế độ tài chính đối với các doanh nghiệp khác.

Ba là, tiếp tục đổi mới tư duy và đổi mới toàn diện tổ chức bộ máy, nhân sự, cách thức và công cụ, năng lực quản lý về thực hiện đầu tư của nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Có chính sách chủ sở hữu hợp lý, trong đó lưu ý mục tiêu đầu tư của chủ sở hữu nhà nước phải làm gia tăng giá trị cổ phần, phần vốn góp của nhà nước, tức là tăng giá trị của công ty và có được tỷ suất lợi nhuận hợp lý/tổng đầu tư mà không tính trên từng dự án hay khoản mục đầu tư cụ thể. Đầu tư của nhà nước hướng tới phát triển một số công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chủ lực của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Góp phần củng cố tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế. Điều xin nhấn mạnh ở đây là, đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp không phải là để có thêm DNNN, mà là tạo ra công nghệ, sản phẩm, dịch vụ (chủ lực, thiết yếu…) cho đất nước. Như vậy, hình thức đầu tư không nhất thiết phải là thành lập doanh nghiệp mới, không nhất thiết tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp phải cao…

Bốn là, áp dụng đầy đủ các nguyên tắc quản trị theo thông lệ quốc tế ngay trong nhiệm kỳ này. Đây là một nội dung của cải cách, tái cơ cấu DNNN luôn có trong các nghị quyết có liên quan của Đảng và nhà nước, nhưng hầu như chưa thực hiện được. Rõ ràng, khi DNNN, nhất là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chưa thực sự là công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn, thì không thể áp dụng được các nguyên tắc quản trị công ty hiện đại theo thông lệ quốc tế tốt.

Năm là, tất cả DNNN cần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trước hết là các doanh nghiệp trong các ngành, các nghề đang đối mặt với cạnh tranh quốc tế. Lựa chọn và thực hiện niêm yết một số DNNN trên thị trường chứng khoán quốc tế. Niêm yết được trên thị trường chứng khoán là một bước tiến có tính quyết định về chất lượng quản trị DNNN, tạo điều kiện tốt cho đổi mới và phát triển DNNN nói chung và đầu tư nhà nước nói riêng.

NguồnTS.Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục