Ngân hàng và “cuộc đua” chuyển đổi số

Cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới giờ đây đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều kể từ khi có sự xuất hiện của chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng.

“Cuộc đua” chuyển đổi số: Nhanh và khốc liệt

Công nghệ số, cộng với lực đẩy từ dịch Covid-19 đã làm thay đổi cơ bản hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính – ngân hàng. Sự phát triển của dịch vụ trên nền tảng công nghệ số có thể giúp các ngân hàng đổi mới toàn diện, từ quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, đổi mới hệ thống kênh phân phối đến mở rộng danh mục sản phẩm một cách rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn. Nhìn chung hiện các nhà băng đã triển khai thành công mô hình ngân hàng số, một số nhỏ đã hoàn thành xong giai đoạn 2 – chuyển đổi kỹ thuật số (digital transformation), phần lớn đã đến giai đoạn 3 – giai đoạn tái tạo số (Digital reinvention) và đã tạo ra doanh thu lớn.

Tại Việt Nam, hầu hết ngân hàng đang ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số, nghĩa là tích hợp nhiều quy trình số khác nhau để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm có tính cá thể hóa. 94% ngân hàng trong nước đang tiến hành chuyển đổi số, trong đó, có khoảng 42% TCTD coi ngân hàng số là chiến lược kinh doanh.

Ảnh minh họa

Bằng nhiều cách đi và phương thức khác nhau, các NHTMCP cũng đang tăng tốc trong cuộc đua triển khai các mô hình số trong công tác hỗ trợ giao dịch, phát triển sản phẩm dịch vụ như: Vietcombank với ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank; BIDV với chiến dịch chuyển đổi số nền khách hàng “BIDV Digi Up”; VietinBank thì có kế hoạch xây dựng ứng dụng “chatbot” (robot tự động nói chuyện, tương tác với khách hàng); Nam A Bank đã ứng dụng robot vào việc hỗ trợ giao dịch (Robot OPBA); TPBank triển khai thành công LiveBank 24/7; hay như ABBANK đã sớm chuẩn bị về nền tảng cơ sở để thực hiện số hóa với chiến lược cụ thể là phục vụ nhu cầu và lợi ích của công dân số. AB Ditizen ra đời và liên tục được bổ sung dịch vụ, sản phẩm nhằm nâng cao tiện ích, và sự trải nghiệm cho khách hàng.

Chiến lược chinh phục đường đua

Sau nhiều năm chuẩn bị về nền tảng cơ sở, năm 2020, ABBANK đã ghi nhận sự bứt phá trong công tác đẩy mạnh các hoạt động số hóa thông qua chiến lược cụ thể là phục vụ nhu cầu và lợi ích của công dân số. Bằng cách quy hoạch và ra mắt AB Ditizen – ứng dụng Ngân hàng số hiện đại và chuyên biệt dành cho Công dân số, ABBANK liên tục tối ưu trải nghiệm, chất lượng dịch vụ, bổ sung sản phẩm và tiện ích, đồng thời ban hành các chương trình, chính sách khuyến mại nhằm mang lại lợi ích tối đa cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ tài chính số của mình.

Không nằm ngoài cuộc đua công nghệ, ngân hàng số AB Ditizen nhanh chóng tích hợp thêm tính năng định danh khách hàng điện tử tự động toàn diện – eKYC. Với AB Ditizen, ABBANK cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ phát hành số tài khoản trùng với số điện thoại khi khách hàng mở mới qua AB Ditizen eKYC. Hiện số lượng tài khoản sử dụng AB Ditizen ghi nhận mức tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ qua sự kiện Roadshow cuối tháng 4/2021 vừa qua ABBANK đã giới thiệu dịch vụ Ngân hàng số AB Ditizen đến với người dùng tại 15 tỉnh thành về thu về con số mở mới kỷ lục – khoảng 20.000 tài khoản AB Ditizen chỉ sau 3 ngày, đặc biệt là các khách hàng trẻ. Không chỉ được khách hàng đánh giá cao về những tiện ích mà ứng dụng đang cung cấp, AB Ditizen còn được đánh giá là một kênh quan trọng để ABBANK thu hút và khai thác rộng tập khách hàng trong thời gian tới.

Tổng Giám đốc ABBANK, ông Lê Hải cho biết, trong chiến lược phát triển giai đoạn 5 năm (2021 – 2025), ABBANK sẽ tập trung vào công tác số hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng hệ sinh thái Digital Non-Bank… nhằm hướng đến mục tiêu tiến vào trong top các ngân hàng số tại Việt Nam.

Có một thực tế là việc chuyển đổi số không chỉ mang lại tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng mà còn giúp chính ngân hàng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Tại ABBANK, những đột phá về số hóa như tập trung hóa và IT hóa hoạt động kho quỹ đã giúp lượng tiền tồn quỹ tiết giảm khoảng 150 tỷ trong năm vừa qua; việc kiểm soát luồng tiền mặt của ngân hàng cũng tối ưu hơn. Bên cạnh đó, ABBANK đã xây dựng được hệ thống Smartform giúp giảm thiểu khá nhiều thao tác về hồ sơ giấy tại quầy (lấy thêm số lượng khách hàng, giảm chi phí hoạt động 300 tỷ/năm). Qua hệ thống này khách hàng dễ dàng tìm kiếm, khai thác thông tin về combo sản phẩm; ngân hàng thì nhận diện khách hàng tốt hơn dẫn tới thời gian, tốc độ xử lý giao dịch trở nên nhanh hơn, giúp giảm 50% chi phí cũng như thời gian giao dịch.

Quy trình thẩm định tín dụng được IT hóa cũng giúp các khâu luân chuyển chứng từ nhanh hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí và đặc biệt là tăng năng suất, tăng hiệu quả làm việc của ngân hàng. Chỉ riêng thông qua việc cải tiến, xây dựng Smartform tại quầy và tập trung hóa hoạt động kho quỹ đã đóng góp không nhỏ vào việc giúp ABBANK thu hút thêm được hơn 368.000 khách hàng, tiết giảm đến 13% chi phí hoạt động dịch vụ, và chính nhờ giảm thời gian giao dịch mà số lượng giao dịch tại quầy được tăng lên đã đóng góp hàng chục tỷ đồng phí dịch vụ vào lợi nhuận của ABBANK…

Trong cuộc đua chuyển đổi số, mỗi ngân hàng đều có chiến lược và giải pháp riêng nhưng đều cùng chung một mục tiêu mang đến sự tiện ích, không ngừng nâng cao trải nghiệm cho khách hàng; đồng thời giúp ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Nguồn Lê Hải/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục