Con đường không trải hoa hồng cho đại gia Việt

Khi đã vươn tới vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh chính, nhiều doanh nghiệp Việt ôm mộng mở rộng thần tốc sang nhiều mảng khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chiến lược đa ngành đa nghề là con đường không trải hoa hồng.

Được bán lại và đổi tên thành MYM nhưng thương hiệu thời trang Emigo do Vingroup thành lập vừa bị “khai tử”.

Mở rộng ngành nghề kinh doanh

Trong năm 2018 và 2019, Tập đoàn Vingroup trở thành tâm điểm của giới kinh doanh bởi những bước đi thần tốc của mình. Vingroup khiến dư luận đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi liên tục công bố những kế hoạch khổng lồ, chưa từng có của mình.

Vốn là đại gia bất động sản số 1 Việt Nam, số 1 cả mảng căn hộ cao cấp, biệt thự, rồi đến bất động sản nghỉ dưỡng, Vingroup lại bất ngờ lấn sân sang nhiều lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực vô cùng lớn như ô tô với VinFast, công nghệ với VSmart, dược phẩm với VinFa… Trước đó, Vingroup đã thành công với những khoản đầu tư ngoài ngành như Vinmec, Vinschool.

Đầu tháng 7/2019, Vingroup một lần nữa khiến dư luận xôn xao khi công bố sẽ tấn công sang mảng hàng không. Khác với các doanh nghiệp hàng không đang hoạt động, Vingroup sẽ đi bằng hai chân ở mảng này. Đó là phát triển song song dịch vụ hàng không và đào tạo hàng không.

Vingroup không phải doanh nghiệp lớn đầu tiên của Việt Nam ôm mộng “Thánh Gióng” theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Trước đây cả thập kỷ, CTCP FPT là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời doanh nghiệp Việt. Xuất phát từ ngành thực phẩm nhưng FPT nhanh chóng vươn mình trở thành doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin, trong đó đáng chú ý nhất là phần mềm.

Đứng ở vị trí số 1 ngành công nghệ thông tin, FPT muốn “bao sân” nhiều ngành nghề khác. FPT không tiếc tiền rót hàng ngàn tỷ đồng với lĩnh vực tài chính với Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Công ty Quản lý Quỹ FPT (FPT Capital).

FPT cũng hăng hái rót vốn vào lĩnh vực rất nóng thời điểm cách đây cả chục năm. Đó là bất động sản. Vì vậy, FPT Land ra đời. Ngoài ra, FPT còn đầu tư vào giáo dục, bán lẻ, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, viễn thông…

CTCP Đầu tư Alphanam hoạt động trong lĩnh vực cơ khí lắp máy. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam lên cơn sốt, ALP của Alphanam là một trong những cổ phiếu nhận được sự quan tâm lớn nhất từ nhà đầu tư. Nhiều người đổi đời nhờ sức “nóng” của ALP.

Đứng trên đỉnh cao, Alphanam không chịu bằng lòng với những gì đạt được. Alphanam mạnh tay chi tiền để thâu tóm rất nhiều công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất thiết bị điện và vật liệu điện; cho thuê ô tô, buôn bán gạo, bất động sản, lắp đặt thang máy…

Không mở rộng ồ ạt như FPT hay Alphanma nhưng Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc của đại gia Đặng Thành Tâm cũng đầu tư ngoài ngành. Lĩnh vực mà ông Tâm lựa chọn là ngân hàng.

TPBank thời còn là “con” của FPT.

Con đường không trải hoa hồng

Tập đoàn FPT chưa bao giờ lao đao hay nhận “báo động đỏ”, nhưng một số công ty con của FPT thì đã nếm mùi thua lỗ. Điều đáng nói, các công ty con thua lỗ hầu hết là có lĩnh vực kinh doanh không liên quan đến công nghệ.

Tài chính là ngành mang lại nhiều “nỗi đau” cho FPT nhất. Có thời điểm TPBank thua lỗ tới gần 1.400 tỷ đồng. FPT Capital cũng gánh chịu những khoản thua lỗ không hề nhỏ. FPTS năm 2008 lỗ tới 235 tỷ đồng.

Những khoản đầu tư kém hiệu quả này không khiến FPT rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở” như nhiều công ty khác, nhưng nó cũng mang lại cú sốc lớn cho ban lãnh đạo. Chính lãnh đạo FPT từng thừa nhận “sai lầm của chúng tôi là không tập trung vào sức mạnh cốt lõi và cho rằng mình cái gì cũng làm được”. Kết quả là từ năm 2009, FPT phải thực hiện tái cơ cấu các lĩnh vực hoạt động.

Ngoài việc gom các doanh nghiệp vào từng mảng riêng biệt, FPT thực hiện hàng loạt thương vụ thoái vốn. Trong đó, đáng chú ý nhất là bán TPBank cho CTCP Tập đoàn Doji và chỉ giữ lại 6,47% vốn. Sau vài năm dưới bàn tay của Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú, TPBank đã thay da đổi thịt. Ngoài TPBank, FPT còn bán vốn tại FPT Trading và FPT Retail.

Kém may mắn hơn FPT rất nhiều là Alphanam. Những thương vụ thâu tóm liên miên không mang lại nhiều lợi ích cho công ty mà ngược lại, Alphanam rơi vào tình cảnh thua lỗ triền miên. Những khoản lỗ chồng chất ngày càng nhiều của Alphanam khiến cổ đông mệt mỏi, chán nản.

ALP, từ vị thế một trong những cổ phiếu “hot” nhất thị trường nay chao đảo, bị nhà đầu tư quay lưng. Trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi rời thị trường chứng khoán Việt Nam, ALP dừng ở mức 3.400 đồng/CP. Kể từ năm 2014 đến nay, Alphanam gần như mất tích khỏi thị trường. Thậm chí công ty này còn dính tin đồn giải thể.

Mải mê đầu tư vào ngân hàng nhưng cuối cùng giấc mộng tài chính của ông Đặng Thành Tâm sụp đổ hoàn toàn. Chính ông Tâm thừa nhận nếu không đầu tư ngoài ngành mà tập trung vào lĩnh vực chính là bất động sản công nghiệp, ông vẫn sống khỏe bất chấp khủng hoảng kinh tế.

Có thể thấy, mở rộng lĩnh vực kinh doanh để trở thành những tập đoàn đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực chưa bao giờ là bài toán dễ giải. Nhưng khó không có nghĩa không thể làm được. Vingroup được dư luận kỳ vọng sẽ gặt hái được những thành công trong các lĩnh vực khó khăn đã chọn.

Theo Hải Quang/ Nguoitieudung

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục